Vẻ đẹp của giá cả - Kỳ 2 : 'Dịu dàng' giá lúa

17/11/2014 22:18 GMT+7

(TNO) Từ 'phép lạ' mà ông Ludwig Erhard đã làm ở Tây Đức, hẳn nhiều người đặt vấn đề: Tự do hóa giá cả ích nước lợi dân như vậy thì tại sao Nhà nước của nhiều quốc gia chịu không làm? Xin thưa, như nhận xét của nhà kinh tế học Hayek mà chúng tôi đề cập ở phần trước: 'Không bao giờ có thể đạt được những gì mà ông (Erhard) đã làm nếu phải chịu những ràng buộc quan liêu hay dân chủ'.


Thu hoạch lúa - Ảnh: Diệp Đức Minh

>> Vẻ đẹp của giá cả - Kỳ 1: Một 'phép lạ

Những nỗ lực trong thời kỳ trước và trong đổi mới trên lĩnh vực nông nghiệp ở nước ta là một ví dụ dễ thấy. Từ việc “khoán chui” của ông Kim Ngọc đến việc ông Võ Văn Kiệt bật đèn xanh cho bà Ba Thi xé rào mua lúa gạo về bán cho dân thành phố đều là những việc tốt nhưng bất hợp pháp và phạm vào chủ trương đường lối của Đảng, phải đấu tranh tháo gỡ rất là lâu về cơ chế, về luật lệ mới dần dần “hợp pháp hóa” được. Tổng bí thư Lê Duẩn là người ủng hộ khoán sản phẩm trong nông nghiệp từ trước những năm 1980, có lẽ đó là lý do vì sao ông Kim Ngọc không bị kỷ luật mà chỉ bị “kiểm điểm”, nhưng bộ máy lãnh đạo chưa có đủ đa số để sớm có một chủ trương mạnh. Vì vậy đến năm 1981, Ban Bí thư mới ra Chỉ thị số 100-CT/TW, cho phép áp dụng chế độ khoán sản phẩm trong nông nghiệp cả nước (thường gọi là khoán 100). Khoán 100 mặc dù là một chủ trương nửa vời, chưa giao đất cho hộ nông dân, chưa coi hộ nông dân là một đơn vị sản xuất, nhưng chỉ riêng các sản phẩm vượt khoán được tự do bán ra thị trường đã kích hoạt mạnh mẽ sản xuất nông nghiệp.

Khoán 100 diễn ra nửa vời vì nó vẫn vận hành theo cơ chế tập trung quan liêu. Thị trường lúa gạo hay bất cứ thị trường hàng hóa gì cũng không thể vận hành trong cơ chế đó. Nhưng chuyển toàn bộ nền kinh tế sang cơ chế thị trường hoàn toàn không dễ, dù Trung Quốc là nước đi trước đã bắt đầu thực hiện thành công. Cuộc tổng điều chỉnh giá - lương - tiền hồi năm 1985 thường được coi là một sai lầm nghiêm trọng, nhưng lịch sử cho thấy chính sự “sai lầm nghiêm trọng” này là cái giá phải trả để tạo sự đồng thuận thúc đẩy cải cách mạnh mẽ và triệt để hơn.

Vào đầu những năm 1980, ông Chín Cần (cựu Phó thủ tướng, lúc đó là Bí thư Tỉnh ủy Long An) lần đầu tiên thử nghiệm việc bù giá vào lương, đã kích hoạt được sản xuất và khai thông thị trường ở tỉnh Long An, nhưng khi mở rộng ra cả nước với cuộc tổng điều chỉnh giá - lương - tiền thì gặp họa. Việc tính đúng, tính đủ giá cả đầu vào của sản xuất, việc xóa chế độ tem phiếu và nâng mức lương lên tương ứng với giá cả hàng hóa trên thị trường khiến cho toàn bộ lượng tiền lưu thông không đủ, buộc phải in thêm tiền, nhưng lúc đó nước ta không in được tiền nên phải áp dụng mệnh giá cao (để đỡ chi phí thuê nước ngoài in) dẫn đến việc đổi tiền… Tất cả các giải pháp đó vẫn được vận hành trong cơ chế tập trung quan liêu, đã tạo ra những rối loạn không ai lường trước và không thể kiểm soát được. Nền kinh tế rơi vào khủng hoảng trầm trọng. Tin xấu về cuộc khủng hoảng được truyền qua giá cả, với mức lạm phát 3 chữ số và lên tới đỉnh 774,7% vào năm 1986. Chính trong năm này đã diễn ra Đại hội Đảng lần thứ 6, cơ chế tập trung quan liêu bao cấp bị xóa bỏ để chuyển toàn bộ nền kinh tế sang cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.  Những tín hiệu tốt lại được truyền đi qua giá cả : lạm phát giảm mạnh còn hai con số vào năm 1989 và xuống còn 1 con số vào năm 1993.

Lịch sử cho thấy đổi mới toàn diện bắt đầu từ đổi mới trong nông nghiệp là bước đi hoàn toàn đúng hướng.  Sau khi cơ chế thị trường được xác lập, vào tháng 4.1988 Bộ Chính trị mới có cơ sở thực tiễn để ra Nghị quyết số 10 (thường gọi là khoán 10), thẳng thắn chỉ rõ sai lầm của mô hình hợp tác xã nông nghiệp, công nhận sự tồn tại của kinh tế tư nhân cá thể, giao đất lâu dài và coi hộ nông dân là đơn vị kinh tế tự chủ. Cũng theo đó mà toàn bộ nông phẩm làm ra, sau khi nộp thuế cho nhà nước, người nông dân được toàn quyền làm chủ, giá cả đầu vào và đầu ra đều thực hiện “thuận mua vừa bán”. Nghị quyết 10 thực sự là một “phép lạ”. Chỉ 1 năm sau, nước ta từ chỗ thiếu ăn đã làm ra 21,5 triệu tấn lương thực và lần đầu tiên xuất khẩu 1,2 triệu tấn gạo . Từ cái đà của “phép lạ” khoán 10 mà ngày nay cả nước đã làm ra 49,3 triệu tấn lương thực có hạt, trong đó có hơn 44 triệu tấn lúa (năm 2013). Hơn 10 năm trước, giữa lúc Đồng bằng sông Cửu Long được mùa được giá, tôi nghe nhà báo Huỳnh Kim (Thời báo Kinh tế Sài Gòn) kể một câu chuyện vui:  Có bác nông dân mang túi tiền lên Sài Gòn vào một cửa hàng xe máy: “Nè chị, bán cho tôi một chiếc Honda”. Cô bán hàng nhìn bác nông dân từ đầu đến chân: “Bác có đủ tiền không mà mua xe?”. Định mua một chiếc, nhưng nghe câu hỏi khinh người, bác nói: “Bán luôn cho tôi 10 chiếc”. Rồi trả đủ tiền lấy 10 chiếc Honda gọi con cháu lên mang về.

Từ ngày đổi mới đến nay giá lúa gạo dù lúc lên lúc xuống (do quan hệ cung cầu), dù lắm khi bị chèn bên này bị ép bên kia (do cơ chế thị trường chưa hoàn thiện), nhưng về căn bản vẫn giữ được vẻ đẹp “dịu dàng” của nó, cái vẻ đẹp làm nên sự no lành và đẩy lùi dần tình trạng đói nghèo lam lũ.

Ngày nay không phải từ sự chỉ đạo của Nhà nước mà chính là giá nông sản mách bảo người nông dân biết phải trồng cây gì nuôi con gì. Mọi sự can thiệp vào giá nông sản, kể cả việc mua lúa tạm trữ để “bình ổn giá”, đều không những không đem lại kết quả như mong đợi mà còn tạo ra sự lên xuống giả tạo của giá cả, gây bất lợi cho việc tự định hướng sản xuất của người nông dân.


Thu hoạch lúa ở An Giang - Ảnh: Nguyễn Huỳnh

Cũng cần nói thêm về đầu cơ. Bộ luật Hình sự năm 1985 quy định: “Người nào mua vét hàng hóa, lương thực, vật tư, các loại tem phiếu, vé, giấy tờ có giá trị phân phối hàng hóa, lương thực, vật tư hoặc cung ứng dịch vụ nhằm bán lại để thu lợi bất chính thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm”. Điều luật đó ra đời trong bối cảnh “đêm trước” đổi mới, khi cơ chế thị trường chưa được xác lập, việc hình sự hóa để chống nạn đầu cơ như quy định trên là điều dễ hiểu. Tuy nhiên hầu như chưa có vụ án “đầu cơ” nào được đem ra xét xử. Còn trong cơ chế thị trường, đầu cơ là hoạt động kinh tế bình thường, bởi vậy Bộ luật Hình sự năm 2000 thực tế đã xóa bỏ tội đầu cơ (trừ 3 tình huống đặc biệt là thiên tai, dịch bệnh và chiến tranh) khi quy định: “Người nào lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh mua vét hàng hoá có số lượng lớn nhằm bán lại thu lợi bất chính gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm” (điều 160). Nhưng không hiểu vì lý do gì mà vào năm 2009 điều 160 đã được sửa đổi thành: “Người nào lợi dụng tình hình khan hiếm  hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế mua vét hàng hoá có số lượng lớn nhằm bán lại thu lợi bất chính gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm  năm”. Thêm cụm từ “tình hình khó khăn về kinh tế” thực chất là quay trở lại hình sự hóa hoạt động đầu cơ, vì khó mà thống nhất xác định được nội hàm của cụm từ này, hơn nữa trong mấy chục năm qua và chắc là trong nhiều chục năm tới, không chỉ ở nước ta mà ở bất cứ nước nào trên thế giới cũng không thể nói là không có “tình hình khó khăn về kinh tế”. Có thể là sẽ không có vụ án nào xét xử tội đầu cơ, nhưng việc hình sự hóa một hoạt động kinh doanh bình thường trong cơ chế thị trường là một bước thụt lùi trong tư duy kinh tế của các nhà lập pháp. (còn tiếp)

Hoàng Hải Vân

>> Giá lúa vẫn thấp sau khi mua tạm trữ 130.000 tấn gạo
>> Mất ngủ vì giá lúa
>> Giá lúa, gạo cao nhất từ đầu năm đến nay
>> Giá lúa tăng nhờ mua tạm trữ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.