'Lão tướng' 96 tuổi Đặng Quân Thụy mong muốn thêm một lần trở lại Điện Biên

13/04/2024 17:08 GMT+7

'17 giờ 5 phút ngày 13.3.1954, trận đánh cứ điểm Him Lam bắt đầu. Tôi liên tục theo dõi tình hình và báo cáo kịp thời Bộ Chỉ huy chiến dịch về những diễn biến của trận đánh và kết quả thắng lợi', trung tướng, nguyên Phái viên tác chiến Bộ Tổng tham mưu tại chiến dịch Điện Biên Phủ Đặng Quân Thụy bồi hồi nhớ lại...

Trung tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Đặng Quân Thụy, nguyên Phó chủ tịch Quốc hội, nguyên Phái viên tác chiến của Bộ Tổng tham mưu tại mặt trận Điện Biên Phủ, nay đã sang tuổi 96. Vậy nhưng ông vẫn háo hức nhận lời về nguồn với đoàn cán bộ Tổng cục II, Bộ Quốc phòng, nơi ông từng tham gia chiến đấu trong thời kỳ "56 ngày đêm" tại mặt trận Điện Biên Phủ.

Tác giả đang ghi lại lời kể của Trung tướng Đặng Quân Thuỵ

Tác giả ghi lại lời kể của trung tướng Đặng Quân Thuỵ

Q.P

Kế hoạch dự kiến đoàn lên đường ngày 8.4, nhưng phút chót ông đã phải huỷ bởi bị sốt dịch, nằm viện. 

Trung tướng Đặng Quân Thụy có một niềm tự hào lớn, ấy là khi mới tròn 20 tuổi ông đã được Tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái chọn làm Bí thư cho mình (chức này nay gọi là trợ lý Tổng Tham mưu trưởng).

"Tôi được Tham mưu trưởng chiến dịch Hoàng Văn Thái (thiếu tướng Hoàng Văn Thái khi đó là Phó tổng tham mưu trưởng kiêm nhiệm) giao nhiệm vụ tổ chức đoàn công tác (gồm một đơn vị Quân báo của Sở Chỉ huy, một đơn vị đo đạc của Pháo binh 105 mm cùng một số cán bộ) lên sát trận địa địch để nắm tình hình, vẽ chính xác sơ đồ bố trí binh lực địch", "lão tướng" Đặng Quân Thụy bồi hồi nhớ lại thời kỳ mở mặt trận tấn công cứ điểm Điện Biên Phủ.

Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp đang nghe Phái viên tác chiến Đặng Quân Thụy báo cáo tại Điện Biên Phủ

Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp nghe Phái viên tác chiến Đặng Quân Thụy báo cáo tại Điện Biên Phủ

TL

Ông kể tiếp: "Tôi đã nhiều lần cùng một số trinh sát viên vào sát các vị trí của địch. Sau vài ngày, sơ đồ được vẽ khá tỉ mỉ cả ở khu phía đông và khu trung tâm. Hệ thống vị trí các cứ điểm địch đang xây dựng cũng được ghi rõ. Nhờ tập trung xác định vị trí các trận địa pháo của địch qua những lần pháo địch bắn, tổ đo đạc pháo binh đã có thể đo được các cự ly cần thiết cho chỉ huy pháo.

Trong thời gian đại bộ phận lực lượng của ta xây dựng trận địa chuẩn bị tấn công vào Điện Biên Phủ theo phương châm "đánh chắc, thắng chắc" thì Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tư lệnh chiến dịch, quyết định lệnh Đại đoàn 308 mở chiến dịch đánh sang bắc Lào. Điều này khiến địch tưởng ta sẽ không đánh Điện Biên Phủ nữa. Tôi có nhiệm vụ làm phái viên tác chiến đi cùng Đại đoàn 308. 

Cuộc chiến ở hướng này diễn ra rất đặc biệt. Vì bị bất ngờ và trước lực lượng mạnh của ta, binh lính địch trong các đồn bốt đều bỏ chạy. Quân Pháp vội tăng cường một số tiểu đoàn, nhưng chúng không kịp chuẩn bị công sự và trận địa. Do đó, khi bị ta tấn công thì chúng chống cự yếu ớt, một số bị bắt làm tù binh, số còn lại rút chạy. Chúng tôi đã bàn với các cán bộ trung đoàn tổ chức lại đội hình để truy kích địch, đưa lực lượng công binh cùng trinh sát đi trước để gỡ mìn. Mục đích để tốc độ truy kích nhanh hơn và thương vong vì thế giảm đi.

Khi Đại đoàn 308 tiến sát tới Luang Prabang (Lào), chúng tôi nhận lệnh nhanh chóng quay về tham gia chiến đấu ở mặt trận Điện Biên Phủ. Tôi về Sở Chỉ huy mặt trận báo cáo kết quả chiến dịch và những kinh nghiệm về tác chiến khi đang hành quân mà gặp địch...".

Đại tướng, Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang trao tặng Danh hiệu AHLLVT và lẵng hoa cho trung tướng Đặng Quân Thụy tháng 11.2023

Đại tướng, Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang trao tặng Danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ Trang và lẵng hoa cho trung tướng Đặng Quân Thụy tháng 11.2023

BÁO NAM ĐỊNH

Nhớ lại thời điểm trước trận đánh cứ điểm Him Lam bắt đầu, tướng Đặng Quân Thụy cho hay, ngay tại Sở Chỉ huy đã có cuộc giao ban để đánh giá tình hình. Khi đó, ông là cán bộ trực ban tác chiến đã thu thập đầy đủ thông tin tình hình địch - ta, báo cáo các đơn vị của ta đã vào các vị trí sẵn sàng chiến đấu, còn địch thì vẫn hoạt động như thường lệ. 

Cuối buổi báo cáo, ông Thụy nhận xét: "Qua tất cả các tin tức thu được chứng tỏ địch chưa hay biết gì việc ta sắp mở màn chiến dịch". Báo cáo này đã giúp các chỉ huy dự giao ban yên tâm tập trung theo dõi chiến sự.

"17 giờ 5 phút ngày 13.3.1954, trận đánh Him Lam bắt đầu. Tôi liên tục theo dõi tình hình và báo cáo kịp thời Bộ Chỉ huy chiến dịch về những diễn biến của trận đánh và kết quả thắng lợi", trung tướng Đặng Quân Thụy tiếp tục câu chuyện.

"Sau trận mở màn Him Lam, quân ta tấn công đánh chiếm cứ điểm Đồi Độc Lập, Đồi A1... Trước ngày tấn công đợt 3 của chiến dịch, tôi được phái xuống nắm tình hình chuẩn bị của Trung đoàn 174. Thấy kế hoạch chuẩn bị lần đó của trung đoàn có những điểm khác các lần tấn công trước, như đánh địch ở nhiều hướng hơn, hoả lực được tăng cường, lại có thêm cả bộc phá loại 1 tấn để phá huỷ công sự địch nên chúng tôi báo cáo với Bộ Tham mưu chiến dịch khẳng định Trung đoàn 174 có khả năng dứt điểm được.

Cuộc chiến đấu sau đó diễn ra rất quyết liệt và tới gần sáng thì Trung đoàn 174 hoàn thành nhiệm vụ, hoàn toàn chiếm được Đồi A1...".

Cuộc đời binh nghiệp của tướng Đặng Quân Thụy còn có may mắn không mấy người có được, là nhiều lần ông được tháp tùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi thị sát mặt trận, cùng đồng đội tham gia xây dựng nhiều phương án, kế hoạch tác chiến...

Vẫn trong dòng hồi tưởng, tướng Đặng Quân Thụy kể: "Đến trưa 7.5.1954, tôi đang làm trực ban tác chiến ở Sở Chỉ huy chiến dịch thì nhận được báo các từ các đơn vị là trong các công sự của địch thấy xuất hiện nhiều cờ trắng. Chúng tôi nhanh chóng báo cáo với Bộ Chỉ huy về hiện tượng này. Đại tướng Võ Nguyên Giáp lập tức ra lệnh cho các đơn vị thực hiện tổng tấn công ngay, không chờ tới đêm như dự kiến. Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi, làm nên chiến thắng "lừng lẫy 5 châu, chấn động địa cầu".

Nhận nhiệm vụ viết các tổng kết chiến dịch rồi được cử vào Khu 5 phổ biến kinh nghiệm chiến đấu, ông Đặng Quân Thụy khi đó mới 26 tuổi. 

Bây giờ, "lão tướng" hy vọng sẽ kịp hồi phục sức khỏe để có mặt ở Điện Biên vào đúng ngày kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ như một trong những nhân chứng sống của sự kiện trọng đại này.

Trong lần trao tặng Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho trung tướng Đặng Quân Thụy hồi tháng 11.2023, đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy T.Ư, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đánh giá: "Trên từng cương vị công tác, đồng chí Đặng Quân Thụy luôn đề cao tính tổ chức, tính kỷ luật, giữ vững nguyên tắc thẳng thắn, chân thành, gần gũi, sâu sát cơ sở, tôn trọng và lắng nghe ý kiến cấp dưới; phát huy tốt trí tuệ tập thể trong lãnh đạo, chỉ đạo; kịp thời đề xuất với cấp trên những giải pháp đúng đắn, sáng tạo. 

Dù ở bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào, đồng chí cũng luôn vững vàng, kiên định, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân; giữ vững và phát huy tốt phẩm chất đạo đức cách mạng của người đảng viên cộng sản, người cán bộ, vị tướng của Quân đội; luôn hết mình phấn đấu, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân.

Đồng chí Đặng Quân Thụy được đồng chí, đồng đội, cấp dưới tin tưởng, kính trọng. Ở đồng chí hội tụ đầy đủ nhân cách: "Trí - Dũng - Nhân - Tín - Liêm - Trung" của một vị tướng thời đại Hồ Chí Minh...".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.