Ủy ban Đối ngoại Quốc hội thẩm tra việc gia nhập WTO

23/11/2006 23:57 GMT+7

Để chuẩn bị cho việc Quốc hội sẽ xem xét tờ trình của Chủ tịch nước đề nghị phê chuẩn Nghị định thư Việt Nam gia nhập WTO vào ngày 28.11 tới, tối qua, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội đã họp phiên toàn thể để thẩm tra những cam kết của Việt Nam cũng như những vấn đề hậu WTO. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tham dự phiên họp.

Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển cho biết, mặc dù việc giảm thuế nhập khẩu theo cam kết WTO dẫn đến giảm thu ngân sách nhưng sẽ không gây biến động lớn. Bởi tổng thu từ thuế nhập khẩu hiện nay chỉ chiếm khoảng 9% tổng thu ngân sách; số lượng các mặt hàng giảm thuế chỉ chiếm 20% tổng kim ngạch nhập khẩu hằng năm. "Ngoài ra, việc giảm thuế lại được thực hiện theo lộ trình bình quân 5 năm nên theo ước tính sơ bộ, thu từ thuế nhập khẩu sẽ chỉ giảm khoảng trên dưới 2.000 tỉ/năm, tức là chưa đến 1% tổng thu ngân sách", ông Tuyển nói. Thứ ba, việc gia nhập WTO, sản xuất-kinh doanh sẽ phát triển, xuất khẩu cũng sẽ tăng, những nguồn thu mới sẽ được tạo ra và do đó quy mô của ngân sách cũng tăng theo.

Cũng theo Bộ trưởng Tuyển, Việt Nam vẫn áp dụng một số biện pháp hạn chế nhập khẩu như chỉ đồng ý cho nhập khẩu xe máy phân khối lớn không muộn hơn ngày 31.5.2007; đồng ý bỏ biện pháp cấm nhập thuốc lá điếu và xì-gà kể từ thời điểm gia nhập nhưng sẽ chỉ có 1 doanh nghiệp nhà nước được quyền nhập khẩu toàn bộ thuốc lá điếu và xì-gà. Việt Nam cũng chỉ cam kết cho phép nhập khẩu các loại xe ô tô đã qua sử dụng không quá 5 năm.

Tuy nhiên, đứng trên "lợi ích của đa số người dân", Ủy ban Đối ngoại lại không hoàn toàn đồng tình với các biện pháp hạn chế nhập khẩu. Trong dự thảo báo cáo thẩm tra, Ủy ban này nêu rõ: "Chúng tôi thấy rằng, cam kết về mức thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng như xe tải nguyên chiếc là khá cao mà lộ trình cắt giảm thuế tương đối dài; trong khi đó mức thuế nhập khẩu phụ tùng xe tải lại thấp", "cần phải xử lý tốt mối quan hệ giữa bảo hộ sản xuất trong nước với hàng nhập khẩu có chất lượng tốt, giá thành hạ phục vụ lợi ích của đa số nhân dân". Báo cáo thẩm tra cũng đề nghị Chính phủ rút ngắn thời gian bảo hộ, tạo sự cạnh tranh lành mạnh và có lợi cho người tiêu dùng.

Cũng theo Ủy ban Đối ngoại thì cam kết vẫn còn nhiều hạn chế trong việc mở cửa thị trường dịch vụ và Chính phủ sẽ phải giải trình kỹ về vấn đề này. Chẳng hạn về viễn thông, yêu cầu đối tác nước ngoài trong liên doanh chỉ được góp vốn với tỷ lệ 49% sẽ không khuyến khích được đầu tư vào lĩnh vực này; cũng có vấn đề tương tự với ngành ngân hàng (nước ngoài chỉ được phép mua tối đa 30% cổ phần).

Việc cam kết không áp dụng trợ cấp xuất khẩu đối với nông sản từ thời điểm gia nhập WTO khiến nhiều người lo lắng nông nghiệp và nông dân sẽ chịu thiệt thòi. Và càng lo lắng khi mà sản xuất nông nghiệp của Việt Nam vẫn là nền sản xuất nhỏ, phân tán, năng suất và chất lượng thấp. Tuy nhiên, Bộ trưởng Trương Đình Tuyển khẳng định: "Điều này có thể ảnh hưởng tới nông nghiệp nhưng tác động tiếp đến nông dân là không lớn do đối tượng được hưởng trợ cấp xuất khẩu từ trước tới nay tuyệt đại đa số là doanh nghiệp, trợ cấp này có mang lại lợi ích trực tiếp cho nông dân hay không cũng chưa có điều kiện để khẳng định". Ngoài ra, theo Bộ trưởng Tuyển, đối với các loại hỗ trợ mà WTO quy định phải cắt giảm như hỗ trợ lãi suất để thu mua nông sản, hỗ trợ dưới hình thức quy định giá sàn cho nông sản... Việt Nam vẫn duy trì được ở mức không quá 10% giá trị sản lượng; các loại trợ cấp mang tính khuyến nông (như hỗ trợ thủy lợi) là trợ cấp "xanh" hay trợ cấp phục vụ phát triển nông nghiệp, được WTO cho phép nên có thể áp dụng không hạn chế.

T.N

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.