Lão thi sĩ Hữu Loan: Trái sim tím ruột cả khi chín muồi

15/07/2005 21:57 GMT+7

Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, nhưng giờ đây mỗi lần nhắc đến Màu tím hoa sim, tâm hồn lão thi sĩ Hữu Loan vẫn còn rướm máu. Nỗi đau mất mát cùng với những thăng trầm, dâu bể cuộc đời của Hữu Loan đã để lại cho nền thơ ca Việt Nam một tác phẩm bất hủ...

Ngần ngại mãi, cuối cùng tôi mới "đánh liều" về làng Vân Hoàn thăm lão thi sĩ Hữu Loan. Ngại chẳng phải bởi đường xa cách trở, mà ngại bởi đã từng nghe về sự khí khái, khó tính đến cực đoan của thi sĩ. Tóm lại là sợ ông... không tiếp. Nhưng thật bất ngờ, khi được bà Nhu, vợ ông báo có phóng viên Thanh Niên đến thăm, lão thi sĩ đã ra tự tay mở cổng mời tôi vào nhà.

Ông nói: "Báo Thanh Niên à? Nghe nhiều rồi. Chắc anh định viết về lão già này chứ gì?". Tôi mừng thầm trong bụng vì sự cởi mở của thi sĩ. Đột nhiên Hữu Loan hỏi tiếp: "Hay là anh đến để xem tôi còn sống hay đã chết rồi?". Cặp mắt tinh anh của ông lóe lên một chút khinh bạc. Tôi thưa với ông rằng mình đến trước hết là vì mến mộ tác giả Màu tím hoa sim, sau nữa là muốn viết một cái gì đấy về ông... Hữu Loan cười: "Nói đùa anh vậy thôi, bạn đọc, anh em cầm bút còn nhớ, còn đến thăm lão già này là hạnh phúc lắm rồi. À, mà cách đây mấy năm Báo Thanh  Niên còn gửi biếu tôi 5 triệu để uống rượu kia đấy...". Nói rồi ông với tay vào gầm bàn lôi ra một chai rượu trắng, rót một chén đưa cho tôi, nói: "Rượu Nga Sơn đấy. Uống đi, rồi tôi sẽ kể về đời tôi, về Màu tím hoa sim cho anh nghe". Ông đưa cả  chai rượu lên miệng tợp một ngụm nhỏ rồi đưa tay vuốt mái tóc dài chớm vai trắng muốt. Cái dáng cao gầy, đạo cốt mà phong trần của lão thi sĩ ngồi bất động trước hiên nhà gợi rất nhiều cảm xúc... Sau tợp rượu, Hữu Loan nhìn lên bầu trời trong ráng chiều đỏ rực. Hình như quá khứ đang dồn dập kéo về. Cặp mắt ông đỏ hoe ngấn lệ. Tôi không nỡ giơ máy ảnh lên để chụp khoảnh khắc đầy tâm trạng ấy của lão thi sĩ...

...Bài thơ Màu tím hoa sim ra đời trong một hoàn cảnh đau thương, một biến cố lớn trong đời Hữu Loan. Năm 1949, Hữu Loan kết hôn với bà Lê Đỗ Thị Ninh, cưới xong, ông lại tất tả trở về đơn vị mang theo hình ảnh người vợ trẻ - một tiểu thư con nhà khuê các theo gia đình sơ tán nơi ấp nhỏ Thị Long (Nông Cống). Xa nhau chưa được 2 tháng, Hữu Loan nhận được hung tin người vợ trẻ chết đuối khi giặt quần áo ngoài sông. Bàng hoàng, đau đớn, ông vô hồn cầm cây bút trong tay và những vần thơ như máu và nước mắt cứ trào ra: "Nàng có ba người anh đi bộ đội - Những em nàng có em chưa biết nói - Khi tóc nàng xanh xanh…". Cái hình ảnh hoa sim tím ngắt chạy ngút ngàn trên những triền đồi vốn đã báo hiệu sự chia ly nhạt nhòa nước mắt. Thời chiến, cái chết đối với người lính nào có sá gì. Họ chỉ lo mình "không về" thì thương cho "người vợ chờ - bé bỏng chiều quê". Thật nghiệt ngã, giữa cái thời loạn ly chinh chiến ấy, khách chinh phu không ngã nơi sa trường mà "người gái nhỏ hậu phương" đã ra đi... Và người chiến sĩ - thi sĩ Hữu Loan vẫn tiếp tục hành quân để làm tròn nhiệm vụ của người lính thời chiến. Giữa những cuộc hành quân ấy, hình ảnh người vợ hiền bé bỏng lại hiện lên mỗi khi nhà thơ đi qua những đồi sim tím: "Ngày xưa nàng yêu hoa sim tím - áo nàng màu tím hoa sim - Ngày xưa - một mình - đèn khuya - bóng nhỏ - Nàng vá cho chồng tấm áo - ngày xưa…".

Chiều dần buông, lão thi sĩ Hữu Loan vẫn say sưa nói chuyện văn chương và kể chuyện cuộc đời cho tôi nghe. Xen kẽ giữa những câu chuyện  không đầu không cuối, tôi thấy ông nhắc nhiều đến những cái tên Văn Cao, Hoàng Cầm, Chế Lan Viên, Nguyễn Huy Tưởng, Trần Dần... Đặc biệt, ông nói về tướng Nguyễn Sơn - vị "lưỡng quốc tướng quân" văn võ toàn tài - với một niềm trân trọng, tin yêu hết mực. Ông bảo, chính ông là người đã đi hỏi vợ cho tướng Nguyễn Sơn. Cái ngày tướng Nguyễn Sơn mất, ông đã viết  "Nguyễn Sơn như một con tàu biển khổng lồ - Đi đến đâu không cho sóng ngủ...". Hữu Loan gật gù: "Ở đời có những người tuy mất rồi nhưng cái tên của họ vẫn tạc vào trời xanh thăm thẳm, mà người đời sau phải cúi đầu bái phục. Nguyễn Sơn là như vậy!".

Sự đột ngột trở về quê, bỏ lại sự nghiệp văn chương dang dở và những buồn vui thế sự nơi Hà thành những năm đầu giải phóng của Hữu Loan đã khiến cho những người yêu mến ông bất ngờ và tiếc nuối. Ở quê nhà, ngày ngày thi sĩ Hữu Loan vẫn nhẫn nại làm anh tiều phu lên rừng đốn củi, chở xuống chợ huyện bán để lấy tiền nuôi một bầy con khôn lớn... (Năm 1953, sau 4 năm người vợ trẻ mất, Hữu Loan đã cưới bà Phạm Thị Nhu ở xã Nga Văn, huyện Nga Sơn, Thanh Hóa. Hai ông bà có với nhau 10 người con và giờ có tới 40 cháu nội, ngoại).

Khi được hỏi ông có "ân hận" gì sau 50 năm ẩn dật nơi thôn dã hay không, Hữu Loan cười, nụ cười độ lượng của ông già ở tuổi 90 đã trải qua bao giông bão, trầm luân của thế sự. Ông bảo: "Nói làm gì những chuyện buồn não đã qua. Đời tôi nó y như cái anh Màu tím hoa sim ấy. Nhưng ơn trời - giờ đây tôi có cả một đàn con, cháu... Người đời vẫn nhắc đến Màu tím hoa sim, đến Đèo Cả là Hữu Loan này  mãn nguyện lắm rồi. Vả lại, số tôi là cái số mục đồng nên làm sao có thể xa bờ tre, con trâu cho được...".

Ngọc Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.