Lái bò… mù

02/08/2013 09:39 GMT+7

Ở chợ bò Tà Ngáo (H.Tịnh Biên, An Giang), ai cũng nể lái bò Khổng Mù, bởi cái tài xem “tướng” bò trứ danh của ông.

Lái bò… mù

Khổng Mù sinh hoạt, chăm sóc bò y như người sáng mắt - Ảnh: Quyết Thắng

Mê bò

Từ quốc lộ 91 rẽ sang đường Ô Tà Ban, chúng tôi ghé thăm nhà ông Trần Văn Khổng (54 tuổi, ngụ khóm Xuân Phú, thị trấn Tịnh Biên, H.Tịnh Biên). Người dân địa phương quen gọi ông bằng cái tên Khổng Mù. Ông có biệt tài xem “tướng” bò rất giỏi, dù mắt không còn nhìn thấy gì.

Bà con Khmer trong xóm còn mến ông bởi tính siêng năng và luôn gần gũi với mọi người. Đang ngồi uống trà với Khổng Mù bên chái nhà, thấy chúng tôi đến, ông Chau Sóc Khuônl vui vẻ nói: “Cha Khổng này hay lắm! Dù sống trong cảnh mù lòa, nhưng ổng làm việc không thua tụi tui, thậm chí còn muốn trội hơn, đặc biệt là nuôi bò”. Nghe vậy, Khổng Mù cười khà: “Sáng nào bà con Khmer trong xóm cũng đến uống trà, hỏi han chuyện làm ăn và nuôi bò vỗ béo. Thấy mình có kinh nghiệm, nên bà con có nhu cầu đều tìm đến”. Hôm rồi, Khổng Mù đi chợ bò Tà Ngáo để chọn bò dùm ông hàng xóm Chau Sêng. 2 con bò lai đó lớn rất nhanh, ông Sêng sẽ xuất chuồng bán trong vài tháng nữa.

Chỉ tay về phía 2 con bò lai của mình, Khổng Mù cho biết đây là cặp bò được ông chọn mua cách đây hơn 5 năm, đã sang tay nhiều chủ. Những tưởng đôi bò này cũng như bao đôi bò mà ông từng mua bán trước đó, nhưng thật bất ngờ, một lần trên đường đi đám giỗ ở H.Phú Tân, Khổng Mù nghe tiếng bước chân bò rất quen. Khi ông đến tận nhà người chủ hỏi thăm, thì bỗng dưng đôi bò đứng dậy và lại gần ông. “Chúng liếm mặt, tay tôi liên tục. Biết là bò của mình, tôi bước tới sờ vào lưng, mặt bò… Thấy bò ốm mà tôi muốn rớt nước mắt. Suy nghĩ một hồi, tôi quyết định mua lại đôi bò với giá 30 triệu đồng”, Khổng Mù kể lại. Tới nay, ông xem đây là cặp bò hoàn hảo và ưng bụng nhất, bởi mỗi lần kéo lúa hay đi cày, đôi bò đều dẫn đầu, vượt lên những cặp bò khác.

Nhìn Khổng Mù tận tay chăm sóc những con bò, mới thấy được sự chu đáo của người lái bò mù. Ông múc đầy thau “nước hến” (nước giếng có màu đục), bưng một mạch vào nhà, bóp trái thốt nốt chín, hòa tan vào trong nước, rồi bưng cho bò uống. “Thứ nước này rất tốt cho bò, uống vào lông bò sẽ mướt lắm! Tôi học lóm cách làm này của bà con Khmer”, Khổng Mù nói.       

Khả năng trời phú

Nhớ lại cái ngày tai họa ập tới cướp đi đôi mắt, giọng Khổng Mù chùng xuống: “Năm 11 tuổi, tôi đi đào trùn làm mồi giăng câu cá lóc, không ngờ trúng ngay trái đạn còn sót lại. Khi tỉnh dậy mới biết mình đang ở bệnh viện và đôi mắt đã bị mù”. Không buông xuôi trước nghịch cảnh, Khổng Mù gượng dậy, bắt đầu tập làm những công việc hằng ngày trong bóng tối. Nhờ quyết tâm, ông đã làm được nhiều việc không kém người sáng mắt, từ chăn bò, nấu cơm, gánh nước đến làm ruộng... “Hồi đó, mình tưởng mù mắt là cuộc đời tiêu rồi. Tuy mắt mù nhưng “tâm” không mù. Mỗi ngày, tôi vẫn gánh 5 - 6 đôi nước từ ngoài giếng vào nhà, làm ruộng vẫn còn được”, ông tự hào nói.

Năm 20 tuổi, Khổng Mù lập gia đình, rồi quyết định chọn nghề lái bò để kiếm thêm thu nhập. Có lẽ trời thương nên phú cho ông khả năng chọn bò. Mỗi lần thấy Khổng Mù đến chợ bò Tà Ngáo, ai cũng nể. Theo một lái bò lâu năm ở đây, chỉ cần nghe tiếng bước đi là Khổng Mù biết con bò đó dùng để kéo hay làm thịt. Ông còn biết xem “tướng” bò bằng cách sờ, vỗ lưng. Khổng Mù bật mí cách chọn bò: “Muốn tìm bò kéo giỏi hoặc để đua phải chọn giống bò lai, dáng thon gọn, sừng nhọn và hướng nhẹ về phía trước. Quan trọng nhất là phải xem xoáy và móng bò. Nếu là bò tốt, trên lưng có 3 xoáy (giống xoáy ngựa), 2 bên mang tai có thêm 2 xoáy nữa; còn móng bò phải thật khít vào nhau”.

Bà Nguyễn Thị Lệ, vợ ông, tâm sự: “Hai vợ chồng tôi có 2 con trai. Tích cóp hơn 10 năm qua mua được 7 công ruộng và đang nuôi 7 con bò lớn nhỏ. Cuộc sống giờ đây đã ổn định, vợ chồng tôi giao lại ruộng rẫy cho con canh tác, ổng thì vẫn muốn theo nghề lái bò”.

Quyết Thắng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.