Sẽ giảm lãi suất huy động xuống 9%/năm

08/06/2012 03:25 GMT+7

Đó là khẳng định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình tại phiên thảo luận chiều qua.

Trước hàng loạt kiến nghị, đề xuất của ĐB phải làm rõ vì sao lãi suất (LS) giảm quá chậm khiến nhiều doanh nghiệp (DN) phá sản đổ vỡ, ông Bình lý giải do chi phí vốn của NH vẫn còn cao, thanh khoản hệ thống chưa thực sự ổn định và do các NH cũng là DN, làm ăn đảm bảo lợi nhuận, nên giá vốn bán ra chưa thể rẻ ngay được.

Kể từ đầu năm, lãi vay giảm từ 2 - 5%/năm, đến cuối tháng 5 giảm mạnh hơn. Tuy nhiên từ cuối 2011, hệ số sử dụng vốn của các NH lên tới trên 116%, nay hệ số này hiện còn 90%, thể hiện mức thanh khoản đã được cải thiện, nhưng chưa vững chắc. Vì vậy, mục tiêu hàng đầu các NH phải giữ thanh khoản, nên chưa dám tăng tín dụng mạnh.

Do nợ xấu chung toàn hệ thống tăng từ mức 6 - 10%, đẩy chi phí của NH lên cao khiến chiều hướng giảm LS chung không như mong muốn. Để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, ông Bình cho biết, ngày 11.6 tới đây sẽ xin phép Thủ tướng giảm LS huy động từ 11% xuống còn 9%/năm. “Mức lãi này phù hợp với diễn biến của lạm phát, chỉ tăng khoảng 0,2% trong tháng, đảm bảo thực dương cho người gửi tiền, vẫn giữ được vị thế so với đồng USD, từ đó tạo điều kiện tăng tín dụng”, ông Bình nói.

Sẽ giảm lãi suất huy động 
Lãi suất huy động còn 9%/năm sẽ tạo điều kiện tăng tín dụng - Ảnh: Diệp Đức Minh

Bên cạnh đó, NHNN đang trình Chính phủ thành lập công ty mua bán nợ quốc gia, nhằm xử lý 100.000 tỉ đồng nợ xấu. Ngoài ra, sẽ thành lập Quỹ hỗ trợ vốn vay mua nhà người có thu nhập trung bình để nhanh chóng giải tỏa hàng tồn kho trong lĩnh vực bất động sản; đẩy mạnh bảo lãnh tín dụng cho các DN vừa và nhỏ.

Kể từ tháng 2, sau khi có dấu hiệu lạm phát được kiểm soát, ông Bình cho biết, NHNN đã cung ra lượng tiền khoảng 180.000 tỉ đồng và mua vào 9 tỉ USD.

Thuế suất của VN ở mức thấp?

Về đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) và thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ cho biết: “Nhiều ĐB đòi giảm ngay 50% GTGT, tức từ 10% xuống còn 5%, nhưng thuế GTGT là thuế gián thu, nếu giảm hết thì ngân sách 2012 giảm 115.810 tỉ bằng 16,5% tổng thu, còn giảm 50% tương đương 70.000 tỉ đồng, sẽ không có nguồn nào bù vào”.

Ngoài ra, nếu giảm thuế GTGT trong nước mà không giảm hàng nhập khẩu lại vi phạm cam kết WTO phân biệt đối xử với hàng hóa. Nhìn thực tiễn triển khai năm 2009 khi giảm 50% thuế GTGT, ông Huệ cho rằng, các DN vẫn không giảm giá bán cho người tiêu dùng nên tác động chính sách là không rõ rệt, cũng không có chế tài nào bắt buộc DN giảm. “Phương án giảm thuế GTGT, Chính phủ đang giao cho Bộ Tài chính nghiên cứu tiếp và sẽ trình vào tháng 6 này theo hướng giảm một số phân khúc nào đó”, Bộ trưởng Huệ nói.

Liên quan đến thuế TNDN, theo kế hoạch đến năm 2020 sẽ giảm từ 25% còn 20%. Theo ông Huệ, qua khảo sát tại 83 nước có 48 nước thuế suất từ 26% đến 45%, trong đó có 36 nước trên 30%, và 12 nước thuế suất 25% như VN. Trung bình cả thế giới ở mức 27%, các nước đã phát triển 29%, đang phát triển 27%. Vì vậy, hiện thuế suất của VN ở mức thấp so với trung bình của thế giới. Trong chương trình xây dựng pháp luật sang năm, sẽ trình luật sửa đổi thuế TNDN dự kiến trước mắt giảm xuống còn 22-23%. Nếu giảm 30% thuế TNDN cho DN vừa và nhỏ thì thuế suất còn 17%, nếu giảm theo đề nghị của các ĐB từ 25% xuống 20% cho năm 2012 thì ngân sách sẽ giảm 20.442 tỉ đồng, chỉ 6 tháng giảm hơn 10.000 tỉ đồng. “Số giảm lớn như thế này, trong điều kiện thu ngân sách 5 tháng rất thấp so với 5 năm trở lại đây, trong khi dầu thô đang giảm rất nhanh, không đảm bảo cân đối được ngân sách”, ông Huệ nói.

Anh Vũ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.