Xây dựng kiểu... trời ơi!

14/05/2015 15:34 GMT+7

Tại Quảng Trị, đi đến đâu cũng bắt gặp những dự án xây dựng rất... trời ơi, gây lãng phí, trong khi đây là tỉnh nghèo của miền Trung.

Tại Quảng Trị, đi đến đâu cũng bắt gặp những dự án xây dựng rất... trời ơi, gây lãng phí, trong khi đây là tỉnh nghèo của miền Trung.

Hiện trường vụ sập công trình chợ Nam Đông (xã Gio Sơn, H.Gio Linh, Quảng Trị) ngày 8.2

Điệp khúc xây mãi không xong

Các công trình thi công dang dở tại Quảng Trị phổ biến tới mức, hầu như huyện nào cũng có dăm cái thuộc lĩnh vực cơ sở hạ tầng như: cầu, đường, trường, trạm... Tại H.Triệu Phong, đơn cử có 2 công trình “Trường TH-THCS xã Triệu Thượng” và “Cầu An Mô”, dù có 2 chủ đầu tư khác nhau (lần lượt là UBND H.Triệu Phong và BQL dự án đầu tư và xây dựng giao thông, thuộc Sở GTVT) và các nhà thầu khác nhau nhưng lại có điểm chung là... xây mãi không xong.

Khởi công từ năm 2010 với kinh phí gần 10 tỉ đồng nhưng đến nay ngôi trường bề thế với 2 dãy nhà cao tầng này vẫn trống hoác. Có mặt tại đây những ngày tháng 4, PV Thanh Niên ghi nhận, công trình không có dấu hiệu của việc thi công... Tìm hiểu mới biết, ban đầu công trình do Công ty CP Hoàng Mai thi công, cam kết hoàn thành trong 2 năm. Nhưng đến năm 2013, công ty này “quất ngựa truy phong”, vứt lại ngôi trường ngổn ngang gạch vữa. Đến năm 2014, Công ty Mạnh Quỳnh thế chân nhưng cũng làm ì ạch, bữa làm bữa nghĩ.

Ông Nguyễn Đức Vọng, Chủ tịch UBND xã Triệu Thượng cho biết đã hơn 4 năm, công trình trầy trật mãi làm người dân địa phương kêu trời, xã cũng kêu lên huyện, lên tỉnh nhưng đâu lại vào đấy. “Xã Triệu Thượng chia tách cách đây 8 năm và đó cũng là thời gian con em xã nhà phải đi học nhờ các trường ở TX.Quảng Trị. Thi công kiểu này thì 400 em học sinh còn đi học nhờ dài dài”, ông Vọng cảm thán.

Đang xây thì... sập

Sáng 8.2, Công ty CP xây dựng số 5 (trụ sở H.Cam Lộ, Quảng Trị) thực hiện đổ sàn bê tông (tổng khối lượng 350 tấn) cho công trình chợ Nam Đông (xã Gio Sơn, H.Gio Linh) thì đến 15 giờ cùng ngày sàn bất ngờ đổ sập. Lúc xảy ra sự cố, có gần 100 người đang làm việc tại công trình, rất may không ai bị thương. Đây là dự án do UBND H.Gio Linh làm chủ đầu tư, tổng kinh phí 9 tỉ đồng. Sau khi vụ việc xảy ra, cơ quan công an cũng đã có cuộc điều tra vụ việc. UBND H.Gio Linh sau đó cũng đã kiểm điểm trách nhiệm các cá nhân liên quan và chấm dứt hợp đồng với đơn vị tư vấn giám sát công trình...

Tương tự, dự án cầu An Mô cũng đã tạm dừng không rõ lý do. Đáng nói, ngay bên cạnh chiếc cầu mới dang dở, người dân hằng ngày vẫn phải di chuyển trên chiếc cầu cũ, xập xệ, xuống cấp nghiêm trọng... Cây cầu này bắc qua sông Thạch Hãn nối thị trấn Ái Tử với xã Triệu Long (H.Triệu Phong) có tổng mức đầu tư gần 70 tỉ đồng, khởi công tháng 11.2012, thời gian thi công chỉ 24 tháng, nhưng hiện tại công trường không thấy một bóng công nhân nào làm việc dù nhiều hạng mục (đường dẫn 2 bên cầu, lan can, cột đèn...) còn đang... nằm trên giấy.

Để làm rõ, PV Thanh Niên đã cố gắng liên hệ với ông Nguyễn Hữu Anh, Phó giám đốc kiêm người phát ngôn Sở GTVT Quảng Trị và ông Lê Văn Liên, Phó BQL dự án đầu tư và xây dựng giao thông (Sở GTVT Quảng Trị) nhưng đều bị từ chối khéo.

Tại H.Gio Linh, cũng có công trình trụ sở UBND xã Vĩnh Trường rất... lạ, khi suốt 2 năm nay không thấy “nhúc nhích” gì. Được biết, đây là công trình do UBND H.Gio Linh làm chủ đầu tư, khởi công đầu năm 2012 với kinh phí gần 3 tỉ đồng, quy mô 2 tầng... Cán bộ UBND xã này ngán ngẩm khi phải chen chúc trong trụ sở cũ xuống cấp, mưa thì dột nước trong khi trụ sở mới đang bị cỏ vây quanh, nhiều hạng mục hư hỏng chỉ là điều sớm muộn.

“Công trình này giờ đang nan giải lắm. Kinh phí xây dựng công trình là vốn hỗ trợ từ Trung ương chứ có phải vốn của tỉnh, của huyện đâu. Chúng tôi cũng phải đi “kêu” đây...”, ông Trần Ngọc Lân, Chủ tịch UBND H.Gio Linh phân bua.

Khôi hài chuyện chờ tiền tài trợ

Nhưng trớ trêu nhất là đối với dự án xây dựng Trạm xá xã Triệu Lăng (H.Triệu Phong, Quảng Trị) bởi trạm xá mới hiện đang nằm trên... giấy mà trạm xá cũ đã bị đập bỏ. Giải thích về cái sự “cầm đèn chạy trước ô tô” này, BS Lê Thủ Đô, trạm trưởng cho hay trạm xá cũ được xây năm 2000... dù đã xuống cấp nhưng vẫn còn gắng sử dụng được. Đến đầu năm 2014, tỉnh có chủ trương xây trạm xá mới (quy mô 2 tầng, 16 phòng), giao UBND H.Triệu Phong làm chủ đầu với kinh phí 3 tỉ đồng từ nguồn hỗ trợ của Ngân hàng TMCP Công thương VN. Ngày 19.3.2014, UBND tỉnh Quảng Trị cũng đã có quyết định phân bổ vốn... “Thấy mọi việc đã đâu vào đấy nên ngày 12.5.2014, Trung tâm Y tế huyện yêu cầu trạm và địa phương cho nhân công phá bỏ trạm xá cũ để lấy mặt bằng xây dựng trạm xá mới... Nào ngờ gần cả năm rồi mà vẫn không có tiền”, BS Đô trần tình một việc hết sức khôi hài mà ít ai có thể nghĩ ra trong quy trình, thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản!

Cũng theo BS Đô, vì không còn trụ sở nên toàn bộ phòng dược, phòng khám, phòng lưu bệnh (chỉ còn duy nhất 1 cái giường), phòng siêu âm, phòng hồ sô... đều bị “nhét” vào 1 phòng rộng 30m2. “Tuy vậy, chúng tôi vẫn phải lo khám, chữa bệnh cho 5.380 hộ dân trong xã này, mỗi ngày đón khoảng 50 người bệnh đến khám. Cũng vì phòng sinh đã đập nên tất cả các sản phụ đau đẻ đều phải vượt 24 km để lên bệnh viện huyện chứ không thể đẻ ở trạm như trước đây”, BS Đô phân trần.

Cùng quan điểm, ông Trần Mai Son, Chủ tịch UBND xã Triệu Lăng lo lắng rằng: “Giờ thì chưa có gì nhưng lỡ dịch bệnh xảy ra mà trạm xá thế này thì phải làm sao?”. Cũng theo ông Son do tình trạng “chưa xây đã vội đập” kéo dài, vừa rồi Sở Y tế, UBND huyện đã về làm việc với xã để bàn phương án tháo gỡ nhưng gặp bế tắc do địa phương nghèo không thể huy động sức dân trong khi nhà tài trợ vẫn chưa xuất tiền.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.