Thời của rau dại

23/06/2012 03:00 GMT+7

Tại các chợ ở TP.HCM hiện nay, rau dại không chỉ tăng về loại mà còn tăng về số lượng.

Giá bán tăng cao

Đứng đầu về mức độ tăng giá hiện nay là rau dền cơm. Loại rau này thường mọc dại ở các bờ ao hay dọc theo bờ ruộng. Khác với rau dền thường, rau dền cơm có lá cực nhỏ, nấu canh cho vị ngọt và thơm, đặc biệt rất thích hợp cho các bé nhỏ ăn vì rất mềm. Chị Hồng Vân ngụ ở P.5, Q.8, chia sẻ: “Rau dền cơm thường do những người từ quê mang lên chợ bán. Cách đây một năm, tôi chỉ cần mua 5.000 đồng là đã có đủ nồi canh cho 4 người ăn, thế nhưng từ đầu năm đến nay, giá rau tăng lên gấp đôi, gấp ba”. Bà Ngọc Mai ngụ ở Q.5 cũng nói: “Ông xã nhà tôi rất thích ăn đọt nhãn lồng luộc chấm thịt kho - một món ăn quen thuộc của vùng quê miền Tây nên tôi rất hay mua. Thế nhưng hiện một bó giá 5.000 đồng chỉ đủ một người ăn trong khi trước đây chỉ cần mua 2.000 đồng là hai người ăn không hết”.

Chèo khổ qua (đọt khổ qua) nay cũng đã trở thành món ăn đặc sản của người Sài Gòn khi nấu canh cùng tôm tươi, hiện giá bán lên tới 30.000 đồng/kg. Đọt mồng tơi dây thường dùng luộc chấm nước thịt kho cũng có giá 30.000 đồng/kg. Rau chạy hay còn gọi là đọt choại (cây dương xỉ) có xuất xứ từ Đồng Tháp, Hậu Giang… thích hợp làm món xào, luộc lẫn nấu canh chua có giá bán 30.000 đồng/kg. Hẹ nước là loại rau đặc sản của vùng Đồng Tháp Mười có giá 35.000 đồng/kg. Theo người bán, sở dĩ rau có giá bán đắt như vậy là vì rau mọc ngập trong nước. Khi thu hái, để không làm dập hay hư hại lá thì phải nhảy xuống nước và nhổ từng đám lá hẹ lên. Lá hẹ nước giòn, gần giống rong biển, thường dùng ăn lẩu mắm.

Ngoài ra, lá sầu đâu non có vị đắng nhưng hậu ngọt cũng là loại rau được các quán ăn lẫn gia đình ưa chuộng, mua về trộn gỏi với khô cá sặc, đang có giá đến 50.000 đồng/kg.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nguyên nhân chính dẫn đến giá rau dại tăng cao là do ngày càng được nhiều gia đình đô thị ưa chuộng.

Khó kiểm soát chất lượng

Bán rau dại dần trở thành một ngành của nhiều tiểu thương tại chợ, từ chỗ bán kèm dẫn tới bán chính, mang lại lợi nhuận cao như trường hợp của chị Hường bán rau tại chợ Hồ Thị Kỷ (Q.10). Chị Hường kể: “Thấy nhiều người hỏi các loại rau dại mọc tự nhiên nên tôi chuyển sang bán các loại này. Nhiều loại như rau chạy mới mang ra đã có người tới hỏi liền. Rau của tôi được mang từ Long An, Củ Chi, và Bình Chánh lên bán, đảm bảo là rau tự nhiên nên có nhiều mối quen”. Tại chợ Bến Thành cũng có hai sạp chính chuyên bán các loại rau dại như dền cơm, bộp, sam, trai… Nếu muốn mua, khách hàng có thể gọi điện thoại tới đặt hàng trước cho chủ sạp.

Tuy nhiên, nhiều người lo ngại vì rau dại được thu mua từ các hộ nông dân ở các tỉnh đưa về rồi đưa trực tiếp ra chợ, dường như không có nguồn gốc rõ ràng và cũng không hề qua sự kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm của cơ quan chức năng.

Cẩm Nhi - Nguyên Trang

>> Khúc biến tấu của rau dại
>> Nhiều rau dại quý như thuốc
>> Người khôn ăn rau dại

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.