Lại thêm một trò bịp của tà đạo Thanh Hải bị vạch trần

10/01/2007 14:05 GMT+7

Khoảng cuối năm 2001, sau khi bị chính những "đồng tu" tại Việt Nam tẩy chay, đốt bỏ băng hình, kinh sách đồng thời báo cáo với các cơ quan chức năng mỗi khi có "sứ giả" từ nước ngoài về vì họ nhận ra sự bịp bợm của cái được gọi là "đạo tràng Thanh Hải Vô thượng sư", thì những phần tử cốt cán của tà đạo này tạm ngừng hoạt động.

5 năm trôi qua, những tưởng họ đã thấy được sai lầm của mình. Nhưng không, cuối tháng 12.2006, lại có kẻ toan tính vực dậy cái thây ma tà đạo Thanh Hải. Nhưng cũng như những lần trước, họ lại bị chính những người trong "đạo", vạch mặt chi tiền...

Khởi đầu một trò bịp

Sự việc bắt đầu vào ngày 24.5.2006, ở một số tỉnh, thành trong cả nước, bỗng thấy xuất hiện đĩa CD ca nhạc nhan đề "Tặng em", do một trung tâm sản xuất băng đĩa nhạc tại TP.HCM phát hành. Trong đĩa CD này, là 11 bài thơ của tác giả Phi Vấn, do một nhạc sĩ tên tuổi phổ thành bài hát. Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu 2 chữ "Phi Vấn" không phải là một trong những biệt danh của Đặng Thị Trinh, kẻ tự xưng là "Phật sống", là "Thanh Hải Vô thượng sư", là bạn của "Thần đèn Aladin" (?!), kẻ đã đẻ ra cái quái thai "đạo tràng".

Đám đệ tử cốt cán của Thanh Hải như Phạm Văn Hảo ở Trà Vinh; Trần Thị Bích Thuỷ, Trần Thị Thảo Vy ở Sóc Trăng; Huỳnh Hữu An, Huỳnh Hữu Năm, Trương Văn Đen, Khưu Hoàng Oanh ở Bạc Liêu; Lê Thị Tám ở Đồng Nai; Diệp Quốc Khánh, Diệp Ngọc Yến ở An Giang; Võ Văn Danh ở Tây Ninh; Nguyễn Thị Mai Anh ở Quảng Nam lâu nay nằm im thở khẽ, bây giờ hí hửng ra mặt. Lập tức, họ tuyên truyền rỉ tai với các "đồng tu", rằng "đạo tràng Thanh Hải" đã công khai xuất hiện. Một số ít “đồng tu” còn mơ hồ, nên lục tục quay lại các buổi "cộng tu", ngồi thiền. Để tránh bị phát hiện, mỗi buổi "thiền" đám cốt cán chỉ tập trung từ 5 đến 7 nguời trong những căn phòng đóng kín cửa, mỗi người một tấm khăn phủ đầu, lắc la lắc lư, miệng lẩm nhẩm liên hồi câu htần chú mà "sư phụ" Thanh Hải đã dạy: "Rốt ông ra xô xát, thập bát độ đạo tràng" (?!).

Đến tháng 10.2006, nhóm cốt cán đã qui tụ được trên 1 nghìn người, ở 21 tỉnh, thành - nhưng hầu hết đều là những người chưa hề biết "đạo tràng Thanh Hải" là gì, mà chỉ nghe “vào "đạo tràng" thì sẽ được đi nước ngoài nghe "sư phụ" giảng đạo, ăn ở miễn phí, được "sứ giả" từ Mỹ về truyền "tâm ấn", được "sư phụ" gửi tiền về cho, được gia trì thêm sức mạnh". Nhưng "được" đâu chưa thấy, chỉ thấy trước mắt phải bỏ tiền ra, kẻ vài trăm nghìn, kẻ bạc triệu để thỉnh về những tấm hình, những cuốn băng cátxét của "sư phụ Thanh Hải".

Quy tụ được hơn 1.000 "đồng tu", đám đệ tử cốt cán lập tức dùng email báo tin cho Thanh Hải. Ngày 22.9.2006, Thanh Hải gửi về một thông điệp, yêu cầu các đồng tu tìm mọi cách sang Thái Lan, để tham dự buổi "cộng tu tập thể" diễn ra từ ngày 26.11 đến 2.12.2006. Thông điệp nói rõ nếu "đồng tu" nào đã được truyền "tâm ấn", thì đi lại, ăn ở không mất tiền (nhưng phải đem theo ít nhất là 500 USD để thỉnh "pháp tướng" của sư phụ). Thử làm một phép tính, mỗi "đồng tu" đi Thái Lan 5 ngày, tốn khoảng 400 USD nhưng chỉ mua "pháp tướng" 500 USD thôi thì Thanh Hải vẫn bỏ túi được 100 USD, ngon như ăn... bắp!

Nhận được thông điệp, đám cốt cán in sao thành nhiều bản, truyền tay cho "đồng tu", đồng thời thỉnh cầu "sư phụ" cử "sứ giả" về truyền "tâm ấn" cho các "đồng tu" mới. Nhớ lại bài học trước kia - khoảng cuối năm 1989, sứ giả đầu tiên về nước là Việt kiều Canada Lâm Chí Cần, rồi sau đó là Thích Sư Việt, rồi Thích Sư Thế, nhưng cả hội tranh ăn, quay sang nói xấu lẫn nhau, rằng hình ảnh, kinh sách, băng đĩa, người khác bán là đồ dỏm, còn của mình bán mới có "lực" của "sư phụ" gia trì nên đã bị các "đồng tu" vạch trần sự bịp bợm thì lần này, suy đi tính lại mãi, Thanh Hải quyết định cử Huỳnh Hậu Bá Thiên và Trần Văn Tom trở về.

Và những chuyên gia bịp

Tom năm nay khoảng 40 tuổi, mặt hơi gầy, con mắt láo liên nhìn rất ranh. Sinh ra ở thị trấn Kiên Lương, tỉnh Kiên Gaing. Thời thơ ấu Tom sống với chị tại Cần Thơ. Năm 1979, Tom vượt biển sang Malaysia rồi được cho đi định cư ở Mỹ.

Trên đất Mỹ, Tom thất nghiệp, nhưng trong một buổi đi nghe Thanh Hải thuyết giảng, y đã lọt vào mắt xanh của "sư phụ", rồi được "sư phụ" đặt cho pháp danh là "cậu Út". Sau này khi đã trở thành sứ giả của đạo tràng Thanh Hải và lúc về nước để truyền "tâm ấn", Tom vẫn thuờng khoe khoan với đám "đồng tu" tại VN là mình đã tốt nghiệp... kỹ sư tin học, được nhiều công ty, xí nghiệp ở Mỹ mời vô làm với mức lương 20.000 USD mỗi tháng nhưng y từ chối. Trong một buổi họp mặt ở tiệm cơm chay u Lạc trên đường Nguyễn Kiệm, TP.HCM, Tom "nổ" với các "đồng tu": "Được sư phụ khai thị, nên tôi gạt bỏ mọi vinh hoa phú quý để dốc lòng theo ngài. Nhờ vậy, tôi được lực của ngài gia trì và tất cả những gì tôi mặc trên nguời đều có lực của sư phụ, ngay cả cái đồng hồ này cũng thế...". "Đồng tu" nhiều người không biết, nên coi Tom như... thần!

Năm 1995, Trần Văn Tom về VN lần đầu tiên với sứ mạng tiếp xúc tín đồ các tỉnh. Lần đó, cậu Út tiến hành truyền "tâm ấn" cho một số người vừa mới vào đạo ở Tây Ninh, Nha Trang, Long An, Bạc Liêu, Châu Đốc, TP.HCM, Kiên Giang. Theo kế hoạch đã được Thanh Hải vạch ra, Tom thay đổi liên lạc viên ở một số tỉnh, đồng thời chọn ra trong đám "đồng tu" mỗi tỉnh một người làm "hộ pháp" với nhiệm vụ theo bảo vệ Tom mỗi khi y đi rao giảng. Trong số những hộ pháp này, người được Tom tin tưởng nhất là Diệp Quốc Khánh thuộc cộng tu Châu Đốc. Đi Nha Trang, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh truyền đạo, Tom đều cho Khánh đi theo. Bên cạnh đó, cậu Út còn kiểm tra những cơ sở in sang băng video, băng cátxét, kinh sách mà những sứ giả đi trước đã xây dựng được. Phải công nhận cậu Út có máu kinh doanh: Mội cuốn băng video - loại băng "bành" được cắt ra, cuộc vào lõi rồi in sang giá vốn chỉ 12 nghìn, cậu bán 60 nghìn đồng. Băng cátxét, cậu "chặt" 45 nghìn, kinh sách thì tuỳ loại nhưng rẻ nhất cũng 100 nghìn đồng một quyển. Thế đã hết đâu, những bộ quần áo sau khi mặc chán chê, Tom bán lại cho "đồng tu" và khẳng định: "Ai mặc nó sẽ có lực sư phụ gia trì". Túi tham vô đáy, Tom chỉ thị cho "đồng tu" Trương Thị Hoa Lê - liên lạc viên Tây Ninh và Nguyễn Thuỳ Dương, giáo viên ở quận 11, TP.HCM mua một số đồng hồ đeo tay loại rẻ tiền về tháo mặt số ra và dán hình Thanh Hải vào. Mỗi chiếc đồng hồ có "lực" này, Tom bán "hữu nghị" cho "đồng tu" với giá 2 triệu đồng.

Tất cả tiền lừa được, Tom ăn xài xả láng. Đi giảng đạo, câu Út toàn rủ những "đồng tu" nữ còn trẻ đi theo và cưỡi máy bay hoặc ôtô đời mới máy lạnh, còn "đồng tu" lại lục tục leo lên xe lửa, xe đò. Đến nơi, cậu ngủ khách sạn hạng sang còn "đồng tu" cứ nhà trọ mà nằm. Nhiều đêm khó ngủ, cậu gọi một nữ "đồng tu" vào phòng riêng trong khách sạn, đóng kín cửa lại để... "khai thị"! Và mặc dù đã có vợ ở Mỹ, về VN, Trần Văn Tom vẫn quan hệ với một sinh viên ngành Ngân hàng tên H. (ngày Tom bị trục xuất, người thiếu nữ đáng thương ấy đã mang bầu).

Ngày 4.1.1998, Trần Văn Tom về VN lần thứ 2. Nhưng y không hề hay biết rằng tại Bạc Liêu, đám "đồng tu" cốt cán cùng những liên lạc viên, torng khi tụ tập tại nhà "đồng tu" Lưu Mỹ ở số 21B đường Bà Triệu, thị xã Bạc Liêu để bàn việc tán phát kinh sách, băng hình, tài liệu thì đã bị cơ quan chức năng bắt quả tang với 76 cuốn băng video mà nội dung nhiều cuốn kêu gọi "đồng tu" chống lại chính quyền, 623 cuốn băng cátxét, 190 cuốn kinh sách cùng 16 đồng hồ đeo tay có hình Thanh Hải. Đặt chân đến TP.HCM hôm trước, hôm sau Tom được mời xuống Bạc Liêu. Tại đây, cậu Út chối bay, chối biến và quả quyết rằng, mình chưa hề gặp Hoa Lê, Quốc Khánh, Thuỳ Dương, Lưu Mỹ... bao giờ, rằng những kẻ đó thù cậu nên vu oan giá hoạ cho cậu. Lập tức, cơ quan chức năng tỉnh Bạc Liêu cho cậu đối chất với các "đồng tu". Trước mặt những người này, Trần Văn Tom vẫn gân cổ lên cãi. Tội nghiệp đám "đồng tu", họ chỉ biết giương mắt nhìn Tom. Trời đất quỉ thần ơi! Nó ăn, nó ngủ nhà mình. Nó dẫn con gái mình đi... khai thị. Nó bán băng hình, kinh sách, nó truyền "tâm ấn", nó dạy mình ngồi thiền, nó luôn mồm xoen xoét nam mô Thanh Hải Vô thượng sư mà bây giờ nó bảo nó không biết mình là ai. "Đồng tu" Trương Thị Hoa Lê khóc nức nở: "Bây giờ tôi mới rõ đạo Thanh Hải là đạo lừa". Còn "hộ pháp" Diệp Quốc Khánh thì cay đắng hơn: "Tôi mua cái quần kaki đã gần rách của nó giá 100 nghìn đồng. Lực sư phụ gia trì đâu chẳng thấy chỉ thấy nhà tan cửa nát. Lúc đối chất, nó bảo chưa hề quen tôi, trong khi đi giảng đạo, tôi là người chuyên giặt đồ cho nó".

Một tuần sau, Trần Văn Tom bị trục xuất khỏi lãnh thổ VN. Bẵng đi gần 10 năm, Thanh Hải cho rằng các cơ quan chức năng đã quên "cậu Út", nên đầu tháng 10.2006, Tom (sử dụng tên Huỳnh Long), cùng Huỳnh Hậu Bá Thiên nhập cảnh theo đường Mộc Bài, Tây Ninh. Tại đây, sau khi gặp gỡ liên lạc viên Võ Văn Danh, Huỳnh Hậu Bá Thiên xuống Cần Thơ, còn Trần Văn Tom ra Bà Rịa - Vũng Tàu, để vừa tuyên truyền vừa "tâm ấn", vừa xúc tiến tổ chức đưa người sang Thái Lan, tham dự "cộng tu tập thể". Tom chỉ thị: "Mỗi người đi Thái Lan phải mang theo 2 tấm hình chân dung cỡ 4x6cm để "sư phụ" ban phép, và một chiếc radio để nghe "sư phụ: thuyết giảng. Nếu ai không đi được bằng máy bay, thì đi đường bộ sang Campuchia rồi sang Thái Lan. Ở Thái Lan, sẽ có "đồng tu" Trường và "đồng tu" Minh Ô Môn "đón rước". Điều buồn cười là mặc dù nói, hễ "đồng tu" nào đã được truyền "tâm ấn" thì đi lại, ăn ở không mất tiền, nhưng khi biết "đồng tu" Trần Văn Kha ở Bà Rịa, làm mướn tại cảng cá Phước Tỉnh, không có khả năng kiếm ra 500 USD để thỉnh "pháp tướng", thì Trần Văn Tom lập tức gạt Kha ra khỏi danh sách, với lý do: ngồi thiền chưa đạt!

Trong tháng 10.2006, 465 "đồng tu" ở 21 tỉnh, thành trong cả nước, đồng loạt làm thủ tục xin cấp hộ chiếu đi Thái Lan, trong đó nhiều nhất là Sóc Trăng với 64 người, ít nhất là Kiên Giang với 4 người. Đầu tháng 11, nhiều đại lý bán vé máy bay của Vietnam Airlines cũng ghi nhận có người đến đưa danh sách họ tên để đặt mua một lúc 40, 50 vé đi Thái Lan vào ngày 25.12. Ở Tây Ninh, Võ Văn Danh - một "đồng tu" cốt cán, đặt mua vé cho 48 người. Ở TP.HCM, Thích Nguyên Đạt đặt mua 50 vé. Ở Bạc Liêu, Huỳnh Hữu An, Trương Văn Đen, Khưu Hoàng Oanh đặt mua vé cho 20 người. Tại An Giang, mặc dù năm 1998, Diệp Quốc Khánh đã bị Trần Văn Tom lừa, nhưng Khánh cùng Diệp Ngọc Yến vẫn sốt sắng mua vé cho 26 người. Tại Phú Yên, Lê Thị Xuân Lài đã được thân nhân, bà con trong xóm khuyên bảo, nhưng vẫn tích cực lôi kéo 26 người, sang Thái Lan để truyền... tâm ấn.

Ngày 25.12.2006, số “đồng tu” chuẩn bị lên đường. Để tránh sự chú ý, Trần Văn Tom và Huỳnh Hậu Bá Thiên chỉ đạo: Ai ở Khánh Hoà, Phú Yên, Quảng Nam, Huế thì đi Thái Lan bằng đường sân bay Nội Bài, Hà Nội, còn ai ở các tỉnh phía Nam thì đi tại sân bay Tân Sơn Nhất. Riêng Tom và Thiên, chọn con đường Mộc Bài. Tuy nhiên, tất cả đều không ngờ được thái độ của những người thân trong gia đình họ, cũng như thái độ của nhiều người từng bị “Thanh Hải Vô thượng sư” lừa gạt bạc tiền. Đúng vào lúc đám đệ tử cốt cán dẫn số “đồng tu” vào đến sân bay thì họ lập tức xúm lại, công khai, lớn tiếng vạch trần những thủ đoạn của “đạo tràng Thanh Hải”.

Thoạt đầu, số cốt cán như Phạm Văn Hảo, Trần Thị Bích Thuỷ, Trần Thị Thảo Vy, Huỳnh Thị Năm, Lê Thị Tám còn hung hăng phản đối. Nhưng rồi lần lượt, hết “đồng tu” này tới “đồng tu” khác, xách valy hành lý theo thân nhân quay về, lại thêm bộ phận bảo vệ an ninh sân bay thấy cảnh la ó huyên náo, nên đã tiến hành lập biên bản, giải tán, tạm đình chỉ chuyến bay nên số cốt cán chẳng còn cách nào khác hơn là rút lui.

Vũ Cao/Báo An ninh thế giới

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.