Đạo diễn Việt Linh:

'Làm sân khấu với con đường hẹp, kiên nhẫn tin sẽ có tri âm'

Phan Cao Tùng
Phan Cao Tùng
29/10/2023 08:30 GMT+7

Nữ đạo diễn Việt Linh - từng nổi tiếng với các phim Dấu ấn của quỷ, Gánh xiếc rong, Chung cư, Mê Thảo - Thời vang bóng…, hiện ở tuổi 'thất thập' vẫn dành nhiều tâm huyết cho lĩnh vực sân khấu và ấp ủ 'một bộ phim sau cuối'.

Nhân dịp nhiều vở diễn của Sân khấu Hồng Hạc (TP.HCM) của đạo diễn Việt Linh sắp công diễn, trong đó có những vở thuộc sự kiện Tháng kịch Pháp vào cuối năm, và mới đây thư viện điện ảnh Fukuoka kỷ niệm 50 năm quan hệ Việt - Nhật đã chọn chiếu 13 phim của đạo diễn Đặng Nhật Minh và đạo diễn Việt Linh, PV Thanh Niên đã có cuộc trò chuyện với nữ đạo diễn gạo cội của điện ảnh VN này.

“Làm sân khấu với con đường hẹp, kiên nhẫn tin sẽ có tri âm”  - Ảnh 1.

Đạo diễn Việt Linh giao lưu trực tuyến với khán giả Nhật hôm 21.10.2023

NSCC

Thời gian này chị sống ở đâu là chính, hay vẫn đi về giữa Pháp và VN? Chị có khỏe không, bởi có rất nhiều người vẫn mong biết tin tức hiện tại từ chị?

Tôi vẫn đi về giữa hai nơi nhưng chủ yếu ở VN do một số công việc, trong đó có Sân khấu Hồng Hạc. Tôi hiện đang ở Paris nhưng ngày 1.11 sẽ về nước để tối 7.11 tái diễn vở Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ lần cuối trong năm nay tại Nhà hát Thanh Niên (số 4 Phạm Ngọc Thạch, Q.1, TP.HCM), tập trung lo Tháng kịch Pháp. Không có tôi các em có thể tự lực, nhưng "có chị, chúng em yên tâm hơn" - như lời mọi người nói.

Có vẻ như Hồng Hạc đang chắp cánh cho nhiều bạn trẻ ở vai trò diễn viên, đạo diễn, khá gắn bó thế hệ và đặc biệt chú tâm các đề tài thiếu nhi?

Đó là tiêu chí của chúng tôi từ thuở ban đầu. Tôi sinh con ở Pháp, nhìn thấy nó lớn lên với giáo dục khai phóng, tâm hồn được nuôi dưỡng bởi tri thức nghệ thuật, trong đó có chính kịch - mảng văn hóa cực kỳ thiếu của thiếu niên VN. Hồng Hạc cố gắng bù đắp phần nào khoảng trống đó.

Cả một đời làm nghệ thuật, luôn cống hiến, lan tỏa thẩm mỹ xem - nghe cho công chúng, hiện tại, chị dành quan tâm cho điện ảnh hay kịch nghệ nhiều nhất? Vì sao chị lại chuyển sang loại hình sân khấu kịch?

Có vài lý do dịch chuyển. Năm 2005 tôi gặp vấn đề sức khỏe khó tiếp tục nghề đạo diễn điện ảnh. Vả chăng chính tôi cũng cảm thấy ít hợp xu hướng thương mại hiện nay của điện ảnh VN. Các nhà sản xuất phim có lẽ cũng không thấy tôi hợp (cười). Hoạt động sân khấu nhưng tôi vẫn âm thầm "dan díu" điện ảnh như viết kịch bản, biên tập, truyền đạt kiến thức cho lớp trẻ. Tôi chọn sân khấu bởi đó là định dạng gần điện ảnh và văn học - hai thế mạnh tôi có thể tích hợp. Lý do rõ hơn là kinh phí dựng vở sân khấu không quá lớn như làm phim điện ảnh.

Với thị trường sân khấu kịch tại TP.HCM đa phần nghiêng thị hiếu giải trí, chị nghĩ kịch mục tiệm cận điện ảnh, văn học của mình sẽ có lượng khán giả riêng?

Thị hiếu/gu thẩm mỹ luôn luôn phong phú. Chúng tôi chọn con đường hẹp, kiên nhẫn tin sẽ có tri âm. Hồng Hạc từ lơ thơ đến hôm nay sôi nổi khán giả chứng tỏ trì chí của chúng tôi đã được phần nào ghi nhận.

“Làm sân khấu với con đường hẹp, kiên nhẫn tin sẽ có tri âm”  - Ảnh 2.

Đạo diễn Việt Linh dặn dò các diễn viên nhí khi tập vở Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ

Hồng Hạc

Nhiều "ông - bà bầu" than thở tình hình kinh doanh sân khấu thu không đủ chi, Sân khấu Hồng Hạc ắt hẳn cũng có những khó khăn riêng?

Không làm sao thoát khỏi khó khăn chung, chỉ là Hồng Hạc biết liệu sức, không diễn lịch dày đặc. Trên hết, chúng tôi có được sự động viên quý báu của khán giả, sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm, như Nhà văn hóa Thanh Niên, Quỹ giáo dục Hùng Võ… Nhiều lắm không kể hết. Đó là chỉ dấu tin cậy mà chúng tôi tri ân, không được phép phụ lòng.

Mới đây nhà văn Nguyễn Nhật Ánh khi xem vở Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, hay nhà văn Marc Levy đến xem vở Mọi điều ta chưa nói cho biết hài lòng với bản dựng trên Sân khấu Hồng Hạc. Sao Hồng Hạc chỉ chọn chuyển thể văn học thành vở diễn sân khấu?

Có lẽ do từng làm đạo diễn và viết văn đôi chút nên tôi có "bịnh" nhìn chữ ra hình, thấy tương hợp thăng hoa giữa chúng. Thêm "bịnh" khác là thích kể lại những truyện hay đã đọc cho nhiều người biết… Theo tôi, nếu ta hiểu đúng phong cách, tinh thần văn học; chuyển thể chúng tử tế là góp phần kích thích văn hóa đọc. Tôi chọn con đường này vì các sân khấu khác đã làm tốt những kịch bản tự viết. Hồng Hạc chỉ thêm một chọn lựa khác cho khán giả.

Hồng Hạc có vẻ không lụy ngôi sao, nhưng vở Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ chị mời cả "chuông vàng vọng cổ" Võ Minh Lâm. Trước đó là nghệ sĩ Thanh Điền trong vở Diễn viên hạng ba. Có ngoại lệ không? Và có khó mời các tên tuổi đó không?

Công thức của Hồng Hạc là thích hợp, chân thành, trọng thị; vậy nên hầu hết giao lưu, hợp tác đều suôn sẻ. Dĩ nhiên, như tiêu chí ban sơ, chúng tôi vẫn ưu tiên phát triển lớp trẻ.

Ở trên chị có nhắc "Tháng kịch Pháp" cuối năm, chị có thể hé lộ đôi chút?

Để kết thúc đợt kỷ niệm 50 năm quan hệ Việt - Pháp, Hồng Hạc sẽ diễn liên tục 3 vở trong tháng 12. Cụ thể ngày 5.12 vở Giờ của quỷ chuyển thể từ tác phẩm của Catherine Arley, ngày 14.12 diễn vở Mọi điều ta chưa nói chuyển thể từ truyện Marc Levy, ngày 27.12 diễn vở Eugénie Grandet chuyển thể từ truyện của Balzac cũng tại Nhà hát Thanh Niên - TP.HCM. Nhà văn Marc Levy nói với tôi rằng ông đang sắp xếp trở lại VN cùng gia đình vào mùa xuân năm 2024, mong muốn kịch lưu diễn tiếp. Với ông đây là kỷ niệm đẹp khi lần đầu tiên có nơi làm kịch từ sách của ông (cười).

Đạo diễn Việt Linh có nhớ và sẽ trở lại với điện ảnh không, hay chỉ dồn tâm sức cho sân khấu kịch?

Bạn làm tim tôi xáo động rồi (cười). Dù làm gì, ở đâu, tôi thật sự chưa bao giờ quên "tình si" điện ảnh, chỉ rắp tâm đợi thời cơ. Nếu duyên đủ, tôi sẽ làm một phim sau cuối.

"Diễn kịch mà như đang rong chơi, đùa nghịch..."

"Tác phẩm Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ rất khó chuyển thể, cả sân khấu lẫn điện ảnh. Tôi đã rất tò mò không biết Sân khấu Hồng Hạc sẽ làm như thế nào. Khi xem, tôi nghĩ làm được như vậy là giỏi rồi. Tôi quan sát thấy không chỉ trẻ em mà người lớn cũng thích khi xem. Đúng là vở kịch này không chỉ dành cho trẻ em mà còn dành cho những ai từng là trẻ em. Các bé 8 tuổi nhập vai đóng chính mình, nên diễn rất tự nhiên. Diễn kịch mà như đang rong chơi, đang đùa nghịch với bạn bè...", nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, tác giả Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.