Xả vàng, giá vẫn tăng

12/10/2011 00:58 GMT+7

Thêm 2 ngân hàng được bán vàng can thiệp thị trường nhưng giá vàng trong nước hôm qua đã tăng mạnh tới hơn 400.000 đồng/lượng.

Khoảng cách giữa vàng trong nước và thế giới lại được kéo lên hơn 1 triệu đồng/lượng bất chấp Ngân hàng Nhà nước (NHNN) áp dụng giải pháp "xả hàng kéo giá".

 
Giá vàng trong nước đã tăng trở lại - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Sẽ phải nhập vàng?

Với việc tăng mạnh trở lại trong phiên hôm qua, giá vàng trong nước hiện cao hơn giá thế giới trên 1 triệu đồng/lượng. Mức cao nhất trong phiên hôm qua là 1,5 triệu đồng/lượng.

Như vậy, sau khi cung ứng cả chục tấn vàng ra thị trường, giá vàng trong nước vẫn duy trì chênh lệch với giá vàng thế giới ở mức cao như nói trên và xu hướng này đang được dự báo sẽ còn tiếp diễn. Một lượng vàng lớn được tung ra thị trường nhưng hiệu quả không có. Các đơn vị tham gia cũng chưa có cơ hội để mua lại vàng trong nước với giá thấp để duy trì nguồn vàng bình ổn. Câu hỏi đặt ra là, điều gì xảy ra nếu giá vàng trên thế giới vẫn tiếp tục tăng và sức mua trong nước vẫn cao như hiện nay?

Câu trả lời đã có. Đó là tiếp tục đẩy mạnh bán vàng ra. Minh chứng cụ thể là NHNN bổ sung thêm 2 đơn vị được phép bán vàng ra thị trường, thể hiện quyết tâm xả vàng kéo giá đến cùng. Đến lúc đó, chúng ta sẽ buộc phải cho nhập khẩu lượng vàng mà các đơn vị này đã mua trên tài khoản. Đồng nghĩa với việc, một khoản ngoại tệ rất lớn sẽ được xuất đi. Trong bối cảnh cầu ngoại tệ gia tăng trong dịp cuối năm, khả năng xuất ngoại tệ, nhập vàng sẽ áp lực mạnh lên tỷ giá. 

Không cần chờ lâu, hôm qua, tỷ giá trên thị trường đã tăng khá mạnh. Tỷ giá tăng, một phần do NHNN điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng nhưng không thể loại trừ tác động từ việc những NHTM được phép bán vàng huy động gom ngoại tệ để ký quỹ vàng tài khoản.

Hai cuộc cạnh tranh mới

Cuộc cạnh tranh đầu tiên là cạnh tranh lãi suất huy động vàng. Ngay sau khi NHNN cho phép một số đơn vị bán vàng ra thị trường, nhiều NHTM đã chính thức lao vào cuộc đua huy động lãi suất huy động vàng.

Từ mức 0,5% - 1%/năm, lãi suất huy động vàng ở nhiều NH đã được đẩy lên mức 1,5%; 2%. Điều này nghe có vẻ nghịch lý vì trừ 7 NHTM được NHNN cho phép bán vàng, các NH còn lại không được phép bán ra, họ tăng lãi suất huy động vàng vì lý do gì?

Nhìn lại diễn biến thị trường có thể thấy, việc đẩy mạnh huy động vàng của các NH là để "đón gió" cơ hội kiếm lời khủng. Bởi mới chỉ có 6 tấn vàng bán ra nhóm "5+1" đã lãi trên 200 tỉ đồng (như Thanh Niên ngày 10.10 đã có bài phân tích). Hôm qua, tiếp tục thêm 2 NH được đưa vào danh sách này. Đương nhiên, tất cả các NH còn lại trong hệ thống đều có quyền hy vọng cũng như sẽ tìm mọi cách được tham gia vào danh sách bình ổn giá vàng để kiếm lời lớn như nhóm đang thực hiện. Vì vậy, họ đẩy mạnh lãi suất huy động vàng, chờ thời cơ cũng là điều dễ hiểu.

Như vậy, sau cuộc đua lãi suất tiền đồng, lãi suất USD mà NHNN đã phải áp trần để dẹp loạn, cuộc đua lãi suất huy động vàng đã được khởi động và rất có thể sẽ dẫn đến cao trào. Một trần lãi suất cho vàng là điều có thể dự báo nếu chúng ta không tính ngay từ lúc này. 

Cuộc cạnh tranh thứ 2 là để được đưa vào danh sách các đơn vị được phép bán vàng ra thị trường trong hệ thống NH. Bởi ngoài chuyện được lời khủng như đã phân tích thì với các NH yếu thanh khoản, việc được phép bán vàng còn giúp họ có thêm một khoản tiền lớn để bổ sung nguồn vốn đang cạn kiệt. Cụ thể, huy động vàng, được bán vàng ra để có tiền đồng (VND), ngoài dùng một phần mua USD ký quỹ nước ngoài để mua vàng tài khoản, phần lớn còn lại là VND. Có nghĩa là huy động vàng có thể biến thành VND thay vì khó khăn khi huy động VND với lãi suất trần như hiện nay. Trong khi không hề có một tiêu chí, điều kiện nào trong việc lựa chọn các NHTM được phép bán vàng ra thị trường. Hoàn toàn có thể khẳng định, sẽ có một cuộc chạy đua để được tham gia vào danh sách này trong hệ thống NHTM.

Bán vàng bình ổn nhưng phải có chênh lệch dương. Các NHTM sẽ không bán vàng ra nếu không có chênh lệch dương. Còn với mức lợi nhuận lớn từ việc bán vàng bình ổn như hiện nay, dư luận hoàn toàn có thể đặt nghi vấn về việc bắt tay nhau duy trì mức chênh lệch cao để kiếm lời của các đơn vị được tham gia bán vàng bình ổn. Điều này cho thấy giá vàng trong nước khó có thể về sát với giá thế giới. Như vậy NHNN đã đặt mình vào vị thế yếu trong việc cung ứng ngoại tệ để nhập khẩu vàng sau này.

Giá vàng, USD cùng tăng

Ngày 11.10, Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC công bố giá vàng miếng tăng trên 400.000  đồng/lượng so với ngày 10.10. Giá mua - bán vàng ở mức 43,4 - 43,72 triệu đồng/lượng, mức cao nhất trong ngày 43,6 - 43,9 triệu đồng/lượng. Lực mua vàng trên thị trường vẫn cao nên giá vàng trong nước kéo khoảng cách cao hơn giá thế giới lên 1 triệu đồng/lượng. Trong khoảng 3 - 4 ngày qua, lực mua vàng trên thị trường trên 10 tấn vàng.

Giá vàng ngày 11.10 bị tác động bởi giá USD tăng. NHNN Việt Nam điều chỉnh tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng thêm 15 đồng/USD so với ngày 10.10, lên 20.668 đồng/USD. So với đầu tháng 10, tỷ giá bình quân liên ngân hàng hiện tăng thêm 40 đồng/USD. Các ngân hàng thương mại điều chỉnh giá mua bán USD tăng thêm 15 đồng/USD, giá mua bán USD lên 20.855 - 20.875 đồng/USD. Giá USD trên thị trường liên ngân hàng tăng 190 đồng/USD, lên 21.340 đồng/USD. Giá USD tự do chạy theo sát giá USD trên thị trường liên ngân hàng.

T.Xuân

Nguyên Hằng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.