Tính thuế cổ phiếu thưởng, không dễ!

01/12/2008 23:03 GMT+7

Theo quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) có hiệu lực từ ngày 1.1.2009, thu nhập từ cổ phiếu thưởng, cổ tức trả bằng cổ phiếu đều phải chịu thuế. Quy định này gây băn khoăn cho các nhà đầu tư cá nhân.

Không có hướng dẫn cách thu

Theo Thông tư số 84/2008/TT-BTC được Bộ Tài chính ban hành ngày 30.9.2008 hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) thì lợi tức, cổ tức nhận được từ việc góp vốn cổ phần của nhà đầu tư (NĐT) phải chịu thuế TNCN với thuế suất 5%. Đối với cổ tức được chia bằng tiền mặt thì việc thu rõ ràng và không có gì tranh cãi. Riêng đối với cổ phiếu (CP) trả thay cho tiền mặt thì thông tư này không hướng dẫn chi tiết về cách tính thuế.

NĐT Nguyễn Ngọc Anh trên sàn SSI thắc mắc không biết sẽ phải nộp thuế cho phần CP được chia cổ tức như thế nào? Theo thông lệ, khi doanh nghiệp chia CP cho cổ đông thì giá tham chiếu CP đó sẽ được tính lại với mức giảm tương ứng với tỷ lệ được chia trong ngày giao dịch không hưởng quyền. Như vậy, NĐT đang sở hữu CP của doanh nghiệp này không hề phát sinh thu nhập do dù số lượng CP tăng lên nhưng tổng giá trị không thay đổi.

Theo nhà phân tích chứng khoán Lê Đạt Chí, việc Thông tư 84 không hướng dẫn rõ cách tính thuế cho phần CP thưởng đã gây hoang mang cho NĐT. Ông Chí đặt vấn đề: “Khi nào thì tính thuế và mức thuế cho CP được chia thêm này là bao nhiêu? Nếu thu thuế ngay lúc CP về đến tài khoản của NĐT thì không đúng vì nó chưa phát sinh thu nhập cho NĐT. Còn nếu thu thuế lúc NĐT bán CP ra thì sẽ không xác định được đó là số CP được chia thêm hay là số CP NĐT mua vô lúc chưa được chia CP. Nếu chỉ thu thuế 0,1% trên giá trị giao dịch lúc NĐT bán ra thì lại quay về việc thu thuế trên lãi vốn từ hoạt động kinh doanh chứng khoán chung mà thôi”.

Ông Lê Đạt Chí cũng cho biết, ở nhiều nước trên thế giới, ít có trường hợp chia cổ tức bằng CP vì thực chất đây là một hình thức chia nhỏ CP. Doanh nghiệp chia thêm CP để tăng vốn điều lệ nhưng vốn chủ sở hữu lại không thay đổi. “Do đó chúng ta nên tiếp cận vấn đề giống như nước ngoài là không đánh thuế trên CP được chia vì không có cách xác định. Chỉ đánh thuế thu nhập trên lãi vốn NĐT bỏ ra như phương pháp tính thuế thu nhập chứng khoán đã có hướng dẫn”, ông Chí nói.

Hiểu thế nào mới đúng?

Ông Huỳnh Anh Tuấn - Tổng giám đốc Công ty chứng khoán SJC:
Cơ sở nào để tính thuế?


Tôi cũng không thể hiểu cơ sở nào dùng để tính thuế phần CP trả cổ tức cho NĐT. Ví dụ CP đang được giao dịch có thị giá 100.000 đồng/CP, nếu NĐT được chia cổ tức theo tỷ lệ 1:1 thì giá CP được xác định lại là 50.000 đồng/CP. Thực chất là NĐT phải mua CP với giá 50.000 đồng/CP chứ không phải mua bằng mệnh giá (10.000 đ/CP). Sau một thời gian, khi số lượng CP phát hành thêm được đưa vào giao dịch, nếu giá giảm còn 40.000 đ/CP và NĐT bán ra thì khi đó họ bị lỗ chứ không có lời. Hơn nữa, việc tính thuế khi NĐT bán ra CP lại chồng lên với việc đánh thuế theo “Thu nhập từ chuyển nhượng vốn” với mức thuế suất 20% thu nhập hoặc 0,1% giá trị lần chuyển nhượng. Đặc biệt nếu NĐT chỉ mới bán bớt một phần số CP họ đang sở hữu thì làm thế nào để phân biệt được số lượng CP nào là CP được chia cổ tức và số CP nào là gốc để thu thuế theo hai suất khác nhau?

Theo phân tích của Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (Vafi), nếu tính trên mệnh giá thì mức thuế thu trên CP thưởng hay trên CP trả cổ tức sẽ bằng mức chi trả cổ tức bằng tiền mặt (là 5%). Nếu tính theo giá thị trường thì số tiền nộp thuế có thể lớn gấp nhiều lần so với mức nộp thuế khi nhận cổ tức bằng tiền mặt. Khi đó, có lẽ doanh nghiệp sẽ không áp dụng hình thức này vì nó không hiệu quả mà ngược lại làm giảm giá trị CP mà các NĐT đang nắm giữ.

Mục đích của việc trả CP thưởng là nhằm tăng tính thanh khoản, đồng thời hạn chế hình thức chi trả tiền mặt để giúp doanh nghiệp có vốn để tăng cường tái đầu tư. Vì vậy Vafi cho rằng thay vì áp dụng phương pháp chia CP thưởng, các doanh nghiệp sẽ phát hành một lượng CP ở mức hợp lý bằng mệnh giá, như vậy các NĐT sẽ tránh bị chịu thuế mà vẫn đảm bảo sự thanh khoản của CP.

Công ty chứng khoán Sài Gòn (SSI) khi gửi thông báo về việc thực hiện Luật Thuế TNCN cho các NĐT vào cuối tháng 11 đã ghi rõ cổ tức được chia bằng CP sẽ chịu mức thuế 5% (cách tính là 5% x giá trị cổ tức). Trong đó giá trị của cổ tức được xác định trên sổ sách kế toán và do Đại hội đồng cổ đông thông qua.

Theo TS Nguyễn Văn Thuận - trường ĐH Mở TP.HCM, việc chia cổ tức bằng tiền mặt hay bằng CP thì về nguyên tắc đó vẫn là lợi nhuận mà cổ đông nhận được cho nên việc tính thuế TNCN cũng sẽ xảy ra. Vì khi chia cổ tức bằng tiền mặt thì giá CP cũng được điều chỉnh giảm xuống với tỷ lệ tương ứng vào ngày giao dịch không hưởng quyền giống như chia CP thưởng. Do đó, TS Thuận cho rằng có thể tính thuế trên cơ sở khi NĐT bán ra số CP đó.

Thời gian chuẩn bị để thực hiện Luật Thuế TNCN không còn nhiều. Nhiều NĐT và cả doanh nghiệp niêm yết mong muốn sẽ có những hướng dẫn cụ thể hơn để giải tỏa sự lo lắng này.

Mai Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.