Xem xét gia hạn, cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho DN gặp khó

22/11/2011 13:41 GMT+7

(TNO) Trả lời chất vấn ĐBQH, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình cho biết Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng xem xét gia hạn nợ, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay… đối với các DN đang gặp khó khăn, chưa trả được nợ, lãi.

(TNO) Trả lời chất vấn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình cho biết Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng xem xét gia hạn nợ, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay… đối với các doanh nghiệp (DN) đang gặp khó khăn, chưa trả được nợ, lãi.

Trong văn bản chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, ĐBQH Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) nhận xét, hiện nay các hệ thống ngân hàng thương mại của ta quá nhiều so với các nước trong khu vực, các ngân hàng hoạt động chưa lành mạnh, chạy đua lãi suất, làm cho thị trường vốn ảnh hưởng rất lớn. DN rất khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay để ổn định và phát triển sản xuất.

Ông Đồng đề nghị Thống đốc Ngân hàng cho biết thời gian tới có những giải pháp cấp bách gì để giải quyết những vấn đề nêu trên, để tái cấu trúc lại hệ thống ngân hàng thương mại và tạo điều kiện cho DN và ngân hàng cùng đồng hành phát triển.

Trả lời chất vấn của ĐB về vấn đề trên, Thống đốc Nguyễn Văn Bình trình bày quan điểm, mục tiêu của quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng và cho biết, quá trình cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng được thực hiện qua 3 giai đoạn, gồm: bảo đảm khả năng chi trả của từng tổ chức tín dụng và của cả hệ thống; cơ cấu lại tổ chức tín dụng yếu kém theo phương án được duyệt; bán, sáp nhập, hợp nhất tổ chức tín dụng.

So với cuối tháng 8, lãi suất cho vay đã giảm 1 - 2%

Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, thực tế hiện nay, lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu phổ biến ở mức 17 - 19%/năm và phổ biến ở mức thấp nhất là 15%/năm; lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất khác phổ biến ở mức 18 - 21%/năm và mức thấp nhất là 17%/năm, giảm khoảng 1 - 2%/năm so với cuối tháng 8.2011.

Trong quá trình đó, Ngân hàng Nhà nước cũng thực hiện các giải pháp hỗ trợ cơ cấu lại các tổ chức tín dụng như tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả thanh tra, giám sát ngân hàng; phối hợp đồng bộ quá trình cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng với cơ cấu lại hệ thống DN, đặc biệt trong vấn đề xử lý tài chính, nợ giữa các tổ chức tín dụng và DN…

Theo ông Bình, hiện Ngân hàng Nhà nước “đang tập trung giám sát chặt chẽ các ngân hàng hoạt động yếu kém và xây dựng phương án xử lý đối với từng ngân hàng này. Đồng thời chỉ đạo các ngân hàng thương mại nhà nước và ngân hàng TMCP lớn hỗ trợ các ngân hàng này trong việc đảm bảo thanh khoản và xây dựng phương án tái cấu trúc”.

“Những bước đi đầu tiên của quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng đang được ngành ngân hàng triển khai thận trọng và đảm bảo an toàn”, Thống đốc nhấn mạnh.

Trước câu hỏi của ĐB về việc làm thế nào tạo điều kiện cho DN và ngân hàng đồng hành phát triển, ông Bình cho biết, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục triển khai các biện pháp nhằm giảm mặt bằng lãi suất cho vay, trong đó có biện pháp điều chỉnh giảm trần lãi suất huy động vốn bằng VNĐ nếu lạm phát tiếp tục xu hướng giảm và tình hình thanh khoản của hệ thống ngân hàng được cải thiện.

Giải pháp khác là tăng cường thanh tra, giám sát việc chấp hành quy định trần lãi suất huy động trong toàn hệ thống tổ chức tín dụng và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm.

Đáng chú ý, Ngân hàng Nhà nước “sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng xem xét gia hạn nợ, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay… đối với các DN đang gặp khó khăn, chưa trả được nợ, lãi”.

Tuy nhiên, ông Bình lưu ý, “trong bối cảnh nợ xấu đang có xu hướng gia tăng, việc lựa chọn khách hàng đủ điều kiện để cho vay, gia hạn, cơ cấu lại thời hạn trả nợ… là cần thiết để hạn chế rủi ro, góp phần nâng cao chất lượng tín dụng và đảm bảo an toàn của hệ thống ngân hàng”.

Nguyệt Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.