Việt Nam đang “xuất khẩu giùm”

22/04/2013 04:51 GMT+7

Việt Nam đang trở thành nước "xuất khẩu giùm" khi các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đang chiếm đến 2/3 tổng kim ngạch xuất khẩu.

Việt Nam đang trở thành nước "xuất khẩu giùm" khi các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đang chiếm đến 2/3 tổng kim ngạch xuất khẩu.

Nhóm hàng công nghiệp chế biến đang có tốc độ tăng trưởng nhanh, quý 1 năm nay tỷ trọng nhóm hàng này tăng từ 63,3% lên 69,7% tổng kim ngạch xuất khẩu (XK) của VN. Nhưng tăng trưởng này chủ yếu do sự đóng góp của các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Cụ thể, mặt hàng máy ảnh và máy quay phim các DN này chiếm 100%, điện thoại và linh kiện 98% (phần lớn là của Samsung), máy tính và linh kiện 96,5%, phương tiện vận tải và phụ tùng 93%...

Ngay những ngành có hàm lượng công nghệ thấp, vốn đầu tư ít như dệt may, giày dép thì các DN FDI cũng áp đảo với khoảng 60 - 70%. Đơn cử, nếu như năm 2005 XK hàng dệt may của DN FDI chỉ đạt 2,14 tỉ USD, chiếm tỷ trọng 44% thì đến năm 2012 đạt trên 9 tỉ USD, chiếm tỷ trọng 59,8%. Ở ngành giày dép, nếu như các năm trước khối DN FDI chiếm tỷ trọng trên 70% thì đến năm 2012 con số này đã tăng đến 76,6%.

Việt Nam đang “xuất khẩu giùm”
Xuất khẩu của doanh nghiệp FDI năm 2012 chiếm tỷ trọng 59,8% ở ngành dệt may - Ảnh: D.Đ.Minh

Trong một hội thảo gần đây, ông Trần Thanh Hải, Phó vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), cho biết năm 2012 xuất siêu thực tế lên tới 748 triệu USD và khối DN FDI đóng góp đến 2/3 vào số kim ngạch này. Quý 1/2013, VN tiếp tục kéo dài chuỗi xuất siêu 482 triệu USD. Tuy nhiên, khối các DN FDI xuất siêu hơn 3,1 tỉ USD, còn khối các DN trong nước lại đang nhập siêu hơn 2,6 tỉ USD. Điều này cho thấy sự tăng trưởng XK của VN chủ yếu chỉ dựa trên sự tăng trưởng XK của khối DN FDI.

Nhận xét về con số trên, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen, lo lắng: “Nền kinh tế của chúng ta chỉ để cung cấp nhân công cho họ. Chúng ta đang XK giùm cho các nước khác, bởi hầu hết lợi nhuận đều sẽ chuyển ra nước ngoài và đây là vấn đề rất lớn của nền kinh tế trong dài hạn. Nếu không có những biện pháp ngay từ bây giờ thì với đà tăng trưởng này, tỷ trọng XK của các DN FDI sẽ tăng lên 3/4 hay 4/5 và điều đó có nghĩa là toàn bộ tích lũy của chúng ta sẽ chuyển qua nước ngoài hết”.

Chuyên gia kinh tế Phan Thế Ruệ cũng cảnh báo, trước đây các DN FDI chỉ chiếm 30% trong tổng kim ngạch XK của VN, nhưng trong những năm gần đây cán cân đã nghiêng dần về họ và giờ các DN này chiếm tới 62%. "Thời kỳ đầu, họ vào VN và hứa sản xuất hàng để XK (tư liệu của VN, vốn và công nghệ của họ). Sau này mình mở cửa thị trường quá nhanh thì họ lại chuyển sang nhập khẩu vào để gia công, lắp ráp rồi XK. Xu hướng này sẽ tăng đến khi nào họ nhập hàng vào gia công, lắp ráp mà lợi nhuận từ XK bão hòa thì mới dừng lại”, ông Ruệ nói.

Việt Nam đang “xuất khẩu giùm”
Tỷ trọng xuất khẩu theo các loại hình của hàng dệt may năm 2012 - Ảnh: Tổng cục Hải quan

Tổ chức lại sản xuất trong nước

Theo ông Trần Thanh Hải, các DN của chúng ta đang bị yếu thế hơn DN FDI. “Đây là điều mà chúng ta rất đáng phải suy nghĩ, dĩ nhiên không phải bằng cặp mắt phân biệt gì cả. Cần phải nhìn nhận để biết chúng ta ở đâu, cần phải làm như thế nào để bám đuổi và song hành cùng với họ”, ông Hải nói.

Đưa ra giải pháp cụ thể cho ngành mình, ông Phạm Xuân Hồng, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may VN, cho rằng ngành may phải thay đổi phương thức làm, từ gia công sang sản xuất bán thành phẩm rồi đến thiết kế sản xuất ra thành phẩm. “Phải khai thác nguyên phụ liệu trong nước và liên kết với nhau cùng làm. Có như vậy mới từng bước cải thiện giá trị”, ông Hồng nhấn mạnh. Còn theo chuyên gia Phan Thế Ruệ, các DN trong nước phải mạnh lên, đặc biệt về khả năng tiếp cận thị trường và xúc tiến thương mại: “Phải tổ chức lại sản xuất trong nước, không thể để DN VN sản xuất cạnh tranh lẫn nhau ngay cả trong thị trường VN. Một số những mặt hàng cần bảo hộ thì phải củng cố lưu thông trong nước và phải có một hàng rào kỹ thuật để giúp các DN trong nước tự vệ”.

DN Việt không “lớn nổi” !

Theo báo cáo của Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI), VN hiện có trên 694.000 DN được thành lập. Tuy nhiên, tính đến tháng 4.2013, chỉ còn 312.600 đang hoạt động và 2/3 trong số đó không thể lớn nổi, thậm chí có xu hướng nhỏ đi về quy mô. Cụ thể, qua theo dõi trên 4.600 DN có quy mô siêu nhỏ từ năm 2002, VCCI cho biết đến năm 2011 có đến 2/3 vẫn giữ nguyên quy mô; trong 1/3 còn lại chỉ có trên 30% phát triển được lên quy mô nhỏ, số có thể vươn lên quy mô vừa và lớn không đáng kể, chỉ trên 2%. Tính đến nay đã có hơn 58.000 DN phá sản.

Anh Vũ

Chí Nhân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.