Sức mua chậm, giá vẫn tăng

11/12/2010 08:48 GMT+7

Thị trường Tết còn trầm lắng nhưng giá nhiều mặt hàng vẫn “nóng”.

Mọi năm, vào thời điểm này, thị trường bánh mứt, quần áo, xe máy... đã bắt đầu nhộn nhịp. Thế nhưng năm nay, tiểu thương, đại lý kinh doanh đang than ngắn thở dài vì các mặt hàng này tăng giá, buôn bán ế ẩm...

“Sốt” giá kẹo, mứt Tết
 
Đã vào mùa mua sắm tết nhưng khu vực bánh mứt ở chợ Bình Tây (TPHCM) khá vắng vẻ, tiểu thương thảnh thơi ngồi nói chuyện phiếm với nhau. Bà Ứng Thị Liên, tiểu thương chợ Bình Tây, than thở: “Mọi năm, giờ này tôi đã nhập 30-50 tấn bánh, kẹo, mứt để bán Tết; còn năm nay chỉ mới “kéo” về 10 tấn nhưng mối lái các nơi chưa thấy liên lạc gì”.
 
Tại TPHCM, người tiêu dùng ngày càng thích vào siêu thị mua hàng có nguồn gốc xuất xứ, thương hiệu rõ ràng nên hàng chợ bán chậm hẳn. Tại chợ Bình Tây, giá các loại mứt đã tăng 20% - 30%, cá biệt có loại tăng đến 40%. Giá các loại bánh hộp giấy, hộp thiếc cũng tăng từ 8% - 15%.
 
Bà Hoàng Thị Tâm Ái, Giám đốc Công ty Trí Đức (nhãn hiệu mứt Lạc Xuân), cho biết: Ngoài giá đường, hầu hết các loại nông sản như gừng, hạt sen, dừa... đều tăng cao nên giá mứt đã tăng khoảng 20% - 30% so với trước. Giá mứt gừng hiện từ 68.000 đồng – 70.000 đồng/kg (tăng gần 20.000 đồng/kg), hạt sen 110.000 đồng/kg (tăng 20.000 đồng/kg); các loại mứt dừa, củ năn... cũng tăng khá.
 
Theo giới sản xuất kinh doanh mứt Tết, nguyên liệu chế biến kẹo, mứt Tết không thiếu nhưng giá đường, nguyên liệu tăng mạnh, thị trường khó đoán nên các hãng sản xuất ít. Đến gần Tết, nếu sức mua tăng cao, sẽ dễ xảy ra hút hàng, sốt giá kẹo, mứt.
 
Không chỉ tiểu thương ở chợ mà các siêu thị cũng cho rằng thị trường bánh mứt tết năm nay rất khó đoán. Theo bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Giám đốc Maximark Cộng Hòa, ngoài các loại bánh ngoại nhập được giới thiệu là hàng của Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Singapore..., năm nay, tại các chợ và siêu thị còn có bánh nhập từ châu u với giá trên dưới 100.000 đồng/hộp. Mọi năm, sức tiêu thụ bánh mứt Tết ở siêu thị tăng 20% so với tháng bình thường nhưng năm nay, giá tăng quá cao, tình hình kinh tế khó khăn nên khó có thể dự đoán được sức mua.
 
Xe gắn máy bị “kích” giá
 
Vài ngày qua, mặc dù sức mua chỉ tăng nhẹ nhưng giá xe gắn máy tại thị trường TPHCM đã đồng loạt tăng. Theo ông Trần Đức Bình, kinh doanh xe máy ở quận 10 - TPHCM, đã vào mùa mua sắm cuối năm nên giới kinh doanh xe máy “kích” giá lên để đón đầu lượng khách dịp Noel, Tết Dương lịch. Từ nay đến Tết Nguyên đán, giá xe máy sẽ còn tăng.
 
Anh Hải Văn, nhà ở quận Bình Thạnh - TPHCM, một khách hàng mua xe máy, cho biết: “Tôi đến các đại lý hỏi mua xe Honda PCX, Air Blade (loại có màu sơn 3D), Lead đều được trả lời là không có hàng. Họ yêu cầu tôi đăng ký chờ nhưng không cho biết sẽ phải chờ bao lâu”. Trong khi đó, tại các cửa hàng bên ngoài, khách muốn mua bao nhiêu xe cũng có nhưng với mức giá cao hơn gần cả chục triệu đồng/chiếc xe Air Blade (sơn 3D) bị đẩy giá lên 46 triệu đồng/chiếc, Air Blade FI lên 42 triệu đồng/chiếc, PCX gần 60 triệu đồng/chiếc... Theo tìm hiểu của chúng tôi, không chỉ xe của Honda mà các loại xe tay ga của các hãng Suzuki, Yamaha cũng được các cửa hàng đẩy giá tăng thêm cả triệu đồng/chiếc...
 
Nhiều loại xe nhập khẩu  còn được “thổi” giá lên hàng trăm USD/chiếc. Tại một số đại lý xe máy, người bán còn “dọa” nếu không mua sớm sẽ... hết hàng. Hiện xe SH đã tăng lên 8.100 USD - 8.400 USD/chiếc, PS 125 phân khối 6.400 USD/chiếc, PS 150 phân khối 7.100 USD/chiếc, Air Blade Thái Lan 66 triệu đồng/chiếc, PCX Thái Lan 86 triệu đồng/chiếc...

Bánh kẹo không tên vẫn tràn ngập

Theo giới tiểu thương các chợ sỉ, 2-3 năm trở lại đây, sức tiêu thụ bánh, kẹo, mứt Trung Quốc giảm mạnh. Tuy nhiên, qua khảo sát tại chợ Bình Tây, chúng tôi nhận thấy mặt hàng bánh, kẹo, mứt không có nhãn phụ tiếng Việt, không có ngày sản xuất, hạn sử dụng hoặc “đát” lem nhem không đọc được... vẫn đầy rẫy. Nhiều nhất vẫn là các loại kẹo gói bằng giấy kiếng, giấy láng sặc sỡ, bánh xốp, kẹo sữa, thạch rau câu và sô-cô-la... giá từ 42.000 đồng – 75.000 đồng/kg...

Giới sản xuất kinh doanh bánh kẹo cho biết đa số sản phẩm này được nhập theo đường tiểu ngạch vào Việt Nam và đang tiêu thụ mạnh tại các tỉnh. Ngoài ra, có không ít loại bánh hộp quá hạn sử dụng, kém chất lượng nhập từ Indonesia, Malaysia, Trung Quốc... được người bán “phù phép” thay đổi nhãn mác, bao bì, hạn sử dụng và bán ra thị trường với giá bằng hoặc rẻ hơn hàng nội địa.

Phó tổng giám đốc một công ty bánh kẹo nổi tiếng ở TPHCM cho biết ông đã ăn thử bánh kẹo ngoại giá rẻ và không bất ngờ về chất lượng của những sản phẩm này. “Với tỉ giá USD như hiện nay và giá nguyên liệu sản xuất trên thế giới tăng mà bánh kẹo ngoại nhập giới thiệu là hàng của Singapore, Thái Lan, Indonesia, Malaysia... chỉ tương đương giá hàng sản xuất trong nước thì không thể có bánh ngon, chất lượng được!” – vị này nhận xét.

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.