Tư nhân phải là 'đầu tàu' tăng trưởng

04/10/2015 06:10 GMT+7

Kinh tế tư nhân là động lực phát triển của nền kinh tế nhưng cộng đồng doanh nhân cần đoàn kết đấu tranh với tiêu cực, xây dựng môi trường tự do bình đẳng trong kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh.

Kinh tế tư nhân là động lực phát triển của nền kinh tế nhưng cộng đồng doanh nhân cần đoàn kết đấu tranh với tiêu cực, xây dựng môi trường tự do bình đẳng trong kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh.

GS-TS Nguyễn Xuân Thắng cùng các chuyên gia chia sẻ tại hội nghị - Ảnh: P.HGS-TS Nguyễn Xuân Thắng cùng các chuyên gia chia sẻ tại hội nghị - Ảnh: P.H
Đó là chia sẻ của các chuyên gia kinh tế, doanh nhân tại hội thảo có chủ đề: Động lực phát triển kinh tế tư nhân, trong khuôn khổ lễ trao giải thưởng Sao vàng Đất Việt năm 2015, do T.Ư Hội Doanh nhân trẻ VN tổ chức ngày 3.10, tại Hà Nội.
Kỳ vọng thế hệ thanh niên khởi nghiệp
Đại diện phía DN, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần ô tô Trường Hải, cũng chia sẻ về kỳ vọng vào thế hệ thanh niên khởi nghiệp trở thành doanh nhân ngày nay biết quên đi những lợi thế trong bối cảnh chưa hội nhập, để xác định cạnh tranh với nước ngoài bằng trình độ tri thức, khoa học công nghệ. Cũng theo ông Trần Bá Dương, chỉ có đấu tranh, nói không với các hiện tượng để xây dựng môi trường kinh doanh thực sự lành mạnh mới có thể tạo ra cho đất nước thế hệ doanh nhân mới dám sống đúng, sống thật và làm thật thì mới có thể hội nhập với thế giới.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại công nghiệp VN (VCCI) nhìn nhận, kinh tế tư nhân đang trở thành từ khóa trong các chủ trương, chính sách phát triển nền kinh tế. Nếu ví nền kinh tế đất nước như một con tàu thì kinh tế tư nhân là đầu máy kéo dẫn dắt cả đoàn tàu. Đây cũng là bài học thành công ở nhiều cường quốc trên thế giới, kinh tế tư nhân luôn là động lực, vai trò dẫn dắt sự phát triển toàn bộ nền kinh tế.
TS Nguyễn Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách chiến lược (Bộ NN-PTNT), cho rằng động lực phát triển kinh tế tư nhân phải bắt nguồn từ chính ý chí, lòng tự tôn dân tộc của mỗi doanh nhân. Theo ông Sơn, nông nghiệp có quá nhiều cơ hội nhưng doanh nghiệp (DN) đầu tư vào lĩnh vực này đạt tỷ lệ thấp khiến nó đang là mảnh đất màu mỡ của các công ty đa quốc gia. “DN tư nhân hãy đầu tư vào nông nghiệp, gia tăng hàm lượng khoa học, công nghệ trong ngành này, nếu để rơi vào tay các công ty đa quốc gia, trở thành nền nông nghiệp gia công thì giá trị gia tăng của đất nước không còn nữa”, ông Sơn kêu gọi.
Trong khi đó, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư, phân tích yếu tố rủi ro, mạo hiểm khiến DN khó đầu tư lâu dài là từ chính sách. Vì luật đã được Quốc hội ban hành nhưng để đi vào cuộc sống, phải kèm theo là hàng nghìn văn bản hướng dẫn, chưa kể liên tục thay đổi.
“Họ lúc nào cũng phải thủ phong bì khi đến cơ quan nhà nước vì không biết mình làm đúng sai ra sao giữa rừng văn bản hướng dẫn thi hành pháp luật. Cộng đồng kinh tế tư nhân phải đoàn kết thành khối thống nhất, có đạo đức kinh doanh đúng luật, tự tin nói không với phong bì, liên tục kiến nghị để có những đổi mới trong chính sách, xây dựng được môi trường giúp DN tự do kinh doanh trong khuôn khổ pháp luật, chứ không trông chờ vào cơ chế xin cho như hiện nay”, ông Cung nói.
GS-TS Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội VN, bày tỏ quan điểm, nếu không phát triển kinh tế tư nhân thì không thể có nền kinh tế thị trường. Trong thời đại hội nhập, nhà nước có vai trò đặt ra khuôn khổ pháp lý giúp DN tư nhân phát triển trên chính đôi chân của mình.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.