Lập bản đồ phân vùng lũ quét, sạt lở đất cho 37 tỉnh trung du, miền núi

09/03/2024 08:24 GMT+7

Trong kế hoạch thực hiện đề án cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét khu vực miền núi, trung du Việt Nam, Bộ TN-MT nêu rõ nhiệm vụ xây dựng bộ dữ liệu, lập bản đồ hiện trạng, bản đồ phân vùng nguy cơ, phân vùng rủi ro do sạt lở đất, lũ quét cho 37 tỉnh trung du và miền núi Việt Nam.

Kế hoạch nêu rõ 5 nhiệm vụ và 4 giải pháp được Bộ trưởng Bộ TN-MT giao các đơn vị: Tổng cục Khí tượng thủy văn, Cục Địa chất Việt Nam, Cục Viễn thám quốc gia, Viện Khoa học khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu...

Lập bản đồ phân vùng lũ quét, sạt lở đất cho 37 tỉnh trung du, miền núi- Ảnh 1.

Lập bản đồ phân vùng lũ quét, sạt lở đất cho 37 tỉnh trung du, miền núi

LÂM VIÊN

Các nhiệm vụ chủ yếu gồm: rà soát, xây dựng hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, quy trình, quy định kỹ thuật phục vụ triển khai các nhiệm vụ liên quan đến phân vùng và cảnh báo sớm thiên tai sạt lở đất, lũ quét; thiết lập và duy trì vận hành hệ thống thông tin - cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét.

Điều tra, xây dựng bộ dữ liệu, lập bản đồ hiện trạng, bản đồ phân vùng nguy cơ, phân vùng rủi ro do sạt lở đất, lũ quét tỷ lệ 1/10.000 và lớn hơn cho 150 khu vực rủi ro cao (ưu tiên thực hiện trước cho các khu vực có nguy cơ diễn biến thiên tai sạt lở đất, lũ quét phức tạp); điều tra, xây dựng bộ dữ liệu, lập bản đồ hiện trạng, bản đồ phân vùng nguy cơ, phân vùng rủi ro do sạt lở đất, lũ quét tỷ lệ 1/50.000 và tỷ lệ 1/25.000 cho 37 tỉnh trung du và miền núi Việt Nam.

Tăng cường nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế trong cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét; nâng cao năng lực cộng đồng trong truyền thông và sử dụng thông tin cảnh báo sớm.

Các giải pháp cụ thể là: tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định kỹ thuật, quy trình chuyên môn, nghiệp vụ phục vụ công tác quản lý nhà nước, xác định, đánh giá rủi ro thiên tai, phân vùng rủi ro thiên tai, theo dõi, giám sát thiên tai theo quy định của luật Khí tượng thủy văn, luật Phòng, chống thiên tai và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan khác.

Ưu tiên phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại; tập trung ứng dụng công nghệ viễn thám, tin học, tự động hóa các mô hình, công nghệ hiện đại trong giám sát, quản lý, khai thác, xây dựng hệ thống thông tin cảnh báo sớm, phân vùng rủi ro thiên tai, lập bản đồ cảnh báo thiên tai lũ quét, sạt lở đất theo thời gian thực.

Đẩy mạnh hợp tác với các nước trong khu vực, các đối tác quốc tế trong ứng dụng khoa học công nghệ, trao đổi thông tin dữ liệu, nâng cao năng lực phân vùng rủi ro thiên tai, lập bản đồ cảnh báo thiên tai.

Trong quá trình thực hiện, cần rà soát, kế thừa kết quả, sản phẩm của các chương trình, đề án, dự án, đề tài có liên quan đảm bảo thực hiện tiết kiệm, hiệu quả. Các nhiệm vụ thực hiện có kết quả, sản phẩm đến đâu thì công bố, chuyển giao ngay đến đó để phục vụ công tác phòng, chống thiên tai.

Chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, người dân và doanh nghiệp trong việc triển khai thực hiện các nội dung của kế hoạch; chủ động liên hệ, tiếp nhận, chia sẻ các tài liệu, kết quả nghiên cứu của các chương trình, đề án, dự án, đề tài có liên quan, thông tin hiện trạng sạt lở đất, lũ quét từ các bộ, ngành, địa phương để triển khai thực hiện đề án đảm bảo kế thừa, tiết kiệm, hiệu quả.

Phối hợp với các tỉnh, thành phố liên quan thống nhất danh mục các khu vực cần thực hiện và kế hoạch phối hợp, lồng ghép với các nhiệm vụ của địa phương, tổ chức thực hiện các hoạt động liên quan tới điều tra khảo sát, xác định, đánh giá rủi ro thiên tai, phân vùng rủi ro thiên tai, tránh chồng chéo, lãng phí.

Chuyển giao công nghệ, sản phẩm của đề án để phục vụ xây dựng quy hoạch, sắp xếp ổn định dân cư, sơ tán, di dời dân cư khỏi vùng thiên tai đáp ứng các yêu cầu cấp bách trong công tác phòng, chống, ứng phó với rủi ro lũ quét, sạt lở đất tại địa phương.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.