Lâm Xuân Thi và quỹ "Tình thơ"

07/06/2010 10:22 GMT+7

(TNTT>) Bây giờ ở Sài Gòn tìm được hình ảnh đôi lứa yêu nhau đạp xe tung tăng trên phố thật khó. Thậm chí xe đạp còn chuyển "giai đoạn" tới mấy lần, xe máy rồi xe hơi. Tôi đùa với nhà thơ Lâm Xuân Thi, "thời hoàng kim của Martin đã qua?". Anh cười: - "Chưa đâu! Người ta vẫn thích xe đạp nhưng phải sành điệu. Đã đến lúc xe thời trang và phong cách!".

Gọi nhà thơ bằng biệt danh "Martin" cũng là cách nói đến nhãn hiệu quen thuộc nổi tiếng xe đạp Martin 107 như thay tên anh. Thương hiệu này từng nhận giải thưởng "hàng VN chất lượng cao" ở VN cũng như được người tiêu dùng yêu thích tại Nhật Bản. Để rồi bạn đọc càng thích thú khi biết cũng "ác liệt" không kém, với thơ, phong cách Lâm Xuân Thi chưa hề trộn lẫn: "Thà để anh làm một kẻ vô danh / Nếu em vẫn thích bày ra những trò đùa nổi tiếng / Khi múa vội một đường gươm nguy hiểm / Anh chỉ sợ mình thành kẻ sát nhân" mà nhiều bạn trẻ đã chép vào sổ tay. Thú vị hơn khi biết anh đã từng có thơ đăng trên báo từ năm 10 tuổi, từng nhận giải thưởng Thơ hay của tuần báo Văn nghệ TP.HCM năm 1988.  Nhưng không vì thế mà anh tự vỗ ngực, nhận mình "biết làm thơ". Đến nay nhiều người ngạc nhiên vì anh vẫn chưa in một tập thơ nào nhưng vẫn âm thầm viết đều đặn. "Thơ giúp tôi cân bằng sau những bài toán kinh tế - Anh tự nhận - Và như thế đã hạnh phúc".

Anh ước ao có ngày sẽ đủ thời gian để tuyển chọn in một tập thơ của riêng mình. Còn bây giờ khi chưa làm được thì chia sẻ qua các tác phẩm của bạn bè vậy! Sẵn sàng tìm đọc để phát hiện cái hay cái mới. Và bất ngờ hơn, anh đã trở thành một mạnh thường quân khi để ủng hộ các nhà thơ anh đã giúp họ mua thơ để phát hành "qua kênh riêng của mình", anh vui vẻ bật mí. Kênh đó là gì? Thì ra nhà thơ Lâm Xuân Thi có nhiều bạn bè, anh mua thơ để làm quà tặng, chia sẻ với họ. "Nhiều nhà thơ viết rất hay nhưng tác phẩm ít đến được với công chúng vì thơ bao giờ cũng là sản phẩm khó bán. Nhưng trước hết, phải có sự rung động, đồng cảm...".

Lâm Xuân Thi tiếp nhận phong cách thơ hiện đại Nguyễn Quang Thiều cũng như mọi xu hướng tìm kiếm của các cây bút thơ trẻ. Tò mò tôi hỏi số lượng các tập thơ đã mua, anh cười khiêm tốn "có đáng gì đâu! Chỉ khoảng hơn mười ngàn cuốn!...". Thật là kỷ lục cho một tình yêu thơ ca sâu sắc. Không dừng lại ở đó, gần đây nhất anh và các nhà thơ Hồ Thi Ca, Phan Hoàng cùng liên kết sáng lập ra quỹ "Tình thơ" vào Ngày thơ Việt Nam Tết Kỷ Sửu. Khác với mua tác phẩm đã xuất bản để giúp đỡ, quỹ này trực tiếp đi sâu vào mỗi hoàn cảnh, số phận các nhà thơ. Đồng hành giúp họ vượt qua khó khăn, hoạn nạn.

Có lẽ hơn ai hết, các anh hiểu rằng phía sau những bài thơ không phải chỉ toàn ánh hào quang, tình yêu lớn thăng hoa mà còn cả những hố thẳm, vực sâu nghiệt ngã. Càng nhạy cảm với thơ bao nhiêu, có nhà thơ phải tự đối mặt với nghịch cảnh chua chát với thực tại bấy nhiêu. Nó trớ trêu như vế đối thứ hai của câu ngạn ngữ "tiếng hát hay nhất đó chính là tiếng hát của nỗi tuyệt vọng". Quỹ "Tình thơ" ra đời như chốn nương náu, đỡ đần phần nào hy vọng cho "tiếng hát tuyệt vọng" đó. Mới nhất tôi được mời tham dự một buổi tặng quỹ cho nhà thơ Triều Uyên Phượng tổ chức tại khu du lịch Văn Thánh tháng 5.2010. Thật xúc động khi chứng kiến nhà thơ lão thành, mắt yếu, nhiều bệnh nhưng hằng ngày vẫn phải đi bán vé số để nuôi người vợ mù. Hai vợ chồng không nhà cửa, tá túc nhờ dưới mái hiên một tu viện ở Bình Phước.

Lâm Xuân Thi xúc động. Anh chỉ mong số tiền nhỏ nhoi của quỹ giúp ông đỡ vất vả  với đời sống thường nhật! Tình thơ còn đến với rất nhiều số phận thơ trên cả nước. Như ủng hộ nhà thơ Hà Nguyên Dũng (Quảng Nam) bị bệnh tim, nhà thơ Lê Đình Hòa (Phú Yên) bị mù phải nuôi con nhỏ. Và còn vươn dài ra đến Huế để hỗ trợ cho nhà thơ Trần Vàng Sao, thi sĩ viết bài thơ nổi tiếng "Một người Việt yêu nước mình" truyền lửa cho bao thế hệ.  Ít ai biết một nhà thơ tên tuổi như vậy ngày ngày vẫn phải đánh vật với miếng cơm manh áo. Khi nhận được số tiền 10 triệu đồng, ông rưng rưng xúc động "Đây là số tiền lớn nhất từ trước đến giờ tôi có được...". Người chứng kiến cũng rơm rớm nước mắt.

Với nhà thơ Lâm Xuân Thi như vậy là hạnh phúc. Cách đây hơn một tuần, anh mua bức tranh đoạt giải nhất cúp "Rồng Tre" của họa sĩ Nop trong cuộc thi "Giao thông thời hội nhập" để tặng cho bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. Như vậy mới biết đáy tim anh tình thơ, tình người  vẫn nặng lòng, thao thức...

Nguyễn Hữu Hồng Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.