Xử lý mạnh buôn lậu, hàng giả

10/04/2015 10:26 GMT+7

Đó chính là đòi hỏi bức thiết trước thực trạng buôn lậu, gian lận thương mại gia tăng, được các đại biểu tham gia cuộc tọa đàm trực tuyến về hoạt động này đưa ra bàn luận.

Đó chính là đòi hỏi bức thiết trước thực trạng buôn lậu, gian lận thương mại gia tăng, được các đại biểu tham gia cuộc tọa đàm trực tuyến về hoạt động này đưa ra bàn luận.
Lực lượng chức năng kiểm tra một cơ sở nghi kinh doanh hàng giả - Ảnh: Lê Dũng
Tọa đàm có sự tham gia của Ban Chỉ đạo quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389), Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương), Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan)..., đã phân tích khá kỹ những điểm mạnh yếu của mặt trận này.
Chỉ 11/23.000 vụ chuyển điều tra truy tố
Ông Nguyễn Văn Cẩn, Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo 389, cho rằng năm 2014 là năm “cuộc chiến” chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả diễn ra rất quyết liệt, tất cả các lực lượng chức năng đã bắt giữ hơn 23.000 vụ, trong đó hàng trăm vụ có quy mô lớn, tính chất nghiêm trọng khác hẳn các năm trước. “Nhưng có thể nói, kết quả vẫn chưa như chúng tôi mong muốn vì một số lực lượng, kể cả chính quyền một số địa phương chưa tích cực vào cuộc. Chúng ta vẫn có thể thấy, hàng giả còn bán nhiều ở các thị trường trung tâm, còn lưu thông phổ biến ở nhiều nơi”, ông Cẩn nói. Theo ông, nhiều doanh nghiệp (DN) có sản phẩm bị làm giả, các hiệp hội về chống hàng giả, người tiêu dùng (NTD) chưa tích cực tham gia, phối hợp ở nhiều địa phương để ngăn chặn.
Ông Nguyễn Trọng Tín, Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường, cho rằng trong tổng số vụ việc thì con số 21.000 vụ buôn bán hàng giả là không hề nhỏ. “Trên 4.000 vụ về rượu bia; 439.000 sản phẩm giải khát, mỹ phẩm giả; 70.000 sản phẩm vải vóc, quần áo; 30 tấn bột ngọt, 25 tấn phân bón, vật tư nông nghiệp… nếu không bị phát hiện, thu giữ, chúng gây tai hại đến sản xuất thế nào? Nhưng chỉ có 11 vụ chuyển cơ quan điều tra truy tố”, ông Tín cho biết.
Theo ông Nguyễn Văn Cẩn, việc quy định vụ bắt hàng giả giá trị 30 triệu đồng trở lên mới truy tố cũng cần phải xem xét.
Bởi có những vụ nghiêm trọng như vụ làm bao bì giả cho 8 tấn mì chính vừa qua, vẫn xử lý hành chính trong khi lẽ ra phải truy tố.
Ông Trần Đức Vĩnh, Cục Cảnh sát kinh tế (C46) Bộ Công an, cho rằng nhiều vụ chưa xử lý hình sự mà chỉ xử hành chính chủ yếu có vướng mắc về luật pháp. Như khái niệm hàng giả đến giờ có nhiều văn bản định nghĩa khác nhau nên các cơ quan thực thi hiểu khác nhau, căn cứ theo luật chưa đầy đủ. Cũng theo ông Vĩnh, phương tiện đấu tranh cũng là vấn đề, như thiếu thiết bị giám định, xác định hàng giả...
“Nhiều nơi cả xã tham gia...”
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Bảo vệ NTD, cho rằng nạn buôn lậu, làm giả hiện nay vẫn rất nghiêm trọng. NTD đang phải đối mặt mê cung vàng thau lẫn lộn, nhẹ là thiệt hại kinh tế, nặng thì thiệt mạng. Năm 2014 có 1.500 vụ khiếu nại của NTD về hàng giả thì 44% liên quan đến chất lượng hàng hóa, bảo hành, còn lại là thực phẩm, dịch vụ điện nước, chuyển phát nhanh... “Nhưng con số này chưa phản ánh đúng thực tế. Tôi nghĩ thiệt hại của NTD lớn hơn nhiều lần. Vấn đề là nhiều NTD bị xâm hại đã không gõ cửa cơ quan chức năng”, ông Hùng nói.
Theo ông Nguyễn Trọng Tín, quý 1 năm nay đã có thêm 4.000 vụ buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả bị xử lý. Hiện đã có sự phân định rõ ràng hơn trong trách nhiệm quản lý giữa các lực lượng chức năng, nhưng đến thời điểm này vẫn gặp khó khăn về nhân lực, phương tiện. “Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị Chính phủ hoàn thiện thể chế, cùng các bộ tìm ra xung đột trong văn bản pháp luật. Tới đây sẽ sửa cho thống nhất quy định về hàng giả. Chúng tôi cũng đã tập hợp, kiến nghị xử lý các hành vi hiện quy định xử phạt còn quá nhẹ, không đủ sức răn đe”, ông Tín nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hùng Anh, Phó cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan), cho rằng lượng hàng lậu vào nội địa quá lớn do có những bất cập trong quy định về nhãn hàng hóa và chế tài. “Tại Nghị định 89/NĐ-CP, việc hướng dẫn kiểm soát hàng hóa chưa rõ nhưng lại không có công văn hướng dẫn. Người nhập không ghi đủ trên nhãn cũng bị phạt, sau này cho phép ghi bổ sung lại tạo kẽ hở cho thông tin giả mạo”, ông Hùng Anh nói, đồng thời cho rằng quy định về nhãn hàng, xuất xứ quá đơn giản nên sau khi nhập hàng vào, chủ hàng chỉ cần bóc nhãn ra, thay nhãn VN vào là bán được hàng. Rõ ràng, từ khâu nhập khẩu, hải quan đã không có cơ sở pháp lý xử lý sai phạm. Cũng theo ông này, hiện nay, nhiều nơi vẫn lợi dụng chính sách cho cư dân biên giới mua hàng miễn thuế 2 triệu đồng/lần xuất, nhập cảnh nên dẫn tới tình trạng “nhiều nơi cả xã tham gia mua bán gây khó khăn cho công tác kiểm soát”.
Đại diện Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cho biết thời gian tới sẽ có nhiều sửa đổi trong chính sách chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, có nhiều chính sách xử lý mạnh như quy định hàng hóa từ biên giới về nội địa không có hóa đơn sẽ coi như hàng lậu chứ không chờ xác minh 72 tiếng như trước đây…
Liên tục bắt 3 vụ buôn lậu trên QL9
Khoảng 13 giờ 30 ngày 9.4, Chi cục Hải quan khu thương mại Lao Bảo phối hợp lực lượng biên phòng Trạm kiểm soát Tân Hợp (H.Hướng Hóa, Quảng Trị) kiểm tra xe khách BKS 74B-000.68 do ông Nguyễn Thế Hải (P.5, TP.Đông Hà) điều khiển trên QL9 hướng Lao Bảo - Đông Hà, phát hiện trên xe 4.296 lon bia, 48 chai rượu ngoại nhập lậu, trị giá khoảng 81 triệu đồng. Toàn bộ số hàng hóa trên được cất giấu trong các hầm gia cố ở sàn xe, trần xe và không có giấy tờ hợp lệ.
Tiếp tục kiểm tra ô tô BKS 74B-001.99 do Lê Văn Hùng (trú thôn Tân Xuyên, xã Tân Hợp, H.Hướng Hóa) điều khiển, cơ quan chức năng phát hiện 40 máy xay sinh tố nhập lậu trị giá 40 triệu đồng. 30 phút sau, ô tô khách BKS Lào UN-0379 do Trần Thế Lưu (trú xã Lộc Bổn, H.Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế) điều khiển bị cơ quan chức năng lập biên bản, tạm giữ 1,3 mét khối gỗ lậu được ngụy trang dưới lớp than củi trị giá 20 triệu đồng.
Nguyễn Phúc
Thêm 80 đường mòn hàng giả vào nội địa
Ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả, cho rằng việc chống buôn lậu ngày càng khó, trước đó có 40 đường mòn, hiện đã lên tới 120 đường mòn. Muốn chống buôn lậu, hàng giả thì vai trò của DN và các hiệp hội DN phải cao, vì “không ai hiểu hàng giả, hàng lậu hơn DN: lối vào, khối lượng... nhưng thực sự, sự tham gia, hợp tác với cơ quan nhà nước từ phía DN là yếu”, ông Bảo nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.