Lãi suất hạ nhiệt, khách hàng cần lưu ý gì khi vay?

Thanh Xuân
Thanh Xuân
01/05/2023 13:56 GMT+7

Nhiều ngân hàng (NH) hiện tung ra các gói cho vay với lãi suất giảm từ 1 - 2%/năm so với thời điểm cách đây 1 tháng. Thế nhưng, người đi vay cần tỉnh táo bởi mức lãi suất này chỉ duy trì trong những tháng đầu và những tháng sau đó sẽ tăng lên theo những công thức tính khác nhau.

Ngân hàng tung ra các gói tín dụng lãi vay thấp

Trước tình trạng tăng trưởng tín dụng đối với doanh nghiệp thấp, thời gian gần đây, các NH triển khai nhiều gói tín dụng cho vay cá nhân với mục đích mua, sửa nhà; mua ô tô; sản xuất kinh doanh. 

Nhóm NH thương mại nhà nước tung ra các gói tín dụng cho vay nhà ở. Chẳng hạn, BIDV dành 30.000 tỉ đồng cho vay nhà ở xã hội (trong gói tín dụng chung 120.000 tỉ đồng của 4 NH thương mại nhà nước (Vietcombank, BIDV, Agribank, Vietinbank) với lãi suất từ 8,2%/năm. Đối với cho vay mua nhà đất thông thường, nhà băng này cho vay với lãi suất 9,5 - 10%/năm. Mới đây, Vietcombank cũng điều chỉnh lãi vay giảm nhẹ khoảng 0,2 - 0,5% so với trước. Theo đó, lãi suất vay cố định 18 tháng ở mức 10,2%/năm, 24 tháng ở mức 10,2%/năm, 36 tháng ở mức 11%/năm, 60 tháng là 12%/năm, 84 tháng ở mức 13,5%/năm; 120 tháng ở mức 14%/năm. 

Những khoản vay này nhằm mục đích mua, xây sửa nhà, nhà dự án bất động sản, mua ô tô tiêu dùng, vay tiêu dùng, đầu tư lưu trú du lịch, trang trại nuôi heo, sản xuất kinh doanh (trung hạn), thanh toán học phí trường tư thục, quốc tế…

Lãi suất cho vay hạ nhiệt, cần lưu ý gì khi vay - Ảnh 1.

Ngân hàng liên tục tung ra các gói tín dụng lãi từ 8 - 9%/năm

NGỌC THẮNG

Riêng cá nhân vay nhanh bổ sung vốn lưu động, VIB giảm 2%/năm, còn 9%/năm. Cá nhân là chủ hộ kinh doanh cá thể hoặc chủ doanh nghiệp siêu nhỏ có thể vay tối đa 100% nhu cầu vốn, hạn mức lên tới 15 tỉ đồng. Thời gian cấp hạn mức vốn lưu động lên đến 24 tháng… TPBank cho khách hàng cá nhân và chủ hộ kinh doanh, lãi suất tối thiểu từ 8%/năm cố định trong 3 tháng, hoặc từ 9,5%/năm cố định trong 6 tháng, linh hoạt với ưu đãi miễn phí trả nợ trước hạn. 

Đối với khách hàng cá nhân vay vốn theo dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VNSAT), TPBank hỗ trợ gia hạn chương trình ưu đãi lãi suất vay tương đương chỉ từ 6,9%/năm. Đáng chú ý, khách hàng công tác trong ngành y tế và giáo dục, lãi suất chỉ từ 6,9%/năm. Ngoài ra, đối với doanh nghiệp mua xe ô tô có lãi vay 9%/năm, cố định trong 6 tháng, từ năm 3 trở đi được miễn phí trả nợ trước hạn.

Ông Nguyễn Hữu Huân - Trưởng bộ môn tài chính trường Đại học Kinh tế TP.HCM, nhận định: "Mặt bằng lãi suất những tháng đầu năm ở mức cao nên trong quý 1, tăng trưởng tín dụng của toàn ngành NH chỉ đạt được hơn 2,06%, trong khi kế hoạch đề ra cho năm lên 14 - 15%. Với việc điều chỉnh lãi suất đi xuống gần đây, kỳ vọng dòng vốn trong NH sẽ chảy ra nền kinh tế. Nhưng có một thực tế là lãi suất huy động hiện nay đã giảm nhưng lãi vay chưa xuống được nhiều. Hy vọng đến quý 3, lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm, vốn NH sẽ được hấp thụ tốt hơn".

Thận trọng với cách tính lãi vay

Dù tung ra khá nhiều gói vay với lãi suất ưu đãi, nhưng thông thường các NH sẽ quy định lãi suất vay thay đổi 1 tháng, 3 tháng hay 6 tháng một lần. Chưa kể ngay thời điểm làm hồ sơ vay, NH sẽ tính lãi vay dựa trên công thức riêng. Một số công thức tính lãi vay phổ biến hiện nay như lấy lãi suất huy động tiết kiệm kỳ hạn 12 hay 13 tháng cộng với biên độ; lãi suất huy động tiết kiệm bình quân của 4 NH thương mại nhà nước cộng với biên độ; hoặc lãi suất cơ sở do NH đó ban hành hàng tháng cộng với biên độ. Trong những công thức này, nhiều NH lựa chọn cách tính lãi suất cho vay theo hình thức thứ 3, lấy lãi suất cơ sở cộng với biên độ. Biên độ các ngân hàng quy định thường dao động từ 3 - 5%.

Chính vì công thức tính lãi vay như trên nên khi lãi suất huy động trên thị trường tăng cao, khách hàng vay sẽ "lãnh đủ" khi đến kỳ hạn tính lãi. Lãi vay vì thế tăng lên khá cao. Nhiều khoản vay chỉ 8 - 9%/năm nhưng sau khi hết thời gian ưu đãi tăng vọt lên 11 - 12%/năm, thậm chí 14 - 15%/năm.

Ngoài ra, phương thức tính trả lãi vay cũng là một điểm cần lưu ý. NH tính lãi cố định theo dư nợ gốc, theo dư nợ giảm dần hay hỗn hợp. Đối với lãi suất cố định, khi mới nhìn vào và so sánh với lãi suất dư nợ giảm dần, khách hàng thường cảm thấy thấp hơn. Thế nhưng, thực chất số tiền lãi trả cho NH bằng hoặc cao hơn so với dư nợ giảm dần. Ưu điểm của lãi suất cố định là người vay biết được chính xác khoản lãi vay là bao nhiêu để có sự chuẩn bị về tài chính. Đồng thời, cũng sẽ tránh được các rủi ro về lãi suất trong suốt quá trình vay tiền tại NH. Còn phương thức tính lãi theo dư nợ giảm dần là NH tính lãi trên nợ gốc còn lại mà khách hàng phải trả. Đối với phương thức trả lãi hỗn hợp, lãi vay cố định trong 2 - 3 năm đầu, sau đó ngân hàng tính lãi linh hoạt theo thị trường, thay đổi lãi suất vay tuỳ theo hợp đồng đã ký trước đó.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.