Thế giới nói gì về TPP?

06/10/2015 11:18 GMT+7

(TNO) Lãnh đạo các quốc gia tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đồng loạt lên tiếng hoan nghênh sự ra đời của hiệp định thương mại tự do có quy mô thuộc hàng lớn nhất thế giới.

(TNO) Lãnh đạo các quốc gia tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đồng loạt lên tiếng hoan nghênh sự ra đời của hiệp định thương mại tự do có quy mô thuộc hàng lớn nhất thế giới.

Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Akira Amari (trái) vui vẻ trò chuyện cùng Đại diện Thương mại Mỹ Michael Froman trong vòng đàm phán TPP ở Singapore hồi năm 2014 - Ảnh: Reuters Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Akira Amari (trái) vui vẻ trò chuyện cùng Đại diện Thương mại Mỹ Michael Froman trong vòng đàm phán TPP ở Singapore hồi năm 2014 - Ảnh: Reuters

Reuters dẫn lời Tổng thống Mỹ Barack Obama nhận định TPP sẽ giúp thiết lập một khu vực tự do thương mại lớn nhất thế giới, đồng thời khẳng định hiệp định này “phản ánh giá trị Mỹ” và “đặt người lao động Mỹ lên hàng đầu”. Ông cũng nói thêm rằng TPP sẽ cho phép Mỹ “xuất bán nhiều hơn các sản phẩm được sản xuất tại Mỹ ra toàn cầu”.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng tán dương rằng TPP sẽ làm lợi cho cả Nhật lẫn châu Á - Thái Bình Dương. “Đây là một kết quả quan trọng không chỉ đối với Nhật Bản, mà còn cho tương lai của toàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương”, ông Abe nhận định

Ngay sau khi 12 quốc gia tham gia đàm phán TPP chính thức đạt được thỏa thuận, Bộ trưởng Thương mại Úc Andrew Robb cho biết nước này muốn Mỹ mở rộng hơn thị trường đường cho Úc, nhưng cũng thừa nhận TPP giúp đem lại lợi ích cho rất nhiều lĩnh vực, từ ngành sản xuất rượu đến dịch vụ tài chính.    

Còn Thủ tướng Úc Malcom Turnbull thì vui mừng tuyên bố: “Bất kỳ thỏa thuận nào giống vầy (TPP) cũng đều đem lại lợi ích khổng lồ cho chúng tôi. Đây là nền tảng vĩ đại cho sự thịnh vượng của chúng tôi trong tương lai”.

Thủ tướng Canada Stephen Harper hôm 5.10 hoan nghênh hiệp định thương mại tự do “lịch sử” TPP và cho rằng việc Nhật Bản mở cửa thị trường nông nghiệp sẽ là một mối lợi lớn cho nông dân và ngành tài nguyên Canada.

“Các nhà xuất khẩu Canada sẽ gần như được miễn thuế hoàn toàn khi cung cấp hàng hóa cho gần 800 triệu người tiêu dùng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương”, AFP dẫn lời ông Harper phát biểu.

“Và điều tối quan trọng với chúng tôi (khi vào TPP), đó là Nhật Bản chính là một thị trường mới mẻ rộng lớn cho doanh nghiệp và hàng hóa của Canada”, ông Harper nói thêm, đồng thời bình luận rằng TPP “vượt trên kỳ vọng lớn nhất của tôi”.

TPP hiện là vấn đề được quan tâm hàng đầu trước cuộc tổng tuyển cử diễn ra vào ngày 19.10 tới tại Canada, theo AFP. Các cuộc thăm dò cử tri cho thấy thương mại là mối quan tâm hàng đầu của công chúng đối với chính sách đối ngoại.   

Các đối thủ của ông Harper đã bày tỏ quan ngại về việc Canada phải mở cửa thị trường bơ sữa và đánh mất vị thế nhà cung cấp phụ tùng xe hơi hàng đầu của ngành công nghiệp xe hơi Mỹ. AFP cho biết thủ tướng Canada cũng đã bị chỉ trích vì tham gia các vòng đàm phán kín về TPP.

Tại vòng đàm phán diễn ra ở thành phố Atlanta (Mỹ), 12 quốc gia châu Á - Thái Bình Dương đã đạt được sự thống nhất trong thỏa thuận TPP, một hiệp định thương mại tự do được kỳ vọng sẽ dọn đường cho việc cắt giảm mạnh, thậm chí là gỡ bỏ ở một số trường hợp, hàng rào thuế quan xuất nhập khẩu và mở cửa thị trường buôn bán hàng hóa, cũng như dịch vụ. Các nước thành viên này bao gồm Brunei, Canada, Chile, Malaysia, Mexico, Mỹ, New Zealand, Nhật Bản, Peru, Singapore, Úc và Việt Nam.

Các nước tham gia đàm phán TPP cũng đã thảo luận về nhiều vấn đề, bao gồm các lĩnh vực kinh doanh nông nghiệp và công nghiệp, cũng như hoạt động cạnh tranh với khối doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, chi tiết của các vòng đàm phán vẫn không được công khai ra công chúng, mà các nhà thương thuyết sẽ soạn ra một bộ tài liệu cho chính phủ nước họ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.