Thương lái Trung Quốc ồ ạt gom nguyên liệu - (Kỳ 3): “Nằm vùng” để khống chế giá

28/09/2011 00:43 GMT+7

Cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Long đã phát hiện và xử lý theo pháp luật 21 “thương nhân” Trung Quốc (TQ) dùng hộ chiếu du lịch vào đây núp bóng “người địa phương” để thu gom khoai lang đem về nước.

>> Kỳ 2: Xứ dừa phải nhập khẩu dừa

Toàn tỉnh Vĩnh Long có khoảng 6 ngàn ha đất trồng khoai lang, hầu hết sản lượng khoai được thương nhân TQ thu gom.

Theo nhiều nông dân, đang vào cuối vụ nên thương lái vào tận các ruộng khoai ngã giá, đặt cọc với mức giá 1,1 triệu đồng một tạ (60 kg). Bà Phan Thị Bé, Trưởng phòng Kinh tế H.Bình Minh (Vĩnh Long) cho biết, giá khoai năm nay cao gấp đôi so với năm rồi và cao nhất từ trước đến nay. Với mức giá này, lợi nhuận “một công khoai bằng 5 công lúa”. 


Một đầu mối thu gom khoai lang - Ảnh: Chí Nhân

Nông dân bỏ lúa trồng khoai

Ông Ngô Văn Hải, Phó chủ nhiệm Hợp tác xã khoai lang Tân Thành (xã Tân Thành, H.Bình Tân), cho biết khoai lang tím Nhật (chiếm 90% diện tích trồng khoai nói chung) chỉ phát triển rộ từ năm 2008, khi thương lái TQ vào và tiến hành thu mua ồ ạt. Thời điểm đó, giá  khoai chỉ khoảng 200 ngàn đồng một tạ, nay đã tăng gấp 5 lần. Chính vì vậy mà diện tích đất trồng khoai không ngừng tăng theo cấp số nhân. Năm 2008, cả huyện Bình Minh chỉ có khoảng 10 ha đất trồng khoai thì hiện nay con số này là 324 ha. Còn ở Bình Tân, diện tích đất trồng khoai hiện đã lên đến gần 3.000 ha. Nguồn gốc đất trồng khoai hiện nay là từ đất trồng lúa.

Không dừng lại ở việc gom mua, đầu năm nay, thương nhân TQ còn nhờ một số người dân địa phương đứng tên thuê đất trồng khoai. Diện tích đất mà người TQ “núp bóng” thuê để trồng khoai lang được các cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Long xác định là 61 ha, thông qua 3 người dân địa phương, với mức giá 35 triệu đồng/ha/năm, thời hạn thuê 3 năm.

Không chỉ ở Vĩnh Long, khoai lang đã vượt sông Hậu lan sang cả huyện Cờ Đỏ (TP Cần Thơ). Theo ngành nông nghiệp địa phương, hiện có khoảng 100 ha khoai lang đang được trồng trên địa bàn.  Đây là vùng đất sản xuất 2 vụ lúa, 1 vụ màu được người nơi khác đến thuê để trồng khoai lang.

''Đặc biệt, trong đợt kiểm tra trên, ngành chức năng phát hiện và xử lý theo pháp luật 21 thương nhân TQ dùng hộ chiếu du lịch vào đây núp bóng người địa phương để thu gom khoai lang đem về nước'' - Bà Phan Thị Bé, Trưởng phòng Kinh tế H.Bình Minh (Vĩnh Long)

Cảnh báo những hậu quả xấu

Tiếp xúc với chúng tôi, bà Phan Thị Bé chia sẻ: “Tình trạng trồng và tiêu thụ khoai lang ở địa phương vừa qua khiến chúng tôi mừng ít, lo rất nhiều. Chúng tôi liên tưởng đến những hậu quả xấu như đã từng xảy ra ở các tỉnh phía Bắc khi họ thu gom đuôi trâu, móng trâu, rễ cây hồi. Để chấm dứt tình trạng người trồng khoai vừa trồng vừa run, thì nhà nước cần tìm đầu ra chính ngạch cho khoai lang, phát triển thêm những thị trường mới để tránh phụ thuộc vào một thị trường náo đó. Ngành nông nghiệp sẽ hướng dẫn, hỗ trợ nông dân trồng khoai theo các tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap… để đảm bảo chất lượng”.

Điều đáng nói là theo báo cáo mới đây của Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Long, việc mua bán giữa người TQ và các đầu mối trung gian đều không có hợp đồng. Thương nhân TQ chỉ tổ chức thu mua theo thời vụ tại kho bãi, giá cả lên xuống bất thường. 7/10 cơ sở thu gom khoai lang hoạt động không phép. Do các cơ sở này hoạt động dưới danh nghĩa là người VN nên rất khó xử lý. "Đặc biệt, trong đợt kiểm tra trên, ngành chức năng phát hiện và xử lý theo pháp luật 21 thương nhân TQ dùng hộ chiếu du lịch vào đây núp bóng người địa phương để thu gom khoai lang đem về nước", bà Phan Thị Bé nói.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại Vĩnh Long, toàn bộ sản lượng khoai lang được thương nhân TQ thu mua thông qua 10 đầu mối, nằm dọc theo tuyến QL1A, thuộc địa bàn H.Bình Minh. Những đầu mối này có một số điểm chung: không bảng hiệu, địa chỉ, được che chắn rất cẩn thận, có hàng rào chắn và thường xuyên có người bảo vệ, không cho người lạ tới gần…

Khống chế giá thanh long

Bây giờ là cuối vụ chính của trái thanh long. Giá trái cây này hiện vẫn chỉ ở mức 5-7 nghìn đồng/kg (trái to). Nhà vườn thanh long hiện nay không có lãi  nhưng không có cách nào khác. Chị Ngọc, một chủ doanh nghiệp chuyên thu mua thanh long ở Bình Thuận bán sang TQ cho biết, mỗi tuần chị chở khoảng 6 container ra cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn). Giá tại cửa khẩu Tân Thanh (hoặc chợ Pò Chài bên kia biên giới) chỉ bán được 7 - 10 nghìn đồng/kg. Dù lỗ tiền vận chuyển nhưng hầu như tất cả các doanh nghiệp bán thanh long sang TQ không dám ngưng vì phải giữ công nhân, có vốn xoay vòng và giữ mối bên kia biên giới. Nguyên nhân chính theo chị Ngọc vẫn là do các thương nhân TQ “nằm vùng” tại Hàm Thuận Nam để thu mua. “Họ khống chế giá cả hết thảy. Muốn tăng giá hay giảm là do họ, mình không quyết được”, chị Ngọc nói.

Quế Hà

Chí Nhân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.