VAMC không thể ‘xử’ được hết nợ xấu

27/07/2013 03:29 GMT+7

Công ty quản lý tài sản không phải là cây đũa thần và cũng không thể kỳ vọng một mình nó có thể xử lý được hết nợ xấu của cả nền kinh tế.

Công ty quản lý tài sản không phải là cây đũa thần và cũng không thể kỳ vọng một mình nó có thể xử lý được hết nợ xấu của cả nền kinh tế.

Đó là khẳng định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, cũng như nhiều lãnh đạo ngân hàng thương mại khi tham dự lễ khai trương công ty này ngày hôm qua (26.7).

VAMC không thể ‘xử’ được hết nợ xấu
Ông Nguyễn Hữu Thủy

Tại lễ khai trương, ông Nguyễn Hữu Thủy - Tổng giám đốc Công ty quản lý tài sản (VAMC) đã dành cho báo chí một cuộc phỏng vấn.

VAMC hoạt động với vốn điều lệ chỉ 500 tỉ đồng, nhưng mục tiêu năm nay như Thống đốc tuyên bố sẽ xử lý 40.000 - 70.000 tỉ đồng, như vậy có quá sức không?

Vốn điều lệ đối với hoạt động của VAMC hay bất kỳ một tổ chức tín dụng (TCTD) nào đó là những hệ số để đảm bảo an toàn. VAMC còn thông qua phát hành trái phiếu đặc biệt, đó là một cách để huy động vốn trong cả ngắn hạn và trung hạn. Việc phát hành trái phiếu, chúng ta không phải trường hợp duy nhất mà nhiều nước cũng đã sử dụng nó để giải quyết nợ xấu.

Vừa rồi chúng tôi sang Malaysia tìm hiểu, họ cũng phát hành trái phiếu và giải quyết được nợ xấu từ 1998 đến 2005. Tất nhiên trái phiếu của Việt Nam có đặc thù riêng nhưng chúng tôi tin tưởng đây là công cụ tốt để VAMC đi vào hoạt động thuận lợi. Tuy nhiên, hoạt động của VAMC không chỉ nằm ở vốn, mà ở sự đồng thuận của hệ thống các cấp quản lý, chính quyền địa phương và đặc biệt là các TCTD.

Như vậy mục tiêu xử lý 40.000 - 70.000 tỉ đồng nợ xấu sẽ khả thi?

Đối với VAMC, hiện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chuẩn bị các cơ chế rất rõ ràng, đầy đủ. Bộ máy thu nhận những người có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực xử lý nợ xấu và tín dụng của các ngân hàng (NH) thương mại. Như vậy, khi đi vào hoạt động, VAMC hoàn toàn có thể làm được các chỉ tiêu theo chỉ đạo của Thống đốc.

VAMC không thể ‘xử’ được hết nợ xấu
Việc xử lý nợ xấu để các ngân hàng thương mại nhẹ gánh nhằm phục vụ các doanh nghiệp tốt hơn - Ảnh: Ngọc Thắng

Theo quy định, TCTD có nợ xấu trên 3% trên tổng dư nợ phải bán lại nợ cho VAMC. Nếu các NH không chịu, VAMC có cách nào để ép các NH bán lại?

Chúng tôi kỳ vọng không phải ép, bởi đây là nhiệm vụ lớn của cả nền kinh tế, việc xử lý nợ xấu để các NH thương mại nhẹ gánh, nhằm phục vụ các doanh nghiệp (DN) tốt hơn. Tôi nghĩ, không chỉ TCTD có nợ xấu trên 3%, các TCTD khác cũng có thể đến thảo luận, chúng tôi sẵn sàng tiếp đón để mua bán nợ.

Nhiều ý kiến cho rằng, khó khăn nhất của VAMC là việc xác định giá để mua lại nợ?

VAMC mua nợ theo 2 hình thức, thứ nhất mua theo giá trị sổ sách và thông qua phát hành trái phiếu đặc biệt; thứ hai là mua theo giá thị trường. Trước mắt chúng tôi đang hoạch định từ giờ đến cuối năm tập trung mua theo giá trị sổ sách và phát hành trái phiếu đặc biệt. Sau đó, khi đầy đủ điều kiện sẽ mua theo giá thị trường.

Tổng giám đốc VPBank Nguyễn Đức Vinh: Bất cứ NH nào cũng muốn bán nợ dứt điểm, nhận tiền ngay

VAMC ra đời thời điểm này là hết sức thuận lợi đối với các NH thương mại, nó sẽ giúp các NH thương mại đẩy nhanh giải quyết nợ, qua đó tiếp tục cấp tín dụng cho các DN sản xuất, kinh doanh. Hiện nay nợ xấu của VPBank đang nằm trong giới hạn an toàn, chiếm dưới 3% tổng dư nợ, tuy nhiên thời gian qua chúng tôi cũng đã chuẩn bị hồ sơ, tiếp xúc với lãnh đạo của VAMC để thương thảo, xúc tiến việc mua bán nợ. Bất cứ NH nào cũng muốn bán nợ dứt điểm rồi nhận tiền ngay, nhưng còn tùy thuộc vào điều kiện của từng món mà theo tôi VAMC sẽ có cách xử lý mua bằng tiền hay phát hành trái phiếu đặc biệt. Trước mắt, VPBank sẽ xúc tiến đẩy nhanh mua bán nợ với VAMC tại thị trường, khu vực phía bắc, các món nợ có thanh khoản, để nhanh chóng giải quyết nợ, hỗ trợ các DN.

TS Cấn Văn Lực, Phó TGĐ BIDV kiêm Giám đốc Trường đào tạo BIDV: VAMC sẽ gặp không ít khó khăn

 VAMC sẽ gặp không ít khó khăn vì nợ xấu của Việt Nam khác với các nước do tập trung khá nhiều tại các DN nhà nước, lĩnh vực bất động sản, ngoài ra tài sản đảm bảo rất phức tạp. Việc mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt, nghĩa là một cách ghi nợ từ NH sang VAMC, nên nó chưa thể xử lý dứt điểm ngay nợ xấu trên bảng cân đối tài sản của các NH, nợ xấu sẽ vẫn bị tồn đọng, kéo theo các NH thận trọng cho vay ra đối với DN. VAMC có cơ chế mở hơn, cho mua bán nợ theo giá trị sổ sách và giá thị trường, nhưng bán theo thị trường có nhiều ràng buộc và định giá không đơn giản. Đặc biệt, món nợ của DN nhà nước, do tư tưởng các DN này không muốn mất tài sản nhà nước, nên lẽ ra bán 50 đồng, nhưng phải đẩy lên 90 đồng, khi bán cao như vậy sẽ không ai mua cả.

TS Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh (BDI): Phải cảnh giác lạm phát

VAMC khi đi vào hoạt động sẽ chỉ áp dụng 2 hình thức xử lý nợ xấu: mua theo giá thị trường bằng tiền hoặc bằng trái phiếu đặc biệt. VAMC có thể lựa chọn trong số nợ xấu khoản nào mua đứt bán đoạn nhanh thì bán theo giá thị trường bằng tiền mặt. Còn khoản nào có vấn đề thì mua bằng trái phiếu đặc biệt, tuy nhiên, việc xử lý nợ xấu này bản chất là dùng tiền tệ, nên NHNN vừa bơm tiền vừa phải cảnh giác lạm phát. Vì thế, thời gian xử lý nợ xấu có thể kéo dài từ 3 đến 5 năm, nghĩa là tín dụng sẽ tăng trưởng thấp trong một thời gian dài, bất động sản cũng phục hồi chậm hơn… đây cái giá chúng ta phải trả và phải chấp nhận vì mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô.

Ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng Bưu điện Liên Việt: Mũi tên trúng nhiều đích

VAMC là mô hình không mới, Thụy Điển, Nhật Bản… đã vượt qua khủng hoảng với mô hình này, nhưng với Việt Nam việc Chính phủ, NHNN sử dụng trái phiếu đặc biệt để xử lý là sáng kiến mới khá hiệu quả, phù hợp với điều kiện, tình hình hiện nay. Bởi thực tế VAMC không có đủ nguồn vốn bằng tiền để mua dứt khoát các khoản nợ, thực chất của mua bằng trái phiếu là việc mua bán nợ có kỳ hạn 5 năm, hết 5 năm nếu chưa thu hồi được, các TCTD phải mua lại và thanh toán tiền cho VAMC. Đây là mũi tên trúng nhiều đích, bởi nó tháo gỡ được khó khăn trước mắt cho cả nền kinh tế, tạo điều kiện cho các DN thoát ra khỏi khủng hoảng. Tuy nhiên, cũng không nên quá kỳ vọng vào một mình VAMC, bởi nó chỉ là một công cụ và để xử lý hết nợ xấu cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Anh Vũ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.