Tỉ phú chân đất dưới chân núi Gia Lư

05/09/2009 22:39 GMT+7

Hai bàn tay trắng, với hơn 15 năm ẩn khuất nơi chân núi Gia Lư, chàng nông dân thực thụ đã trở thành một “hiện tượng” lạ ở vùng đất Vĩnh Hảo đầy nắng và gió. Lần đầu tiên ở Bình Thuận, một nông dân trẻ như anh sở hữu trên 40 héc-ta cây trôm. Anh đang vươn đến một thương hiệu mới lạ trong ngành giải khát Việt Nam.

Ông Lê Xuân - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Hảo (huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) đưa chúng tôi vượt qua những con đường mòn dưới chân núi Gia Lư. Trời Vĩnh Hảo cuối hè nóng đến rát mặt. Từ ven quốc lộ vào đến vườn trôm chỉ chừng 10 cây số, nhưng đường quanh co, dưới cái nắng chang chang, ông Lê Xuân động viên chúng tôi: Sắp đến rồi, chịu khó tí nữa thôi. Những vườn trôm bất ngờ hiện ra làm dịu hẳn đi cái khí hậu vốn khắc nghiệt ở vùng đất này. Thoạt nhìn cứ tưởng vườn cao su vì cây trôm khá giống cây cao su ở vùng Long Khánh, Đồng Nai. Chúng tôi lội từ vườn trôm này sang vườn trôm khác để tìm gặp ông chủ được mệnh danh là “tỉ phú nông dân” ở đây. Ông Lê Xuân căn dặn: “Anh là nhà báo nên chú ấy sẽ rất ngại tiếp, để tôi từ từ vận động chú ấy nói nhé”.

Khác với tưởng tượng ban đầu, “ông chủ” mà chúng tôi cần gặp không phải là một người ăn mặc bảnh bao như bao ông chủ khác ở thành phố. Trịnh Toàn, mới 35 tuổi, không có gì khác một nông dân. Chân tay đen bóng chắc nịch, với khuôn mặt sạm nắng và đôi mắt sáng. Toàn giơ tay chào chúng tôi từ khi chiếc máy cày anh tự lái chưa được tắt máy. Đúng là Toàn kiệm lời thật. Anh chỉ cười, rất ít nói về mình khi chưa có câu hỏi của ai đó.

Vào những năm đầu của thập niên 90, vùng đất nắng gió Tuy Phong quê anh trồng cây gì để xóa đói giảm nghèo là chuyện không dễ. Tình cờ, chàng trai trẻ này theo cha lên núi tìm giống cây lạ, mà sau này anh mới biết đặc tính và tên gọi của nó là cây trôm. Cha anh thường lấy mủ cây này về uống. “Ba em nói nó là một loại thuốc quý, có tác dụng chữa bệnh rất hiệu quả. Lúc đó em chỉ biết vậy, nếu nó tốt cho sức khỏe thì mình đem về trồng thử, chứ có nghĩ được là nó hiệu quả kinh tế như thế này đâu” - Toàn kể.

Năm 18 tuổi, được sự giúp đỡ về mặt tinh thần của gia đình, Toàn đã quyết tâm thử nghiệm trồng giống cây này. Cái khó khăn nhất của anh lúc bấy giờ là cây giống. Hằng ngày, Toàn vượt núi Gia Lư, sang cả những dãy núi đá của vùng đất Ninh Thuận để hái những quả trôm chín về lấy hạt ươm giống. Mùa trôm chín là vào tháng 12 âm lịch, thời điểm đó, trời nắng nóng đến khô người. Khi ấy người dân quê anh không biết anh làm gì mà suốt ngày lên núi kiếm thứ cây gì đó về trồng. Nhiều người ở thôn Vĩnh Sơn, xã Vĩnh Hảo quê anh cho anh là thằng “gàn” vì lúc ấy nhà Toàn rất nghèo lại đông anh em. Trong khi bà con, bạn bè đi biển, làm thuê kiếm sống thì Toàn cứ lủi thủi trong rừng để làm bạn với một thứ cây trồng lạ hoắc!

Mấy năm đầu Toàn thất bại. Không nản lòng, anh quyết tâm cải tạo đất. Không có tiền mua đất, anh lao vào khai thác đất bạc màu để trồng thử nghiệm. “Em cứ lấy ngắn nuôi dài, trồng xen cây đậu, cây mè vào vườn trôm. Kiếm được tiền lúc đầu em thuê đất, sau thấy đất trồng cây màu không hiệu quả một số người bán cho em luôn. Cứ kiếm được mảnh đất nào em nhân giống thêm mảnh ấy” - Toàn nhớ lại.

Lúc ấy cả tỉnh Bình Thuận chưa hề biết cây trôm là cây gì. Khi đã phát triển được hàng chục héc-ta, anh làm hồ sơ đến ngân hàng vay vốn nhằm nhân rộng diện tích. Nhưng ngân hàng đã từ chối cho vay vì không biết anh trồng cây đó là loại cây gì, hiệu quả kinh tế ra sao. Không có vốn nhưng Toàn không nản chí. Anh lấy vợ rồi đưa luôn vợ vào chân núi sống với mình và cùng xây dựng ước mơ bên chân núi Gia Lư. Chị Bé - vợ Toàn cho hay, vì thương anh ấy nên theo anh đến chân núi này. Đâu có nghĩ là anh ấy sẽ thành công với một thứ cây mà em cũng chẳng biết gì. Có bao nhiêu của hồi môn đổ hết vào vườn trôm. Nhiều người thấy Toàn đam mê trồng loại cây này mà thấy ái ngại. Nhưng bí quyết của anh đã được hé lộ khi một nông trường của tỉnh Ninh Thuận vào tận nơi tham khảo mô hình trồng trôm của anh.

Toàn bảo: “Lúc đó em mới biết thì ra không chỉ có riêng mình biết thứ cây này. Họ đã mua cây giống của em để đem về Ninh Thuận trồng vì khí hậu Ninh Thuận với Tuy Phong của Bình Thuận không có gì khác nhau, rất thuận lợi cho cây trôm phát triển”. Bởi vậy cây trôm bây giờ đã “lan” sang vùng đất Ninh Thuận với diện tích vài chục héc-ta.

Khi đã có diện tích trôm kha khá, việc tiêu thụ sản phẩm của cây trôm là chuyện khó nhất của Toàn. Nhờ một người chú họ biết tiếng Anh, tìm khắp nơi trên internet, cuối cùng cũng tìm ra được các tố chất trong mủ cây trôm. Tuy nhiên, một khó khăn nữa mà Toàn vấp phải là cơ quan chức năng của tỉnh Bình Thuận cũng chưa biết mủ cây trôm gồm những chất gì nên từ chối kiểm nghiệm thứ mủ trôm tinh khiết đã được Toàn gửi đến. Cuối cùng sau nhiều nỗ lực của Toàn, Sở Y tế Bình Thuận cũng đồng ý lấy mẫu mủ trôm đem đi kiểm nghiệm. Hiện nay Toàn đã thành lập doanh nghiệp tư nhân hẳn hoi. Sản phẩm mủ trôm tinh khiết uống liền (hòa nước) của Toàn có tên Liên Hảo đã được nhiều người chấp nhận vì tính năng và công dụng của nó.

“Với gần 40 ha trôm đang khai thác, Toàn phải thuê hàng chục công nhân lấy mủ. Người ta có cái đục, đục vào cây trôm cho mủ chảy ra, rồi có muỗng hứng lại như lấy mủ cao su. Cứ tính mỗi cây cho nửa kg mủ trong vòng 6 tháng, thì gần 40 ha cây trôm của Toàn cho hàng chục tấn mủ nguyên liệu hằng năm. Vườn trôm của Toàn giờ đã được đầu tư một hệ thống nước tưới hiện đại tốn kém hàng trăm triệu đồng. Nước lấy từ trên núi về, nên “không cần vốn em vẫn có thể xoay xở được. Sản phẩm của tụi em mới thí nghiệm nhưng đem vào TP.HCM đến đâu, hết đến đó”. Toàn còn khoe một nhãn mác bao bì đang chờ giấy phép của Sở Y tế và Sở Khoa học - Công nghệ Bình Thuận chứng nhận, rất bắt mắt.

Ông Phạm Quang Thông, người chú họ của Toàn vốn là giáo viên tiếng Anh, người giúp Toàn trong các thủ tục hành chính để thành lập doanh nghiệp kể rằng: Một người bạn bên Mỹ của anh vào siêu thị, thấy dòng chữ điện tử chạy trên cao ghi một câu làm người bạn phải điện thoại ngay về Việt Nam hỏi lại: Câu ấy viết đại ý là “Mủ trôm Bình Thuận, Việt Nam, một phát hiện mới của y tế Hàn Quốc”. Cho đến bây giờ cả hai chú cháu vẫn loay hoay chưa lý giải được thông tin này từ người bạn ở Mỹ chuyển về. Vì sao lại có câu quảng cáo ấy?

Có một câu chuyện về tác dụng của cây trôm đến bây giờ Toàn mới kể: Cách đây vài năm, khi đàn cừu ở huyện Tuy Phong và Ninh Phước (Ninh Thuận) bị dịch bệnh, chết hàng loạt. Nhiều gia đình điêu đứng vì cừu chết. Cả làng Vĩnh Hảo không hiểu tại sao đàn cừu của Toàn hàng trăm con không chết con nào. Bản thân Toàn cũng chỉ nghĩ rằng có thể mình gặp may. Nhưng sau này mới biết, hóa ra đàn cừu nhà Toàn ăn toàn lá cây trôm. Chính lá cây trôm là nguồn dinh dưỡng quý báu cho đàn cừu vượt qua mùa khô hạn và chống chọi với dịch bệnh.

Dù chưa một lần là “nông dân sản xuất giỏi” và chưa từng một lần được vay vốn ngân hàng, nhưng chàng trai chân đất Trịnh Toàn vẫn muốn tự mình thành lập một hãng nước giải khát từ mủ cây trôm. Tham vọng lớn của tay thanh niên chân đất rất khả thi vì anh bảo đã có những kỹ sư hóa và công nghệ sinh học muốn nhảy vào giúp đỡ. Với thu nhập hơn 500 triệu đồng một năm từ mủ cây trôm như hiện nay, mới nhìn Toàn không ai biết anh đã là tỉ phú.

Hiện nay không chỉ mình Toàn trồng trôm, mà loại cây này đã được nhân rộng. Đã có hàng chục hộ trồng trôm ở Vĩnh Hảo. Toàn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trồng trôm với bà con. Anh nói: “Nếu diện tích càng lớn thì nguồn nguyên liệu càng dồi dào. Bà con có thể đến vườn trôm của em học tập kinh nghiệm và thậm chí em sẽ bán cây giống giá rẻ. Em muốn quê em sẽ được phủ kín các khu đất cằn bằng cây trôm”. 

Theo kết quả kiểm nghiệm sản phẩm mủ trôm của Viện Vệ sinh y tế công cộng TP.HCM (Số 4495/VVS do Phó viện trưởng -
BS Lê Vinh ký ngày 19.5.2009) thì hàm lượng ma-nhê/100g mủ trôm tinh khiết là 102 miligam; kali: 360 miligam và kẽm là 42 miligam.

Cây trôm (có tên khoa học là Sterculia Foetida) là loài thực vật thuộc họ Sterculiaceae theo cách phân loại cổ điển; thuộc bộ Malvacea theo cách phân loại loài. Trôm thích nghi với vùng đất cằn, chịu hạn hán tốt. Lần đầu tiên trôm được trồng ở Ấn Độ, nhưng hiện nay nó phổ biến ở các nước châu Á, châu Phi và Nam Mỹ. Hạt của trôm có thể nướng ăn như hạt dẻ. Lá làm thức ăn cho gia súc, gỗ trôm không bao giờ có mối mọt và đặc biệt là mủ trôm có nguồn dinh dưỡng cực cao, có tác dụng rất tốt cho sức khỏe con người. Cây trôm trồng trên đất tốt chỉ 1-2 năm là có thể khai thác mủ.

Ký sự của Quế Hà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.