Kỷ niệm Cứu quốc quân: Một trận tao ngộ chiến

29/12/2021 10:32 GMT+7

Tháng 11 năm 1941. Đồng chí Cam đưa anh Chính về xuôi hồi cuối tháng 9, lại lên Chiến khu Tràng Xá.

Cùng đi với đồng chí Cam có một đồng chí cán bộ Xứ ủy. Ban chỉ huy Cứu quốc quân phân công đồng chí cán bộ mới được phái lên tăng cường cho phong trào, chuyên trách công tác binh vận.

Từ đó, những truyền đơn, biểu ngữ đủ các loại được làm ra cho mọi thứ lính địch: lính ở xuôi, lính ngược, dõng, lính Tây, rồi lính xuôi cũng chia ra các đơn vị ở Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Móng Cái..., rồi lính từ các tỉnh Trung Kỳ, lính Tây Nguyên. Khi quần chúng nhân dân báo có loại lính nào là chúng tôi đã có ngay loại truyền đơn thích hợp để rải trên đường chúng đi, đưa tận tay hoặc bỏ cả vào túi quần cho chúng bằng những bàn tay bí mật.

Nội dung những truyền đơn đều nói rõ cho họ hiểu: “Chúng tôi không phải là giặc cỏ; chúng tôi chống lại đế quốc Pháp và phát-xít Nhật để giải phóng nước nhà, để có cơm no áo ấm cho mọi người, để không bị ai đè nén, áp bức, bóc lột”.

Chúng tôi chỉ rõ: “Nhật là bọn đã bắt cha mẹ, vợ con các anh nhổ lúa trồng đay cho chúng. Cha mẹ, vợ con các anh phải chịu đói, chịu khát. Hãy quay súng bắn lại bọn chỉ huy nếu có điều kiện. Không có điều kiện, bắt buộc phải nổ súng thì bắn chỉ thiên. Hai bên không bắn nhau!”. Truyền đơn còn nhắc họ nhớ đến làng quê của họ: “Các anh đi đốt nhà, cướp phá ở đây, ức hiếp nhân dân thì ở làng xóm quê các anh, cha mẹ, vợ con các anh có thoát được cảnh tương tự không? Gây oán thì chuốc lấy oán! Gây thù thì chuốc lấy thù! Các anh hãy ngẫm cho kỹ!”.

Bọn lính ở Nam Định lên bị “Cộng sản cảm hóa”, chùn tay không bắn giết thì bọn chỉ huy đổi họ đi nơi khác, rồi điều lính mới ở nơi khác đến. Truyền đơn liền bay tới kêu gọi: “Các anh nên bắt chước anh em binh lính ở Nam Định. Không ức hiếp nhân dân. Hai bên không bắn nhau...”. Cứ thế, Cứu quốc quân vừa đánh vừa tuyên truyền, vận động, thuyết phục binh lính địch.

*

* *

Trên đường Mỏ Mủng - một thung lũng nhỏ - một buổi sáng mùa đông. Một tiểu đội Cứu quốc quân gồm Hà Châm, Hà Mạnh Tài, Sơn, Hòa, Cường... do Châm và Hòa chỉ huy vừa đi công tác vận động quần chúng vừa phân ra từng tổ đi lấy lương thực cho toàn đội. Nhân dân ở vùng gần đồn Nà Lẹng mất một con trâu. Họ đi tìm hai ngày nay không thấy. Bọn mật thám tung tin “Cộng sản lấy trâu đi thịt” để làm xấu Cứu quốc quân, chia rẽ giữa nhân dân và quân cách mạng.

Thượng tướng Chu Văn Tấn tháp tùng Hồ Chủ tịch thăm Bảo tàng Việt Bắc

TƯ LIỆU KHẢI MÔNG

Tổ của Hà Mạnh và Hòa nghe dân nói thế, quyết đi tìm trâu cho dân. Đến gần một cái lò vôi, hai đồng chí nghe thấy một vài tiếng “nghé... ọ...” yếu ớt. Đi đến tận nơi, nhìn thấy một con trâu tụt xuống đó. Hai người không sao lôi được trâu lên. Chung quanh đấy không có ai hết, mà vào làng lúc này, giữa ban ngày thì không được vì ở đấy có một trại tập trung có cả lính dõng và mật thám, lính khố xanh. Anh em bàn nhau viết mấy chữ vào một mảnh giấy, kẹp vào cái que cắm ở gần Nà Lẹng: “Có trâu ai rơi xuống lò vôi. Đến mà cho nó ra”. Rồi lại ra đi làm nhiệm vụ.

Địch thường đi tuần trên đường Tràng Xá - Hương Bá. Dạo này, chắc có cái gì đột biến nên tụi nó đi đông hơn và tăng cường đi luôn.

Tiểu đội Cứu quốc quân đi công tác trở về vừa qua khỏi đường cái thì chạm trán với một đại đội địch. Địch nổ súng luôn. Dù đang ở thế bất lợi, lực lượng ta ít hơn địch, anh em đã nhanh chóng vừa bắn lại vừa tìm cách rút khỏi nơi nguy hiểm. Hà Mạnh nhằm bắn từng thằng, nói gằn :

- Chúng mày ăn hết ngần này đạn, tao mới chịu!

Tiếng đạn nổ rất đanh. Mỗi lần Hà Mạnh bóp cò súng là một tên địch gục xuống. Cái anh chàng thanh niên 23 tuổi, tính tình sôi nổi này rất xốc vác, được anh em trong tiểu đội rất mến. Chủ tâm của Mạnh lúc này là bắn để anh em rút an toàn. Với khẩu súng Dóp 5 và năm chục viên đạn trong túi, Hà Mạnh đã kiềm chế được cả một đại đội địch: chúng hoảng sợ khi thấy hơn chục tên đồng bọn, thằng bị bắn vỡ sọ, thằng bị đạn xuyên thủng ngực, máu me lênh láng cả trên mặt đường. Chúng định xông bừa vào bắt sống “tên giặc cỏ lợi hại”. Nhưng thò thằng nào, Mạnh bắn đổ thằng ấy.Không làm gì nổi Mạnh, bọn sống sót đổ thêm một loạt đạn nữa rồi vội vã khiêng nhau rút chạy.

Tiểu đội Hà Châm lạc nhau lúc đó nhưng rồi chiếu theo hướng cơ quan vẫn về được đầy đủ, chỉ thiếu có mỗi đồng chí Hà Mạnh. Anh em đoán là Mạnh chỉ vào chỗ hẹn công tác. Chúng tôi bảo nhau: “Ở đây cách chỗ ấy có năm, sáu cây số, không có lý gì Mạnh không tìm về được. Mạnh chỉ tạt vào đâu đây thôi”. Mọi người bổ đi tìm. Ra đến đường Mỏ Mủng, tìm chung quanh chỗ xảy ra trận tao ngộ chiến vừa qua, không thấy một dấu vết gì. Đi đi lại lại tới ba, bốn lần quãng đường đó, đến thuộc từng ngọn cỏ, bụi cây, nhưng không làm sao thấy được người bạn chiến đấu của mình! Anh em đi vào xóm Mạnh hẹn đến công tác, cũng không thấy tăm hơi!

Năm, sáu ngày sau, dân đưa tin ra là có thấy một thanh niên súng khoác qua vai, hai nách kẹp hai cây, chết ở trong rừng, bà con đã chôn cốt tử tế.

Chúng tôi hình dung ra được Hà Mạnh sau trận đánh đã bị thương nặng: anh khoác súng chéo trên lưng, dùng tay bẻ cây, kẹp vào nách, lết từng bước vào sâu trong rừng tránh một cuộc bao vây mới của địch, rồi tìm đường về đơn vị. Song vết thương của anh đã ra quá nhiều máu... (còn tiếp)

(Trích hồi ký Kỷ niệm Cứu quốc quân, NXB Lao động)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.