Tiền sử dụng đất vẫn là gánh nặng với người dân, doanh nghiệp

28/04/2015 12:31 GMT+7

(TNO) Ngày 27.4, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HOREA) có công văn gửi Chính phủ bày tỏ sự quan ngại khi thực hiện luật Đất đai 2013, trong đó đáng chú ý quy định về tiền sử dụng đất là gáng nặng đối với người dân lẫn doanh nghiệp.

(TNO) Ngày 27.4, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HOREA) có công văn gửi Chính phủ bày tỏ sự quan ngại khi thực hiện luật Đất đai 2013, trong đó đáng chú ý quy định về tiền sử dụng đất là gáng nặng đối với người dân lẫn doanh nghiệp.

Theo HOREA, tiền sử dụng đất khiến chi phí căn hộ tăng cao
và người mua nhà phải gánh chịu - Ảnh: Trung Hiếu
Trong công văn gửi đi, HOREA nêu rõ quy định tiền sử dụng đất trong điều 114 luật Đất đai 2013 (có hiệu lực từ ngày 1.7.2014) cũng tương tự như luật Đất đai 2003, vẫn là một “gánh nặng” đối với hộ gia đình, cá nhân và doanh nghiệp.

Ngoài ra, tiền sử dụng đất vẫn là “ẩn số” mà doanh nghiệp không thể tiên lượng được khi ra quyết định đầu tư và không thể tính toán trước được hiệu quả. Cuối cùng chi phí tiền sử dụng đất cũng sẽ được tính vào giá bán mà người tiêu dùng phải gánh chịu khi mua sản phẩm bất động sản.

Theo HOREA, vừa qua Chính phủ đã ban hành Nghị định 104/2014/NĐ-CP ngày 14.11.2014 quy định về khung giá đất, với mức tăng bình quân khoảng 2 lần, đã có tác động đến việc xây dựng bảng giá đất của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, được áp dụng ổn định trong 5 năm, kể từ ngày 1.1.2015.

Riêng tại TP.HCM, UBND TP đã có quyết định số 51/2014 ngày 31.12.2014 ban hành bảng giá đất có mức tăng bình quân khoảng 1,9 lần. Việc áp dụng bảng giá đất 2015 của thành phố có thể dẫn đến những trường hợp khi làm thủ tục sẽ phải nộp tiền sử dụng đất cao hơn các trường hợp tương tự nhưng được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở từ năm 2014 trở về trước.

“Với mức nộp tiền sử dụng đất cao hơn trước, có thể nhiều trường hợp không có đủ khả năng tài chính và dẫn đến các giao dịch bằng giấy tay, phát sinh thị trường ngầm, làm giảm tính minh bạch của thị trường bất động sản, phát sinh tranh chấp và giảm nguồn thu ngân sách”, công văn nêu rõ.

Về quy định ký quỹ các dự án có sử dụng đất, HOREA cho biết “mức ký quỹ để bảo đảm thực hiện dự án từ 1-3% vốn đầu tư của dự án” được quy định tại khoản 2 điều 42 là chưa phù hợp với thực tế. Quy định mức tỷ lệ ký quỹ cần phân biệt giữa dự án quy mô lớn và dự án quy mô vừa, nhỏ.

Chưa kể mức ký quỹ từ 1-3% đối với các dự án quy mô lớn sẽ là con số rất lớn. Ví dụ: Dự án khu đô thị mới Tân Cảng (TP.HCM) với diện tích 43 ha có tổng mức đầu tư khoảng 30.000 tỉ đồng, nếu ký quỹ 1% sẽ là 300 tỉ đồng, nếu ký quỹ 3% sẽ là 900 tỉ đồng; dự án lọc hóa dầu Nhơn Hội (Bình Định) có tổng dự toán khoảng 22 tỉ USD, nếu ký quỹ 1% sẽ là 220 triệu USD, nếu ký quỹ 3% sẽ là 660 triệu USD…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.