Thói quen tiêu dùng thay đổi

27/06/2012 03:00 GMT+7

Người tiêu dùng (NTD) đang thay đổi thói quen mua sắm của mình theo hướng thắt chặt chi tiêu.

Chỉ mua thứ cần

Theo khảo sát trên, giỏ hàng mua sắm và mức chi tiêu hằng ngày của NTD đang có sự thay đổi lớn. Có 40% NTD cho biết đã phải cắt giảm tần suất mua sắm các mặt hàng thiết yếu xuống 30%, còn các mặt hàng không thiết yếu là 50%. Chị Quỳnh Như (Q.Phú Nhuận) nói: “Hiện nhiều siêu thị có chương trình khuyến mãi, nhưng tôi cũng chỉ mua những sản phẩm thiết yếu phục vụ cho cuộc sống hằng ngày như: rau quả, thịt cá…”. Thực tế tại các siêu thị, lượng khách hàng chỉ tập trung ở các quầy thực phẩm, còn khu vực bán hàng tiêu dùng thường rất ít khách. Nhóm nghiên cứu của Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) kết luận, nếu như trước đây NTD chỉ mua theo thói quen và lựa chọn những sản phẩm quen tên thì bây giờ họ sẽ so sánh về giá cả, trọng lượng hay về mục đích sử dụng của món hàng một cách kỹ lưỡng hơn. Đa phần NTD hiện nay hạn chế chi tiêu đến mức tối đa có thể và chỉ chi tiêu khi thật sự cần thiết.

 Thói quen tiêu dùng thay đổi 
Người tiêu dùng hiện nay chỉ mua những thứ thật sự cần thiết cho nhu cầu hằng ngày - Ảnh: Hoàng Việt

Ở các đầu mối trước đây thường chỉ họp vào ban đêm thì hiện nay việc bán hàng thường kéo dài đến trưa thậm chí là chiều. Còn tại các chợ lẻ như Bến Thành, Tân Định, An Đông, Bình Tây... hiện đang là mùa mua sắm thấp điểm, sức mua giảm trên 30%. Thậm chí ở chợ Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình) có đến trên 22% các sạp hàng đóng cửa vì ế ẩm. Trong số này có 100/403 sạp thực phẩm tươi sống, chiếm tỷ lệ gần 25%.

Các hệ thống siêu thị lớn cho biết so với cùng kỳ sức mua giảm từ 7 - 10%. Ông Nguyễn Thành Nhân, Phó tổng giám đốc hệ thống siêu thị Co.op Mart cho biết, tăng trưởng sức mua của hệ thống đã giảm nhiều mặc dù liên tục tung ra các chương tình khuyến mãi nhằm kích cầu tiêu dùng, nhưng NTD không mấy mặn mà. Còn đại diện Vinatexmart thì nói rằng: “NTD đang thắt chặt hầu bao, sức mua giảm”.

Giải pháp đẩy mạnh bán hàng

Trước thực tế khó khăn trên, các nhà sản xuất, phân phối và cả bán lẻ đã tìm nhiều giải pháp khác nhau để đẩy mạnh bán hàng. Một trong những giải pháp được nhiều doanh nghiệp (DN) áp dụng khá thành công là mở thêm kênh tiêu thụ, vận chuyển trực tiếp đến những điểm bán lẻ, đưa hàng vào chợ truyền thống, về vùng nông thôn...

Để giải phóng 32.000 đơn vị quần áo may sẵn tồn kho từ giữa năm 2011, DN tư nhân may mặc Phúc Long (Q.12) đã liên kết với một nhà phân phối ở Bình Phước đem hàng giao tận tay các tiểu thương ở một số chợ vùng cao các tỉnh Bình Phước, Đắk Nông, Gia Lai để tiêu thụ. Công ty TNHH An Minh (Q.9), chuyên sản xuất các loại thực phẩm chế biến lại  cho nhân viên trực tiếp đi chào hàng với các tiểu thương ở chợ truyền thống thay vì chỉ bỏ mối cho các đại lý như trước đây. Còn Công ty CP chế biến thủy hải sản Liên Thành đã mở một chuỗi cửa hàng giới thiệu sản phẩm và liên kết với các cửa hàng bán lẻ thực phẩm để đưa hàng đến gần hơn với NTD. Công ty cũng không ngừng cho ra đời các sản phẩm mới để phục vụ nhiều hơn nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng. Một số công ty khác còn chủ động xây dựng những điểm bán hàng lưu động nhằm đưa sản phẩm tới gần hơn với NTD.

Theo bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc BSA, đã tìm thấy ở thị trường Campuchia một lối thoát cho các DN Việt Nam để đẩy mạnh bán hàng, cắt giảm tồn kho. Trong nhiều năm qua, sức mua của thị trường này luôn tăng ấn tượng và không bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế thế giới. Bên cạnh đó, nhóm hàng thực phẩm, hàng gia dụng của Việt Nam cũng đang phát triển tốt ở thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, để làm ăn được ở Trung Quốc, chúng ta cần phải hiểu rõ họ. Hiện nay, BSA đang hợp đồng với một công ty tư vấn luật ở Trung Quốc để mở đường cho việc làm ăn của các DN Việt Nam ở đó.

Chí Nhân

>> Niềm tin người tiêu dùng xuống thấp
>> Người tiêu dùng bị móc túi: Đường đi của giá
>> Bỏ quên người tiêu dùng
>> Đủ kiểu “móc túi” người tiêu dùng
>> Quyền của người tiêu dùng
>> Hãy là người tiêu dùng có trách nhiệm
>> Phải bảo vệ người tiêu dùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.