Tràn lan phụ gia độc hại

08/04/2015 09:00 GMT+7

Nhu cầu sử dụng phụ gia trong chế biến thực phẩm đang ngày một tăng cao. Tận dụng cơ hội này, những hóa chất độc hại với giá rẻ cũng tràn ngập thị trường, gây tổn hại sức khỏe người tiêu dùng.

Nhu cầu sử dụng phụ gia trong chế biến thực phẩm đang ngày một tăng cao. Tận dụng cơ hội này, những hóa chất độc hại với giá rẻ cũng tràn ngập thị trường, gây tổn hại sức khỏe người tiêu dùng.

Lò giết mổ lậu gia cầm dùng hóa chất nhuộm gà - Ảnh: Hoàng Việt
Cơ sở sản xuất tại Q.Tân Phú (TP.HCM) dùng hàn the sản xuất các sản phẩm bò viên, cá viên
Sản xuất bánh kẹo chui tại Bình Chánh
Mua loại nào cũng có
Cơ quan quản lý phải chịu trách nhiệm đầu tiên khi để xảy ra tình trạng hóa chất độc hại tràn ngập kéo dài như hiện nay
GS-TSKH Lưu Duẩn, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học và công nghệ lương thực - thực phẩm VN
Chợ Kim Biên (Q.5, TP.HCM) được coi là chợ hóa chất sỉ với hàng trăm hàng ngàn sản phẩm. Dạo một vòng quanh chợ, những người kinh doanh hóa chất ở đây khẳng định “trên thế giới hiện có loại hóa chất gì thì ở Kim Biên đều có bán”. Từ hóa chất dùng trong công nghiệp, hóa chất dùng trong thực phẩm, đến hóa chất độc hại bị cấm, khách đến đây mua sỉ mua lẻ đều rất dễ dàng. Các loại hóa chất ở chợ Kim Biên được bày bán một cách công khai, kể cả nằm trong danh mục hạn chế hoặc bị cấm sử dụng. Chị H., một người kinh doanh phụ gia thực phẩm “hướng dẫn”: “Để xương bò, xương heo hầm mau mềm, rau luộc có màu xanh non, lạp xưởng có màu đỏ tươi bắt mắt... chỉ cần cho một ít muối diêm lạnh. Thực phẩm khô như cá khô, trái cây khô, các loại đỗ... muốn để bán lâu dài mà không hư, cần cho vào ít thuốc chống mốc. Chả cá, chả quế, chả lụa muốn dai; dưa chua muốn vàng, giòn, thì cho chút hàn the. Đậu phụ muốn được ngon, trắng, không bị vỡ và chắc, thì bỏ chút thạch cao vào”...
Mặt hàng hương liệu, phụ gia thực phẩm ở đây rất phong phú, đa dạng. Phổ biến nhất là các loại hương liệu chế biến nước uống, nước giải khát như cà phê, ca cao, chanh, dâu, nho, táo, sầu riêng, cho tới trà sữa... Giá chỉ 20.000 - 30.000 đồng/100 ml. Ngoài những mặt hàng “truyền thống” như trên, gần đây tại Kim Biên xuất hiện nhiều loại hương liệu chế biến thực phẩm mới. Đó là hương liệu nấu hủ tiếu, bún riêu tạo mùi và màu như thịt heo, bò, gà, tôm, cua... với giá 30.000 - 40.000 đồng/100 gr hoặc 100 ml. Các loại hương liệu này được đựng trong bịch ni lông, chai nhựa, không nhãn mác, không nguồn gốc, không hướng dẫn sử dụng, không có thông tin nào về cấu tạo thành phần, không hạn sử dụng... “Người ta mua về dùng nhiều lắm, lo gì”, một tiểu thương trấn an khi phóng viên hỏi về nguồn gốc hương liệu. Cũng theo bà này, chất tạo màu giá rẻ thực chất là chất hóa học dùng trong công nghiệp nhưng “ở đây bán lẻ rất nhiều, người ta vẫn mua về nấu xôi, làm thịt nguội, mứt, hạt dưa, tương cà... đấy thôi”.
Theo ghi nhận của phóng viên, ngoài hương bò, hương heo, còn có cả hương cá hồi, hương cá tầm, giá chỉ 270.000 đồng/chai 1 lít; hương sữa béo, me, ca cao, lá dứa, dừa, sâm bí đao, cà phê chồn... cũng có giá bán rất rẻ, 1 lít bình quân chỉ 110.000 đồng...
Phụ thuộc lương tâm nhà sản xuất
Đại diện một tập đoàn đa quốc gia chuyên cung cấp nguyên liệu, phụ gia bánh mì, bánh ngọt cho biết để nghiên cứu được một chất phụ gia giúp bánh mì tươi, bảo quản lâu hơn, tập đoàn phải mất rất nhiều năm. “Tại VN, chúng tôi đang cung cấp nguyên liệu và phụ gia cho 3.000 khách hàng. Tuy nhiên, doanh số riêng sản phẩm phụ gia chỉ chiếm khoảng 5% trong tổng doanh thu tại VN. Đơn giản là vì những loại phụ gia an toàn thường có giá cao, còn các tiệm bánh mì nhỏ lẻ thì lại thích sử dụng phụ gia giá rẻ, không an toàn, trong đó có cả chất không có trong danh mục”, vị này nói.
GS-TSKH Lưu Duẩn, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học và công nghệ lương thực - thực phẩm VN, cũng nhận định chính vì giá thành quá chênh lệch giữa phụ gia dùng trong thực phẩm và phụ gia hóa chất công nghiệp, cùng sự quản lý lỏng lẻo của cơ quan chức năng mà nhà sản xuất không ngần ngại sử dụng các loại hóa chất phụ gia độc hại, không bảo đảm chất lượng để tăng lợi nhuận. “Cơ quan quản lý phải chịu trách nhiệm đầu tiên khi để xảy ra tình trạng hóa chất độc hại tràn ngập kéo dài như hiện nay”, ông Duẩn nói.
Bà Đặng Thị Phương Ninh, Phó tổng giám đốc Công ty Vissan, cho biết mỗi năm công ty vẫn nhập khẩu gần 200 tỉ đồng nguyên liệu phụ gia để chế biến thực phẩm, đặc biệt là trong món giò lụa. Những phụ gia công ty nhập về đều được phép sử dụng cho thực phẩm và được kiểm soát chặt, sử dụng trong giới hạn cho phép. “Đáng nói là những phụ gia có nguồn gốc từ Trung Quốc cũng cạnh tranh rất gay gắt. Hằng tuần chúng tôi tiếp rất nhiều đoàn cung cấp phụ gia từ nước ngoài đến chào hàng. Còn phụ gia trôi nổi trên thị trường thì có đầy đủ các loại, giá cả rất rẻ, rất cám dỗ đối với các doanh nghiệp chế biến. Do đó, có thể nói ranh giới giữa an toàn và độc hại của phụ gia rất mong manh, phụ thuộc rất lớn vào lương tâm của người chế biến”, bà Ninh cho biết
Chất gây ung thư bủa vây người tiêu dùng
Hóa chất độc hại bán công khai với giá rẻ dẫn đến tình trạng sử dụng tràn lan trong thực phẩm, là một trong những nguyên nhân gây hàng loạt các vụ ngộ độc thời gian qua. Năm 2014, cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều vụ vi phạm an toàn thực phẩm, trong đó có trường hợp lò chế biến chà bông bẩn tại H.Bình Chánh (TP.HCM) sử dụng chất sodium cyclamate (đường hóa học, chất cấm dùng trong thực phẩm) xuất xứ Trung Quốc nhằm tạo vị ngọt giả cho thực phẩm, rẻ tiền nhưng lại rất độc hại, có khả năng gây ung thư với người sử dụng. Tang vật thu giữ tại cơ sở lên đến trên 1,1 tấn, trong đó có hơn 800 kg thành phẩm chờ đi tiêu thụ. Tại TP.Cần Thơ, cơ quan chức năng kiểm tra cơ sở sản xuất đậu hũ Bình Minh sử dụng nhiều loại hóa chất để làm phụ gia, trong đó có hydro sulfit (để làm trắng) và hóa chất food additives BZ.168 (để làm dai sản phẩm). Các chất tẩy trắng gốc sulfit (còn gọi là bột chua) được sử dụng rộng rãi trong ngành dệt nhuộm, tẩy trắng bột giấy, đất sét cao lanh... là những hợp chất độc hại, có thể gây ung thư, hen suyễn, bệnh về hô hấp, gây độc hệ thần kinh ngoại biên, hệ thần kinh trung ương; tiếp xúc lâu dài với các chất này sẽ làm tổn hại các cơ quan trong cơ thể, suy hô hấp, kích ứng da... Đây là những chất cấm dùng trong thực phẩm.
Mới đây nhất, Cục An toàn thực phẩm phát hiện Công ty TNHH sản xuất và thương mại Thần Tài (TP.HCM) cung cấp phụ gia bánh mì có sử dụng chất kali bromate và đã phân phối đi nhiều tỉnh lân cận. Kali bromate được sử dụng để tăng cường chất lượng bột mì, làm bột nhào đặc và chắc hơn. Đây là chất không thuộc danh mục phụ gia thực phẩm được phép sử dụng, vì có khả năng gây ung thư. Ngay sau đó, Cục An toàn thực phẩm đã yêu cầu các tỉnh thành tăng cường kiểm tra, phát hiện sản phẩm và cơ sở chế biến có sử dụng phụ gia độc hại này để ngăn ngừa nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.