Lao động bị lừa đi xuất khẩu lao động khá nhiều

Mai Hà
Mai Hà
06/06/2023 10:44 GMT+7

Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung, phần đông lao động bị lừa qua các "công ty ma" không được cấp phép, theo đó, lừa đi không đúng ngành nghề, có cả lừa cả đầu đi và đầu đến.

Sáng 6.6, trả lời câu hỏi về tình trạng lao động bỏ trốn của đại biểu Trần Quang Minh (đoàn Quảng Bình), Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung cho biết có câu chuyện lao động Việt Nam đi lao động nước ngoài nhưng có một bộ phận ở lại, không về nước đúng thời gian.

Lao động Việt Nam bỏ trốn ở lại nước ngoài từng 'rất bức xúc'  - Ảnh 1.

Đại biểu Trần Quang Minh (đoàn Quảng Bình)

GIA HÂN

Song theo ông, thời điểm này không bức xúc bằng năm 2017. “Thời điểm đó, tỷ lệ lao động bỏ trốn ở Hàn Quốc là hơn 52%. Thậm chí, Hàn Quốc còn xử lý hình sự đối với tất cả những người trốn ở lại của tất cả các quốc gia chứ không chỉ Việt Nam”, ông Dung nói.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, hiện vẫn còn 18 huyện của 9 tỉnh có tỷ lệ lao động ở lại nhiều. Thời gian vừa qua đã triển khai rất nhiều việc, do vậy tỷ lệ lao động Việt Nam bỏ trốn ở Hàn Quốc hiện nay là 24,6%, thuộc diện các quốc gia thấp. "Thời gian tới, bộ sẽ tiếp tục cùng các địa phương cố gắng làm tốt hơn công việc này”, ông Đào Ngọc Dung nói.

Cùng nội dung này, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) nêu trong những năm qua, số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài tăng rất nhanh. Tuy nhiên, số lao động bị lừa đi xuất khẩu lao động dưới nhiều hình thức cũng khá nhiều, gây rất nhiều hậu quả nghiêm trọng. Bà Nga đề nghị làm rõ nguyên nhân và giải pháp khắc phục.

Trả lời về các trường hợp lao động bị lừa, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, phần đông lao động bị lừa qua các "công ty ma" không được cấp phép, theo đó, lừa đi không đúng ngành nghề, có cả lừa cả đầu đi và đầu đến. Thời gian qua, bộ cũng xử phạt nhiều, trong năm 2022 đã thanh tra, xử phạt 62 doanh nghiệp và 4 doanh nghiệp thu hồi giấy phép.

Bộ trưởng trả lời câu hỏi khó: Người Việt Nam thông minh, chịu khó nhưng làm sao thoát "vùng trũng"?

"Lương phải đủ sống, thu nhập phải đảm bảo cho gia đình"

Liên quan đến băn khoăn của đại biểu về vấn đề "chảy máu" chất xám ở khu vực công, ông Dung cho biết, vừa qua Chính phủ đã trả lời vấn đề này.

Lao động Việt Nam bỏ trốn ở lại nước ngoài từng 'rất bức xúc'  - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung

GIA HÂN

“Tôi nghĩ rằng, muốn để người lao động kể cả khu vực công và khu vực tư ổn định, thì việc quan trọng nhất là thu nhập, việc làm phải ổn định. Lương phải đủ sống, thu nhập phải đảm bảo cho bản thân và gia đình. Còn câu hỏi này theo tôi, chắc chắn Bộ trưởng Bộ Nội vụ sẽ trả lời rõ hơn, sâu sắc hơn so với tôi”, Bộ trưởng Dung chuyển hướng câu trả lời sang Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt (đoàn Đắk Lắk) liên quan vấn đề lao động ở nông thôn có xu hướng tăng lên, Bộ trưởng Dung cho biết, điều này phản ánh đúng thực tế. Sau đại dịch Covid-19, gần 3 triệu người di chuyển khỏi thành phố, rời khỏi doanh nghiệp cũ của mình. Sau đó, một số người quay trở lại doanh nghiệp trước đây làm việc, còn phần lớn là chuyển sang công việc mới.

“Do vậy, chúng tôi đã bàn với Bộ trưởng Bộ NN-PTNT quan tâm hơn việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn, theo phương châm chỉ đào tạo khi dự báo được công việc, không gặp đâu đào tạo đấy mà đào tạo theo địa chỉ”, ông Dung nêu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.