Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A: Sẽ tạo tiền lệ xấu

17/12/2012 03:16 GMT+7

Ngày 16.12, Mạng lưới sông ngòi Việt Nam tổ chức hội thảo thường niên với chuyên đề “Lưu vực sông Đồng Nai - Tác động của dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A”.

Các đại biểu đều cho rằng, nếu 2 dự án thủy điện này được thông qua sẽ tạo tiền lệ xấu cho các dự án khác.

 

VQG Cát Tiên là quy hoạch bảo tồn ĐDSH đã có của cả nước. Việc Bộ NN-PTNT điều chỉnh đất của VQG để làm thủy điện là vi phạm điều 11 luật ĐDSH

TS Lê Anh Tuấn -
đại diện cho nhóm chuyên gia Mạng lưới sông ngòi Việt Nam

1 m2 đất rừng giá 320 đồng

TS Lê Anh Tuấn, đại diện cho nhóm chuyên gia Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN) chỉ ra rất nhiều lỗ hổng trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của chủ đầu tư. Cụ thể, một vấn đề rất quan trọng không được nêu ra là “tính pháp lý” của dự án. Dự án thủy điện ĐN 6 làm ngập vĩnh viễn diện tích tổng cộng là 171,36 ha, trong đó diện tích thuộc Vườn quốc gia (VQG) Cát Tiên (thuộc rừng phòng hộ Nam Cát Tiên) là 77,9 ha. Dự án ĐN 6A làm ngập vĩnh viễn diện tích 184,61 ha, trong đó chiếm dụng diện tích thuộc VQG Cát Tiên là 50,55 ha. Còn theo Nghị quyết 49 của Quốc hội thì những “Dự án, công trình sử dụng đất có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, khu bảo vệ cảnh quan, khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học từ 50 ha trở lên; rừng phòng hộ đầu nguồn từ 50 ha trở lên... phải trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư". Báo cáo ĐTM cũng "bỏ quên" căn cứ pháp lý quan trọng này.

Dự án cũng vi phạm luật Đa dạng sinh học (ĐDSH) năm 2008. Luật này quy định những hành vi bị nghiêm cấm gồm "xây dựng công trình, nhà ở trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của khu bảo tồn, trừ công trình phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh. "VQG Cát Tiên là quy hoạch bảo tồn ĐDSH đã có của cả nước. Việc Bộ NN-PTNT điều chỉnh đất của VQG để làm thủy điện là vi phạm điều 11 luật ĐDSH”, TS Tuấn kết luận.

Phản biện lại lập luận “khi thủy điện đi vào hoạt động thì mực nước sẽ dâng lên cao làm ngập khu vực rừng trước đây không ngập. Cây cối trong những vùng lân cận của vùng ngập sẽ có điều kiện sinh trưởng và phát triển tốt hơn so với trước đây”, TS Tuấn khẳng định: “Ở các khu rừng không ngập nước, khi chuyển sang ngập nước rễ cây sẽ bị ngộp vì thiếu thoáng khí và chết nhiều hơn. Bài học đã thấy trước mắt là ở thủy điện Nam Ngum (Lào), diện tích rừng xung quanh hồ bị mất thực tế cao hơn 20 - 30% so với phần diện tích rừng bị ngập nước. Còn ở thủy điện Kulakhani (Nepal), con số này lên đến 60 - 70%”.

Trong khi đó các cam kết trồng lại rừng từ trước đến nay chưa có dự án thủy điện nào thực hiện đúng vì không có đất. Theo báo cáo của FAO (Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc) năm 2005, Việt Nam là nước có tỷ lệ phá rừng nguyên sinh đứng thứ hai trên thế giới, chỉ sau Nigeria. Đó là chưa kể, theo quy luật tự nhiên cũng không thể đốn rừng nơi này rồi trồng bù lại ở nơi khác bởi sẽ làm thay đổi tiểu khí hậu vùng.

Điều gây chú ý mạnh nhất với các đại biểu là khi TS Tuấn cho biết theo báo cáo ĐTM, 1 m2 đất rừng chỉ có giá 230 - 320 đồng. Nên tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ chỉ vào khoảng 460 triệu đồng/97 ha ở ĐN 6 và 558,08 triệu đồng/175 ha ở ĐN 6A.

Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A: Sẽ tạo tiền lệ xấu
Chung quanh đoạn sông này sẽ bị ngập nước và chìm trong lòng hồ nếu dự án Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A được xây dựng - Ảnh:  BTC hộ thảo cung cấp

Thiệt hại lớn

PSG-TS Lê Tự Trình, Viện trưởng Viện Khoa học môi trường và phát triển, đồng thời cũng là Chủ tịch Hội Đánh giá tác động môi trường Việt Nam, phân tích, rừng ở Đông Nam bộ là rừng mang tính ĐDSH cao nhất Việt Nam, hơn cả ở Tây nguyên. Nếu dự án ĐN 6 và 6A được thông qua thì sẽ tạo tiền lệ xấu cho các dự án khác, cho việc phá rừng tràn lan. Dự án hồ Trị An trước kia là một minh chứng. Khi làm hồ này phải phá 210 km2 rừng nhưng đến bây giờ thì người ta đã phá tới cả ngàn km2.

Đại diện VQG Cát Tiên, TS Phạm Hữu Khánh, nói: Đây là “điểm nóng” về tài nguyên ĐDSH có nhiều loài quý hiếm và đặc hữu đồng thời còn là 1 trong 3 vùng chim đặc hữu của Việt Nam, khu di tích quốc gia đặc biệt. Nếu 2 dự án thủy điện này được tiếp tục ước tính sẽ có khoảng 850 tấn thuốc nổ sẽ được sử dụng trong thời gian xây dựng kéo dài 3 năm, tương đương với 800 - 900 kg mỗi ngày. Điều này sẽ gây chấn động đến sinh cảnh các loài động vật hoang dã cộng với ô nhiễm môi trường, tiếng ồn, khói bụi...

Ở góc độ văn hóa, ông Lê Trí Dũng, đại diện cho Bảo tàng tỉnh Đồng Nai, nói: Sông Đồng Nai được tôn vinh là “dòng sông văn hóa”. Các nhà khoa học trong nước và quốc tế đã chứng minh về sự tồn tại của “nền văn minh lưu vực sông Đồng Nai”. Những giá trị về văn hóa khảo cổ học khu vực Cát Tiên - sông Đồng Nai là rất lớn, phong phú và đa dạng, một phần rất nhỏ đã được lộ diện trong quá trình nghiên cứu, phần lớn còn tiềm ẩn trong lòng đất, dưới lòng sông. Việc xây dựng thủy điện sẽ làm ảnh hưởng đến các di chỉ khảo cổ học chưa được khai quật.

Hội thảo đã đi đến thống nhất cần xem xét lại tính pháp lý của hai dự án thủy điện ĐN 6 và 6A, rà soát đánh giá lại quy hoạch thủy điện trên sông Đồng Nai và cần đánh giá tác động môi trường một cách chi tiết, cụ thể có cơ sở khoa học do một đơn vị tư vấn uy tín độc lập, nếu cần nên có sự tham gia của chuyên gia quốc tế.

Chí Nhân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.