Quy hoạch giao thông không khả thi

23/11/2012 02:30 GMT+7

Mặc dù rất khẩn cấp (tháng 12.2012 phải trình Thủ tướng Chính phủ) nhưng báo cáo điều chỉnh quy hoạch phát triển GTVT TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 của Bộ GTVT trước UBND TP.HCM sáng 22.11 vẫn không thuyết phục về tính khả thi.

 
Nếu làm đường trên cao số 1, đường Ngô Tất Tố (Q.Bình Thạnh) dường như không thể giải tỏa được nhà dân - Ảnh: Diệp Đức Minh

Góp ý 5 năm vẫn không thay đổi

Cụ thể, trước đề xuất phương án điều chỉnh tuyến đường trên cao số 1 bắt đầu từ nút giao Cộng Hòa theo đường Cộng Hòa - Trần Quốc Hoàn - Phan Thúc Duyện - Hoàng Văn Thụ - Phan Đăng Lưu - Phan Xích Long - Phan Xích Long (nối dài) - Ngô Tất Tố (nối dài) và kết thúc tại cuối đường Ngô Tất Tố với chiều dài 9,8 km, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM Bùi Xuân Cường cho rằng cần xem xét tính khả thi trong quá trình triển khai vì lộ giới đường Ngô Tất Tố vừa giải tỏa, giờ giải tỏa thêm một lần nữa sẽ rất khó khăn. Bên cạnh đó, dọc tuyến Hoàng Văn Thụ - Phan Đăng Lưu có tuyến đường sắt số 5 đi ngầm giữa lòng đường thì không thể bố trí hệ thống cọc trụ cho đường trên cao.

 

Giờ có những con đường chúng ta cứ đưa lộ giới 20 m, 30 m ngay giữa trung tâm TP thì hỏi làm sao mở được. Người dân đã bao nhiêu năm nay chịu đựng cảnh này. Kể cả những đường đang dự phóng, trên bản đồ mình cứ ngồi vẽ ra đây, vạch ra một đường xong rồi thì người dân trong khu vực đó chịu chết. Không xây, không cất, không mua, không bán, không làm được cái gì hết

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín

Đề xuất bổ sung thêm tuyến đường trên cao số 5 bắt đầu từ nút giao thông ngã tư Trạm 2, chạy dọc theo đường Vành đai 2 (QL1A), giao với tuyến số 4 tại đường Vườn Lài và kết thúc tại nút giao An Lạc, chiều dài khoảng 34 km, quy mô 4 làn xe, cũng gây ra nhiều băn khoăn. Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín cho biết: “Lộ giới quy hoạch đường Vành đai 2, đoạn An Sương - An Lạc hiện đã 120 m, nếu đưa thêm tuyến số 5 vào nữa thì sẽ không biết bao giờ làm được vì khu dân cư 2 bên đường dày đặc”.

Kiến nghị chuyển tuyến đường sắt Hòa Hưng - Tân Kiên (theo Quyết định 101/QĐ-TTg) thành tuyến đường sắt đô thị, tuyến tàu điện ngầm (metro) số 7, có nối ray với ga Hòa Hưng và ga Tân Kiên để tăng năng lực vận tải hành khách đô thị cũng gây ra sự phản ứng. Ông Nguyễn Hữu Tín nói: “5 năm trước Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng vào đây làm việc, TP đã góp ý về vấn đề này, giờ 5 năm sau vẫn cứ giữ nguyên như cũ. Mới đây, trong cuộc làm việc với Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng đã thống nhất với TP phương án dịch chuyển ga Hòa Hưng ra đường Cách Mạng Tháng 8, nối vào tuyến metro số 2 để hòa vào hệ thống giao thông chung của TP. Giờ lại đề xuất như vậy sẽ không thể làm nổi, toàn bộ đường 3 Tháng 2 phải cắm mốc lộ giới hết, mà thật ra lại không giải quyết được nhu cầu vận chuyển”.

Tầm nhìn hạn chế

Thực tế, trong quá trình thực hiện một số dự án giao thông quan trọng trên địa bàn TP.HCM (đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, đường nối đại lộ Đông - Tây với đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương, dự án nâng cấp mở rộng QL50...) ít nhiều đều chậm tiến độ vì vướng phải khâu giải phóng mặt bằng. Có nhiều quy hoạch không khả thi, bị treo 10, 20, 30 năm nay. Đây là một vấn đề nan giải đối với TP.HCM trong nhiều năm qua. Trong khi đó, nhiều đề xuất điều chỉnh quy hoạch giao thông lại theo chiều hướng làm tăng khối lượng đền bù, giải tỏa nhà dân.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Tín nói thẳng: “Tôi thấy nhiều nơi trên thế giới không có TP nào lại cứ tính chuyện đục nhà dân để làm đường. Tại sao chúng ta không bàn đến việc mở các đường vành đai, các trục hướng tâm, hình thành những đô thị vệ tinh để giãn dân trên cơ sở chỉnh trang đô thị và giao thông. Quy hoạch và điều chỉnh giao thông là đảm bảo cho việc phát triển trước mắt và lâu dài nhưng đòi hỏi phải khả thi, ít gây xáo trộn cuộc sống người dân. Giờ có những con đường chúng ta cứ đưa lộ giới 20 m, 30 m ngay giữa trung tâm TP thì hỏi làm sao mở được. Người dân đã bao nhiêu năm nay chịu đựng cảnh này. Kể cả những đường đang dự phóng, trên bản đồ mình cứ ngồi vẽ ra đây, vạch ra một đường xong rồi thì người dân trong khu vực đó chịu chết. Không xây, không cất, không mua, không bán, không làm được cái gì hết. Chúng ta giờ phải đứng trước thực tiễn ấy. Ngay cả những quy hoạch đã công bố từ lâu, bây giờ tôi cũng đang lo vì không biết bao giờ thực hiện được”.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông nhìn nhận hạn chế của nội dung điều chỉnh quy hoạch lần này chỉ dừng ở mức độ cập nhật, không nghiên cứu tổng thể, do vậy sẽ tiếp thu ý kiến địa phương để hoàn chỉnh quy hoạch.

Tổng mức đầu tư lên đến 869.786 tỉ đồng

Điều chỉnh quy hoạch phát triển GTVT TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 của Bộ GTVT lần này căn cứ trên Quyết định số 24/QĐ-TTg ngày 6.1.2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch xây dựng chung TP.HCM đến 2025 theo hướng mở, kết nối đường bộ, đường sắt, đường thủy giữa TP.HCM với các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam.

Các điều chỉnh cơ bản: tỷ lệ cơ cấu GTVT, đến năm 2020 giao thông công cộng 20 - 25%, đến 2030 chiếm 35 - 45%, sau 2030 chiếm 50 - 60%; phương tiện cá nhân (ô tô con, xe máy, xe đạp) hiện chiếm khoảng 88 - 91% thì sau năm 2020 chỉ còn 72 - 77% và sau năm 2030 giảm xuống 35 - 45%. Đề xuất điều chỉnh đường Vành đai 2 thành đường cao tốc đô thị, đường Vành đai 4 bổ sung đoạn từ Trảng Bom đến Phú Mỹ với quy mô cao tốc; chuyển chức năng đường đô thị cấp 1 trục đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Trường Sơn - Hoàng Văn Thụ - Thoại Ngọc Hầu - Đất Mới - Tên Lửa (Vành đai 1 cũ) thành đường phố chính đô thị; nối dài đại lộ Đông - Tây từ QL1A đến Vành đai 3... với tổng mức đầu tư đến năm 2020 lên đến 869.786 tỉ đồng...

Đình Phú

>> Quy hoạch giao thông lại bị chồng lấn
>> Hầu hết dự án hạ tầng giao thông ở TP.HCM đang gặp khó
>> Dùng tiền phạt để sửa chữa các công trình giao thông
>> Vẽ tranh về an toàn giao thông
>> Cả gia đình chết vì tai nạn giao thông

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.