Cột mốc chủ quyền đặc biệt:

Lai Châu - Cuối trời Tây Bắc: Nóc nhà biên cương

Mai Thanh Hải
Mai Thanh Hải
06/02/2023 08:25 GMT+7

Gần 80 năm sau ngày lập nước, Lai Châu vẫn là tỉnh khó khăn, đi lại xa xôi vất vả và có mật độ dân số thấp nhất toàn quốc. Trong 7 tỉnh biên giới phía bắc, Lai Châu có chiều dài đường biên thứ 3, nhưng sự khó khăn trong quản lý, bảo vệ biên giới thì vẫn... đứng đầu cả nước.


Qua một đêm, tôi tới TP.Lai Châu (tỉnh Lai Châu), thêm nửa ngày nữa mới tới huyện lỵ Mường Tè và lên Đồn biên phòng Pa Vệ Sử (đóng ở xã Pa Vệ Sử, H.Mường Tè, Lai Châu), nghỉ qua đêm để sáng hôm sau lên mốc 42 - nóc nhà biên cương, đi lại khó khăn vất vả nhất toàn quốc.

MỐC "3 NGÀY 2 ĐÊM"

Đại tá Nguyễn Văn Hưng, Chính ủy Bộ đội biên phòng (BĐBP) Lai Châu, bảo: Ở Lai Châu, có 2 cột mốc cao nhất nhì VN là mốc 79 và 42. Mốc 79 tuy cao nhất (2.880,69 m) nhưng đi lại vẫn dễ hơn so với mốc 42 (2.856,5 m); bộ đội đi tuần tra, thường là đi bộ 3 ngày 2 đêm…

Lai Châu - Cuối trời Tây Bắc: Nóc nhà biên cương  - Ảnh 1.

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Đồn Pa Vệ Sử tặng lương thực, thực phẩm cho gia đình ông Vàng Và Sừ (người La Hủ) dọc đường lên mốc 42

M.T.H

Ngày đầu tháng 1.2023, tôi đi cùng đội tuần tra của Đồn BP Pa Vệ Sử lên mốc 42. Lực lượng tham gia gần chục người, gồm BĐBP, cán bộ - công an - dân quân xã Pa Vệ Sử, do thượng úy Giang Út làm đội trưởng. Thời gian hành quân là 2 đêm 3 ngày, nên thiếu tá Trịnh Anh Tuấn (phó đồn trưởng) chỉ huy công tác chuẩn bị rất cặn kẽ: ngoài vũ khí, trang thiết bị, còn phải mang theo tăng võng, lều bạt dã chiến (để ngủ đêm trong rừng), thuốc quân y, nồi niêu xoong chảo, lương thực, thực phẩm (để nấu ăn mỗi ngày), dao rựa cuốc xẻng (để phát cây mở đường)…

Liên tục đi bộ từ sáng hôm trước, ngủ lại một đêm trong rừng, trưa hôm sau, khi đôi chân đã cứng ngắc do leo núi, vượt đồi, trèo đèo, lội suối…, chúng tôi mới chạm tay vào mốc quốc giới số 42 nằm trên đỉnh núi cao 2.856,5 m trên dãy Pu Si Lung.

Lai Châu - Cuối trời Tây Bắc: Nóc nhà biên cương  - Ảnh 2.

BĐBP Đồn Pa Vệ Sử thực hiện nghi thức chào mốc 42

M.T.H

Sau khi tiến hành kiểm tra cột mốc, dấu hiệu đường biên giới quốc gia, thượng úy Giang Út cử một tổ công tác, theo đường biên lên đỉnh Pu Si Lung gần mốc 42 để kiểm tra thực địa. "Đỉnh Pu Si Lung cao 3.083 m, xếp thứ 2 trong top 10 đỉnh núi cao nhất VN, chỉ sau đỉnh Fansipan (3.143 m), nên mấy năm nay, nhiều khách ở các nơi tìm đến chinh phục", thượng úy Út cho biết vậy và kể: Do quá cao, địa hình hiểm trở phức tạp, đi lại khó khăn, nên nhiều người phải bỏ cuộc giữa chừng. Năm trước, đã có một nam du khách tử vong khi leo núi, bộ đội và dân quân rất vất vả mới đưa được thi hài xuống núi…

Chiều ngày thứ 3, chúng tôi kết thúc chuyến tuần tra khu vực biên giới mốc 42 và về tới Đồn BP Pa Vệ Sử. Trung tá - đồn trưởng Trần Văn Kiên ra tận cổng đơn vị đón và cho biết: "Tuần tra mốc 42 là vất vả nhất. Các mốc khác, chỉ 1 - 2 ngày. Kiểm tra dọc tuyến thì phải 7 - 10 ngày, có lực lượng, chuyên gùi cõng, tiếp tế dọc đường biên"…

60 NĂM MUỐI TRẮNG, RAU RỪNG

Tôi về xã Văn Lang, H.Hưng Hà (Thái Bình) tìm gặp thiếu tá Tô Minh Điến (85 tuổi, nguyên Đồn trưởng BP A Pa Chải, H.Mường Tè, Lai Châu - nay là Đồn BP A Pa Chải, H.Mường Nhé, Điện Biên). Nghe tôi nói chuyện vừa lên mốc 42 khó đi nhất nước, ông Điến cười: "Bây giờ còn có đường. Hồi trước chúng tớ từ tỉnh lên, phải phát cây tìm đồn", và nhớ lại: Ngày 3.3.1959, Công an nhân dân vũ trang (CANDVT, nay là BĐBP) được thành lập, nhưng mãi cuối tháng 4.1959, lực lượng này mới được triển khai ở khu tự trị Thái - Mèo, quản lý cả vùng Tây Bắc (gồm 3 tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu hiện nay).

Lai Châu - Cuối trời Tây Bắc: Nóc nhà biên cương  - Ảnh 3.

Bộ đội Đồn CANDVT A Pa Chải, Lai Châu (nay là Đồn BP A Pa Chải, BĐBP Điện Biên) tuần tra bảo vệ biên giới. Đồn trưởng Tô Minh Điến là người ở giữa, đang cầm ống nhòm; hình chụp cuối năm 1979

Tư liệu BĐBP

"Cơ quan chỉ huy lúc ấy đóng tại TT.Thuận Châu, Sơn La (nay là H.Thuận Châu, Sơn La), muốn kiểm tra các đồn ở Mường Tè, phải cưỡi ngựa, đi bộ khoảng 15 - 20 ngày", ông Điến nhớ lại thời điểm tháng 4.1962, sau 3 năm phục vụ trong lực lượng thanh niên xung phong của tỉnh Thái Bình, ông nhập ngũ vào BĐBP, được đưa huấn luyện tại Lai Châu và điều động về Đồn BP Leng Su Sìn.

Sau gần 4 năm đi vào hoạt động, không thể ôm xuể địa bàn, nên ngày 7.2.1963, Ban Chỉ huy CANDVT khu Tây Bắc thành lập Ban Chỉ huy CANDVT tỉnh Lai Châu (địa bàn Điện Biên và Lai Châu hiện nay). "Hồi mới thành lập, thiếu mọi thứ từ vũ khí trang bị cho đến nhà cửa, ăn uống", ông Điến nói và trầm ngâm: "Mỗi đơn vị chỉ có vài khẩu K50. Nhà cửa doanh trại, tranh tre nứa lá. Đóng quân nơi xa xôi hẻo lánh, vài năm không có ai đặt chân đến, mùa đông thì sương mây mù mịt, đêm phải đốt lửa sưởi. Hàng tiếp tế theo năm, quý nhất là thuốc sốt rét, muối trắng và dầu hỏa… Thế nhưng cứ được cấp phát là chia sẻ cho bà con nhân dân, đều như nhau".

Lai Châu - Cuối trời Tây Bắc: Nóc nhà biên cương  - Ảnh 4.

Đội tuần tra, Đồn BP Pa Vệ Sử vượt thác, đi làm nhiệm vụ

M.T.H

Ký ức 60 năm của người lính già khiến tôi nhớ lại chuyến tuần tra lên mốc 42 cùng bộ đội Đồn BP Pa Vệ Sử: Ngoài vũ khí trang thiết bị, lương thực thực phẩm oằn vai, anh em vẫn gắng mang theo bao gạo, thùng mì tôm, gói muối trắng để tặng gia đình ông bà Vàng Và Sừ (82 tuổi) đang ở trong căn lán nằm giữa đường lên mốc 42. Thượng úy Giang Út bảo: "Ông bà người La Hủ, sống đơn côi giữa rừng, thiếu thốn đủ thứ, nên mỗi chuyến tuần tra, anh em đều mang thực phẩm tặng. Thân thuộc hơn người nhà, có tình hình gì là ông bà báo ngay và các cụ đi rừng, hái được rau rừng, quả rừng đều để dành, phần cho bộ đội".

Nghĩa tình quân dân - 60 năm vẫn vẹn nguyên trong mỗi người lính ở nơi khó khăn nhất, nơi cuối trời Tây Bắc, trên nóc nhà biên cương. (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.