Sức mua càng “kích” càng yếu - Kỳ 4: Giảm tồn kho vẫn bế tắc

28/12/2012 03:45 GMT+7

Trong nỗ lực giảm tồn kho của mình, các doanh nghiệp gặp không ít khó khăn cả ở thị trường nội địa và xuất khẩu. Họ đang trông chờ vào sự hỗ trợ của cơ quan quản lý trong khi các bộ, ngành lại cho rằng DN phải tự thân là chính.

Sức mua càng “kích” càng yếu - Kỳ 4: Giảm tồn kho vẫn bế tắc
Ngành thép đang có lượng tồn kho cao và phải đối mặt với tình trạng cạnh tranh xấu từ hàng nhập khẩu - Ảnh: Diệp Đức Minh

Giảm giá, khuyến mãi mất "linh"

Sức mua trong nước yếu, nhiều mặt hàng còn phải lo đối phó với sự cạnh tranh từ hàng nhập khẩu khiến lượng tồn kho ngày càng tăng. Cụ thể như trường hợp của ngành thép. Sản lượng thép các loại 11 tháng ước đạt 5,55 triệu tấn, tăng 1,8% so với cùng kỳ. Hiện sức mua yếu, lượng thép tồn kho giảm nhưng không đáng kể trong khi đó lượng thép nhập khẩu tăng 15,6%, đặc biệt là thép Trung Quốc. Theo ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), các doanh nghiệp (DN) trong ngành đã và đang cố gắng để giảm tồn kho bằng hàng loạt biện pháp như: đẩy mạnh xuất khẩu, tăng khả năng quản trị để giảm chi phí sản xuất nâng cao khả năng cạnh tranh... nhưng cũng không ổn.

Ở ngành cơ khí, điện tử, các nhà phân phối ra sức kích cầu bằng nhiều chương trình khuyến mãi hạ giá, hỗ trợ các thủ tục... để giải phóng hàng tồn kho, thu hồi vốn. Nhưng các DN trong ngành, nhất là ngành sản xuất lắp ráp ô tô, vẫn hết sức khó khăn, lợi nhuận thấp và thậm chí thua lỗ lớn. Đây cũng là tình trạng của các ngành vật liệu xây dựng, thời trang, tiêu dùng, thực phẩm...

Có thể thấy rất rõ, giải pháp của hầu hết DN trong nỗ lực giảm tồn kho là khuyến mãi, giảm giá, tặng dịch vụ... nhưng các giải pháp này trên thực tế đã "mất linh". Với mặt bằng giá đã bị đẩy lên cao, chi phí tăng, thu nhập thực tế giảm, hầu hết người dân đều có tâm lý thắt lưng buộc bụng, chỉ chi tiêu cho những việc thiết yếu nên các giải pháp trên không phát huy tác dụng như mong muốn. 

Cần có chính sách

Ông Lê Dương Quang, Thứ trưởng Bộ Công thương, thừa nhận mọi năm vào thời điểm này sức mua rất cao nhưng năm nay vẫn còn rất yếu. Bộ sẽ tiếp tục đẩy mạnh các chương trình xúc tiến thương mại, giảm giá, đưa hàng đến tận tay người tiêu dùng, đưa hàng về nông thôn, vùng sâu vùng xa... nhưng sẽ cần phải thêm một thời gian nữa. Hiện Bộ Công thương cũng đang phát động chương trình cho các tập đoàn, tổng công ty trực thuộc Bộ ưu tiên dùng hàng của nhau; đẩy mạnh việc thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tăng cường xúc tiến thương mại trong và ngoài nước... Nhiều địa phương cũng bắt đầu thực hiện kế hoạch ứng vốn hỗ trợ lãi suất cho các DN dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường trong dịp Tết Nguyên đán. Nhiều chương trình khuyến mãi lớn được các DN và các siêu thị triển khai để chuẩn bị cho nhu cầu mua sắm tết. Song, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ tháng 11 chỉ nhích lên một chút với mức tăng 0,8% so với tháng 10 và tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu loại bỏ yếu tố tăng giá thì tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ chỉ tăng 6,39%.

TS Nguyễn Đình Cung, Phó viện trưởng Viện Quản lý kinh tế trung ương (CIEM), cho rằng cần phân loại hàng tồn kho, từ đó phân tích nguyên nhân của từng trường hợp cụ thể mới có thể tìm ra giải pháp phù hợp. Chủ yếu vẫn là nỗ lực tự thân của các DN. Một trong những giải pháp mà có thể có hiệu quả tốt là DN phải giảm giá bán để tăng sức mua.

Trong khi đó, hầu hết DN lại cho rằng dù nỗ lực tự thân của họ là quan trọng nhưng nếu không có cơ chế chính sách kích cầu, tăng sức mua thì khó lòng thực hiện giảm tồn kho được. Cụ thể như ngành thép, ông Nguyễn Tiến Nghi cho rằng về phần DN, họ đã cố gắng hết sức, nhưng có những cái thuộc về cơ chế chính sách thì nhà nước phải hỗ trợ DN. Bởi giảm hàng tồn của ngành thép phụ thuộc vào thị trường bất động sản, đầu tư công... Vì vậy, đối với đầu tư công, công trình nào đã đồng ý cấp phép thì nên cấp vốn cho xây dựng để tạo đầu ra.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng phải kiểm soát hàng nhập lậu, tránh để hàng ngoại giá rẻ “đè” chết hàng nội, nhất là trong bối cảnh lực cầu ở thị trường nội địa yếu như hiện nay.

Chí Nhân

>> Sức mua càng kích càng yếu
>> Sức mua càng “kích” càng yếu - Kỳ 2: Vật liệu xây dựng ế ẩm
>> Sức mua càng “kích” càng yếu - Kỳ 3: Thấp thỏm hàng may mặc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.