'Xin' phân bổ lỗ tỷ giá vào giá điện

05/09/2015 06:33 GMT+7

Trả lời câu hỏi của PV Thanh Niên về việc các Tập đoàn điện lực VN (EVN), Tập đoàn than - khoáng sản VN (TKV) kêu lỗ do biến động tỷ giá và xin phân bổ vào giá điện, ông Đinh Thế Phúc, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực thuộc bộ này, cho biết: “Chúng tôi đã yêu cầu các doanh nghiệp (DN) tính toán kỹ, nếu có chênh lệch lớn, Bộ Công thương sẽ trao đổi, thảo luận với Bộ Tài chính để xem xét xử lý”.

Hôm qua (4.9), tại cuộc họp báo của Bộ Công thương, trả lời câu hỏi của PV Thanh Niên về việc các Tập đoàn điện lực VN (EVN), Tập đoàn than - khoáng sản VN (TKV) kêu lỗ do biến động tỷ giá và xin phân bổ vào giá điện, ông Đinh Thế Phúc, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực thuộc bộ này, cho biết: “Chúng tôi đã yêu cầu các doanh nghiệp (DN) tính toán kỹ, nếu có chênh lệch lớn, Bộ Công thương sẽ trao đổi, thảo luận với Bộ Tài chính để xem xét xử lý”.

'Xin' phân bổ lỗ tỷ giá vào giá điệnViệc bù lỗ tỷ giá vào giá điện sẽ đẩy thêm gánh nặng về phía người dân - Ảnh: Bạch Dương
Lỗ tỷ giá nhiều tỉ đồng
Theo ông Phúc, thời gian qua các DN thuộc các tập đoàn trên đầu tư, sản xuất điện có những hợp đồng vay ngoại tệ mua vật tư, nguyên liệu thì đều bị ảnh hưởng do biến động tỷ giá. Có mặt tại cuộc họp báo, lãnh đạo các tập đoàn này đã đồng loạt kêu lỗ vì thay đổi tỷ giá, với số lỗ lên tới hàng ngàn tỉ đồng. Ông Vũ Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc TKV, cho biết riêng khâu sản xuất điện, chênh lệch tỷ giá tính đến nay đã khiến TKV lỗ khoảng 1.200 tỉ đồng. Không đưa con số cụ thể, nhưng theo ông Ngô Sơn Hải, Phó tổng giám đốc EVN, mức lỗ của EVN do thay đổi, chênh lệch tỷ giá có thể gấp hơn chục lần con số “thiệt hại” của TKV.
Phó tổng giám đốc PVN Ninh Văn Quỳnh cũng cho biết hiện PVN phải vay lượng lớn ngoại tệ để thực hiện các dự án lớn, nên việc điều chỉnh tỷ giá đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh.
Thêm khó cho dân và nền kinh tế
Việc một số tập đoàn xin phân bổ lỗ tỷ giá vào giá điện, nhiều chuyên gia kinh tế, tài chính cho rằng “không ổn”. Theo chuyên gia kinh tế tài chính - TS Nguyễn Trí Hiếu, việc điều chỉnh tỷ giá đến nay đã hơn 5% ảnh hưởng đến nhiều ngành, DN có vay ngoại tệ, chứ không riêng ngành than và khoáng sản. Vấn đề ở đây là chiến lược quản lý rủi ro của DN như thế nào? DN đầu tư kinh doanh phải lường trước những rủi ro, phòng chống thế nào và kế hoạch dự trù chứ không thể để rơi vào tình trạng bị động để kêu lỗ và xin bù vào giá thành được. “Nếu DN nào cũng làm như TKV thì mọi mặt hàng sản xuất có liên quan đến mua nguyên vật liệu bằng ngoại tệ, có vay ngoại tệ... đều có quyền đòi tăng giá. Như vậy, thiếu công bằng cho người dân quá, đồng thời sẽ không ổn cho nền kinh tế. Càng không ổn hơn khi các DN đang tăng tốc vào vụ sản xuất cho những đơn hàng quý cuối cùng của năm, giá điện tăng do bù chênh lệch tỷ giá, sẽ khiến ngành sản xuất bị ảnh hưởng rất lớn”, TS Hiếu nói và cho rằng: “DN nên tìm mọi cách có thể để khắc phục tình trạng khó khăn này”.
Về lâu dài, TS Hiếu cho rằng ngay từ đầu năm, biên độ nới tỷ giá Ngân hàng Nhà nước đưa ra là 2%, tức kế hoạch rủi ro của DN phải cho đó là mức rủi ro thấp nhất cho DN của mình. Với dự báo này, DN cần có kế hoạch, ký hợp đồng mua bán ngoại tệ với ngân hàng ít nhất trong 3 - 6 tháng tới. “Theo đó, khi có biến động tỷ giá, các ngân hàng vẫn phải bán ngoại tệ cho DN với mức theo thỏa thuận từ 3 - 6 tháng trước”, ông Hiếu phân tích.
Một số chuyên gia khác khuyến cáo cần xem kỹ báo cáo tài chính của TKV và có giải pháp dài hơi chứ không thể vì một DN than lỗ làm ảnh hưởng đến DN các ngành hàng khác. Chuyên gia kinh tế - TS Ngô Trí Long cho rằng: “Việc nới biên độ tỷ giá chỉ mới xảy ra trong tháng 8, trong khi ngành than kêu lỗ từ trước đó rất lâu. Con số lỗ 1.200 tỉ đồng là do TKV báo cáo, việc rà soát để có chiến lược dài hơi trong giá điện cần tham khảo nhiều ý kiến góp ý của các bộ ngành khác nhau chứ không riêng một bộ quyết định”. Đồng quan điểm này, chuyên gia kinh tế tài chính Bùi Kiến Thành băn khoăn: “Theo tôi, than vẫn được bán theo nhiều giá, theo nhiều đối tượng khác nhau. Ngành điện vẫn còn được bao cấp, tức ngành than phải bán theo giá bao cấp trong chừng mực nào đó, bao nhiêu phần trăm than sản xuất được bán cho ngành điện, bao nhiêu dành cho xuất khẩu theo giá thị trường, bao nhiêu phần trăm xuất theo tiểu ngạch kiểu thuận mua vừa bán? Những vấn đề cần tách bạch rõ ràng chứ không thể đánh đồng trong một rổ lỗ 1.200 tỉ đồng rồi kêu “bù lỗ” vào giá thành điện được. Bởi một lượng lớn than khoáng sản đang được xuất tiểu ngạch mà ngay các cơ quan chức năng vẫn không kiểm soát hết, không thể “ngắt ngọn” để người dân phải chịu thiệt bằng cách tăng giá điện được”.
Sắp trình Thủ tướng biểu giá điện mới
Về việc xây dựng lại biểu giá điện theo chỉ đạo trước đó của Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng, tại buổi họp báo ông Đinh Thế Phúc cho biết theo quy định hiện hành biểu giá điện sẽ do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. “Vừa qua, sau khi có ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công thương về phương án biểu giá bán lẻ, trong tháng 8 EVN đã báo cáo lãnh đạo Bộ. Trong tháng 9 này, Cục Điều tiết điện lực sẽ tổ chức hội thảo ở cả 3 miền, lấy ý kiến rộng rãi chuyên gia, doanh nghiệp, người dân để tính toán biểu giá thế nào, sau đó hoàn thiện, báo cáo Bộ Công thương trong tháng 10. Từ đó, chúng tôi sẽ tính toán phương án trình Thủ tướng quyết định”, ông Phúc nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.