Lãng phí công sở bỏ hoang ở Thanh Hóa

04/12/2023 05:00 GMT+7

Nhiều công sở xã ở tỉnh Thanh Hóa được đầu tư nhiều tỉ đồng chưa kịp sử dụng, hoặc mới sử dụng được ít tháng đã đành phải bỏ không sau sáp nhập. Lãng phí lại chồng lãng phí khi nhiều địa phương bỏ công sở mới, chọn công sở cũ để sử dụng.

Công sở biến thành nơi để xe tang

Con số 923 công sở, nhà đất công dôi dư, lãng phí sau sáp đơn vị hành chính giai đoạn 2019 - 2023 ở tỉnh Thanh Hóa hiện đang là bài toán nan giải. Chưa hết, trong giai đoạn 2023 - 2025, Thanh Hóa sẽ tiếp tục sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã và huyện nên nếu không có phương án và giải pháp thì thực trạng bỏ hoang, lãng phí công sở, đất đai sẽ tiếp tục là gánh nặng của tỉnh.

Lãng phí công sở bỏ hoang ở Thanh Hóa - Ảnh 1.

Người dân tận dụng để xe tang trong khu công sở bỏ không của xã Hà Yên cũ

Minh Hải

Năm 2019, xã Hà Yên sáp nhập với xã Hà Dương lấy tên mới là xã Yên Dương (H.Hà Trung). Thời điểm sáp nhập, công sở xã Hà Yên được đầu tư khoảng 10 tỉ đồng, hoàn thành và sử dụng cuối năm 2018 nhưng đành bỏ hoang. Theo quan sát của PV Thanh Niên, khu trụ sở hiện tại rất nhếch nhác, khu nhà để xe thì người dân tận dụng làm chỗ để xe tang; cổng và sân đang xây dựng dở dang. Trước khu vực trụ sở này còn là chỗ tập kết rác thải sinh hoạt gây mùi hôi thối, mất vệ sinh.

Một người dân xã Yên Dương cho hay: "Trụ sở này xây mới rồi sử dụng được gần 1 năm thì không dùng nữa, bỏ không mấy năm nay. Trong khi đó, điểm trường mầm non gần khu công sở bỏ hoang đang là chỗ học cho hàng trăm em nhỏ thì đã xuống cấp, ẩm thấp, không đảm bảo sức khỏe cho học sinh. Chúng tôi không biết vướng chỗ nào, mắc chỗ nào nhưng công sở hay trường học đều là tiền nhà nước đầu tư, giờ sáp nhập không dùng nữa thì làm trường học cho đỡ lãng phí cũng là cách chứ".

Lãng phí công sở bỏ hoang ở Thanh Hóa - Ảnh 2.

Khu công sở xã Hà Yên được xây dựng khoảng 10 tỉ đồng, sử dụng được 1 năm thì bỏ không

Minh Hải

Bên cạnh đó, khu công sở xã Quảng Phúc (H.Quảng Xương) gần hoàn thành thì cũng bỏ hoang giữa cánh đồng sau khi sáp nhập. Năm 2019, xã Quảng Phúc sáp nhập với xã Quảng Vọng lấy tên là xã Quảng Phúc. Thời điểm sáp nhập, khu công sở xã Quảng Phúc đã xây dựng hoàn thành hơn 90%, với tổng vốn 8,6 tỉ đồng. Trong đó, nhà công sở 2 tầng giá trị 5,6 tỉ đồng đã hoàn thành hơn 90%; nhà văn hóa xã giá trị 3 tỉ đồng hoàn thành và tổ chức được vài cuộc họp thì cũng rơi vào cảnh bỏ hoang. Cũng vì bỏ hoang nên có thời điểm người dân địa phương đã mang cả lợn vào nuôi trong khu nhà công sở.

Ông Bùi Ngọc Tam, Chủ tịch UBND xã Quảng Phúc, cho hay: "Đến hiện tại khu công sở dôi dư vẫn phải bỏ không. Xã đã đưa ra hướng là quy hoạch chuyển đổi thành đất dịch vụ để kêu gọi doanh nghiệp vào đấu giá. Nhưng đến nay mới đang trong giai đoạn điều chỉnh quy hoạch, và đang phải tiếp tục điều chỉnh, chờ cấp có thẩm quyền quyết định".

Lãng phí công sở bỏ hoang ở Thanh Hóa - Ảnh 3.

Công sở xã Quảng Phúc xây dựng gần hoàn thành cũng bỏ hoang giữa cánh đồng

Minh Hải

Nói về thực trạng công sở bỏ hoang gây lãng phí nhiều năm qua trên địa bàn H.Hà Trung, ông Hoàng Huy Tự, Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch UBND H.Hà Trung, cho biết giai đoạn 2017 - 2019, thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp thôn và xã, đã dôi dư 6 công sở xã và 14 nhà văn hóa thôn. Tuy nhiên, đến nay mới sắp xếp được 1 công sở xã làm trường mầm non, còn lại 5 địa điểm vẫn trong tình trạng dôi dư...

Nghịch lý chọn cũ bỏ mới

Trong quá trình tìm hiểu về tình trạng lãng phí công sở bỏ hoang sau sáp nhập đơn vị hành chính ở tỉnh Thanh Hóa, PV Thanh Niên phát hiện nghịch lý nhiều địa phương chọn công sở cũ mà không chọn công sở mới khiến cho tình trạng lãng phí càng chồng thêm lãng phí.

Năm 2019, sau khi sáp nhập xã Thuần Lộc với xã Văn Lộc (lấy tên xã mới là xã Thuần Lộc, H.Hậu Lộc), thì việc lựa chọn trụ sở mới lại không dựa vào tính bền vững, hiện đại, tiện nghi của công trình để làm trụ sở sau sáp nhập mà chọn công sở ở vị trí trung tâm, dù nơi này đã cũ hơn rất nhiều.

Ông Nguyễn Xuân Hùng, Phó chủ tịch UBND xã Thuần Lộc, cho biết nhà công sở 2 tầng xây dựng và đưa vào sử dụng năm 2018 với giá trị gần 5 tỉ đồng, sử dụng được khoảng 1 năm thì bỏ không. Riêng nhà văn hóa xã (nằm ngay cạnh nhà công sở) được đầu tư 5,1 tỉ đồng, sau khi hoàn thành mới tổ chức họp được 4 lần thì "đắp chiếu" đến nay.

Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại xã Lĩnh Toại (H.Hà Trung). Mặc dù công sở xã Hà Toại (xã Hà Toại sáp nhập với xã Hà Phú lấy tên là xã Lĩnh Toại) là khu nhà 2 tầng khang trang, nhiều phòng làm việc, mới được đầu tư năm 2016, nhưng khi sáp nhập lại chọn khu công sở của xã Hà Phú đã xây dựng từ hơn 20 năm trước.

Ông Mai Văn Nam, Chủ tịch UBND xã Lĩnh Toại, cho biết sở dĩ lựa chọn công sở cũ hơn để sử dụng mà không chọn công sở mới là vì công sở cũ ở vị trí trung tâm. Cũng theo ông Nam, sau khi sáp nhập, dù đã có nhà văn hóa xã nhưng diện tích hẹp, nên xã mới được đầu tư nhà văn hóa mới với tổng vốn khoảng 17 tỉ đồng.

Phải chuyển đổi công sở dôi dư

Theo đánh giá của UBND tỉnh Thanh Hóa trong một báo cáo mới đây thì thực trạng công sở, nhà đất dôi dư, lãng phí kéo dài nhiều năm qua nhưng chưa có phương án xử lý dứt điểm; nhiều tài sản không được sử dụng trong thời gian dài, bị hư hỏng, xuống cấp, hoang phế; việc chuyển đổi công năng sử dụng, bàn giao công trình, tài sản công cho cơ quan, đơn vị khác quản lý, sử dụng chưa nhiều, gây lãng phí tài sản của nhà nước.

Mới đây, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương phải quyết liệt chỉ đạo, đôn đốc, tổ chức thực hiện hoàn thành việc sắp xếp lại, xử lý cơ sở nhà đất đang dôi dư. Đối với nhà văn hóa thôn, bản đang dôi dư, UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các huyện xử lý dứt điểm theo hướng bàn giao lại cho cộng đồng dân cư quản lý, sử dụng, tạo điều kiện cho người dân tổ chức các hoạt động sinh hoạt văn hóa cộng đồng phù hợp tại địa phương. Trong trường hợp các nhà văn hóa thôn, bản xử lý theo hướng bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất hoặc thu hồi thì phải được sự đồng thuận, thống nhất của nhân dân trong thôn, và phải thực hiện theo trình tự, thủ tục xác lập sở hữu toàn dân.

Đối với công trình là trụ sở xã, nếu địa phương có kế hoạch sử dụng cho các cơ quan, đơn vị nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội thì nhanh chóng bàn giao cho đơn vị quản lý, sử dụng. Các công sở còn lại thì xây dựng phương án chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng công trình phù hợp với quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất...

Nguy cơ lãng phí còn kéo dài

Theo thống kê của UBND tỉnh Thanh Hóa, tính đến ngày 12.10, trên địa bàn tỉnh này còn tổng cộng 923 công sở, nhà đất công dôi dư. Trong đó, có 47 trụ sở làm việc, 43 trạm y tế, 13 trường học (bao gồm có 9 điểm lẻ), 820 nhà văn hóa thôn, tổ dân phố dôi dư, chưa được bố trí, sử dụng hoặc chuyển đổi mục đích, công năng sử dụng.

Trong khi đang tồn tại 923 công sở, nhà đất công dôi dư, đang lãng phí thì giai đoạn 2023 - 2025, tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục sắp xếp đơn vị hành chính, sáp nhập 1 đơn vị cấp huyện và 147 đơn vị cấp xã. Như vậy, nếu không có phương án xử lý triệt để thì tới đây con số dôi dư, lãng phí công sở ở tỉnh Thanh Hóa tiếp tục tăng lên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.