Tham nhũng tăng trong mua sắm công

15/03/2013 03:35 GMT+7

Đây là một trong những thông tin đáng chú ý dựa trên kết quả khảo sát chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2012 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chủ trì tiến hành và công bố sáng qua.

Tăng hoa hồng mua sắm công

 

DN có tình hình tăng trưởng tích cực có xu hướng đưa hối lộ nhiều hơn, nghĩa là những DN có hành vi chi trả hoa hồng có khả năng phát triển cao hơn trong môi trường kinh doanh khó khăn

Đậu Anh Tuấn, Phó trưởng ban Pháp chế của VCCI

Kết quả khảo sát cho thấy, tình trạng tham nhũng vặt ở Việt Nam đã giảm nhẹ trong những năm qua. Cụ thể, trên 50% số DN ở các tỉnh có thứ hạng trung bình cho rằng chi phí không chính thức là phổ biến, giảm khá nhiều so với tỷ lệ 70% trong năm 2006 và 2007 (thời gian bắt đầu đánh giá PCI). Tỷ lệ chi phí không chính thức trên doanh thu cũng giảm từ 13% trong năm 2006 xuống còn 6,5% trong năm 2012.

Tuy nhiên, theo ông Đậu Anh Tuấn, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy tham nhũng đang dần thay đổi cách thức, đó là quy mô và phạm vi hối lộ để giành hợp đồng làm ăn với cơ quan chính phủ hoặc DN nhà nước đã gia tăng. Cụ thể là đã có khoảng 41% số DN trả hoa hồng cho cán bộ nhà nước để đảm bảo giành được hợp đồng, tăng rất nhiều so với tỷ lệ 23% năm 2011. “DN có tình hình tăng trưởng tích cực có xu hướng đưa hối lộ nhiều hơn, nghĩa là những DN có hành vi chi trả hoa hồng có khả năng phát triển cao hơn trong môi trường kinh doanh khó khăn”, ông Tuấn cho biết.

Thông tin đáng chú ý khác là sự sụt giảm đáng lo ngại ở lĩnh vực tiếp cận đất đai, chi phí thời gian, tính năng động của chính quyền tỉnh và thiết chế pháp lý. Đơn cử, dù tỷ lệ DN có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tới 75%, song số DN nhận định nguy cơ bị thu hồi mặt bằng sản xuất kinh doanh cũng lên tới 29% so với 18% năm 2008.

Nhiều “ông lớn” tụt hạng xếp hạng CPI

 
Báo cáo PCI năm thứ 8 phản ánh cảm nhận của 8.053 DN dân doanh Việt Nam về chất lượng điều hành kinh tế và môi trường kinh doanh tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Kết quả khảo sát dựa trên 9 chỉ số thành phần, gồm: Chi phí gia nhập thị trường; Tiếp cận đất đai và ổn định sử dụng đất; Tính minh bạch; Chi phí thời gian để thực hiện các quy định của nhà nước; Chi phí không chính thức; Dịch vụ hỗ trợ DN; Đào tạo lao động; Thiết chế pháp lý; Tính năng động và tiên phong.

Đồng Tháp lần đầu tiên đã trở thành tỉnh đứng đầu về xếp hạng PCI, Lào Cai phải nhường lại ngôi vị đứng đầu năm 2011 với kết quả xếp hạng ba năm 2012. Đây cũng là năm đầu tiên tỉnh An Giang vươn lên vị trí thứ hai trong khi đó, những tỉnh trước đây liên tục xếp trong nhóm đứng đầu lại tụt hạng đáng kể, như Đà Nẵng, sau khi liên tục đạt ngôi vị số 1 trong 3 năm từ 2008 - 2010 và vị trí thứ 5 trong năm 2011 thì nay đã tụt thêm 7 hạng, xuống vị trí thứ 12. Bình Dương cũng từ dẫn đầu năm 2007 thì năm nay đã xuống vị trí 19, tụt 10 bậc so với năm 2011. TP.HCM tăng 7 bậc, từ hạng 20 năm 2011 lên hạng 13, Cần Thơ từ vị trí 16 tăng 2 bậc lên vị trí 14, còn lại các TP lớn khác như Hải Phòng từ vị trí 45 năm 2011 nay đã phải đứng ở vị trí thứ 50, Hà Nội từ vị trí 36 đã tụt xuống tới thứ hạng 51.

Chia sẻ kinh nghiệm để bứt phá về thứ hạng PCI trong năm 2012, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Lê Minh Hoan cho biết, UBND tỉnh đã quyết định dùng điểm số PCI làm tiêu chí đánh giá nội bộ và đề bạt cán bộ, kết hợp với nhiều giải pháp khác. “Chúng tôi không dừng lại ở khẩu hiệu chung chung, đã phân nhóm lại DN, từ yếu đến trung bình, mạnh, tìm ra được điểm nghẽn yếu của từng nhóm DN để lãnh đạo tỉnh tiếp cận từng DN. Tôi biết hết từng DN trong tỉnh, kể cả cá tính của từng ông một. Ông nào có tham vọng, ông nào tự bằng lòng, hoặc ông nào hơi khuếch trương một tí, thực chất thế nào. Lãnh đạo tỉnh hết sức chia sẻ, khơi gợi để DN cởi mở, nói thẳng, nói thật, từ đó cùng tìm ra giải pháp hỗ trợ phù hợp nhất”, ông Hoan chia sẻ.

Theo Phó trưởng ban Pháp chế của VCCI Đậu Anh Tuấn, điểm số PCI năm 2012 đã giảm mạnh, từ 59,1 điểm năm 2011 xuống còn 56,2 điểm và không một tỉnh nào đạt đến ngưỡng 65 điểm, là mức điểm dành cho tỉnh có chất lượng điều hành xuất sắc. Đây là hiện tượng lần đầu tiên xảy ra trong điều tra PCI. 

Chỉ số niềm tin của DN FDI giảm trước và sau khi bắt Bầu Kiên

Tại Lễ công bố chỉ số PCI, ông Edmund Malesky, GS-TS kinh tế chính trị, Đại học Duke (Mỹ), Trưởng nhóm nghiên cứu PCI cho biết, cảm nhận rủi ro kinh tế vĩ mô của 1.540 DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tăng 20% trước và sau sự kiện ngày 20.8.2012 - ngày diễn ra vụ bắt giữ nguyên Phó chủ tịch Hội đồng sáng lập Ngân hàng Á Châu - Nguyễn Đức Kiên. Phương pháp thống kê chỉ ra rằng đây không phải là điều tình cờ. Tỷ lệ rủi ro kinh tế đã tăng từ 20% vào ngày 20.8 lên 80% vào ngày cuối cùng của đợt điều tra vụ việc “bầu Kiên”.

 

Bảo Cầm

>> Tham nhũng trong đấu thầu công lại tăng
>> Còn nể nang trong phòng chống tham nhũng
>> Chữ "tình" trong án tham nhũng
>> Bộ Xây dựng ra Chỉ thị về phòng, chống tham nhũng
>> Phải nghiêm khắc với tội phạm tham nhũng
>> Chống tham nhũng “chỉ mới bắt được mèo con”
>> Tìm giải pháp phòng chống tham nhũng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.