Quốc hội phải giám sát toàn bộ quá trình xây dựng sân bay Long Thành

04/06/2015 15:40 GMT+7

(TNO) Thảo luận về chủ trương đầu tư xây dựng dự án Cảng hàng không quốc tế (CHK) Long Thành tại phiên họp Quốc hội sáng nay 4.6, đa số đại biểu nhất trí về chủ trương đầu tư nhưng có ý kiến đề nghị phải có cơ quan tư vấn độc lập về dự án này để dân được yên lòng, và Quốc hội phải giám sát toàn bộ quá trình thực hiện dự án.

(TNO) Thảo luận về chủ trương đầu tư xây dựng dự án Cảng hàng không quốc tế (CHK) Long Thành tại phiên họp Quốc hội sáng nay 4.6, các đại biểu nhất trí về chủ trương đầu tư nhưng có ý kiến đề nghị phải có cơ quan tư vấn độc lập về dự án này để dân được yên lòng, và Quốc hội phải giám sát toàn bộ quá trình thực hiện dự án.

duong-trung-quocĐại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) đề nghị phải có các cơ quan tư vấn độc lập để dân yên lòng
về dự án sân bay Long Thành - Ảnh: Ngọc Thắng
Theo các đại biểu Quốc hội, dự án CHK Long Thành sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải hàng không của khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam đang tăng cao và giải quyết tình trạng quá tải của sân bay Tân Sơn Nhất, trong điều kiện không thể cải tạo mở rộng và phương án sử dụng sân bay quân sự Biên Hòa kết hợp với hàng không dân dụng là không khả thi.
Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho rằng, dự án Long Thành cần được đặt trong một tầm nhìn lâu dài, vượt qua hiện thực trước mắt. Dẫn chiếu bài học Tân Sơn Nhất từng là một trong những sân bay lớn nhất khu vực, nhưng hàng chục năm qua bị thu hẹp, quy hoạch không phù hợp, dẫn đến việc chật chội như hiện tại và buộc phải tính xây dựng sân bay khác; rồi việc quy hoạch sân bay Long Thành vốn là dự án thành phần của dự án quy hoạch Đông Nam bộ, Nam bộ đã được triển khai 10 năm, qua 2 đời Thủ tướng và các dự án thành phần khác đã thực hiện, ông Quốc cho rằng, “lẽ ra việc này (chủ trương xây dựng sân bay Long Thành) phải bàn từ lâu chứ không phải bây giờ, khi các hợp phần khác đã được triển khai”. Để triển khai dự án, ông Quốc đề nghị phải có các cơ quan tư vấn độc lập để dân yên lòng.
Đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) thì đề nghị cần công khai minh bạch đối với dự án này. “Nghị quyết Quốc hội cần nhấn mạnh giao trách nhiệm cho Chính phủ tăng cường minh bạch, công khai trong quá trình triển khai dự án. Đồng thời, Quốc hội phải giám sát toàn bộ quá trình thực hiện dự án. Có như vậy mới tạo được niềm tin của người dân vào quá trình triển khai dự án”, ông Học nói.
Hoàn thành càng sớm càng tốt
Góp ý tại phiên thảo luận, đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) ủng hộ việc đầu tư xây dựng CHK Long Thành thay vì mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất. Ông Lịch đưa ra 3 lý do để thuyết phục: Thứ nhất, do Tân Sơn Nhất nằm trong nội thành, về lâu dài không thể có sân bay quốc tế nằm trong khu dân cư. Thứ hai việc đền bù giải toả bất khả thi và rất tốn kém. Thứ ba, vùng đô thị TP.HCM không có quy hoạch mở rộng Tân Sơn Nhất và giao thông kết nối không có cho Tân Sơn Nhất.
“TP.HCM ủng hộ xây dựng sân bay Long Thành để giải toả quá tải cho Tân Sơn Nhất, vì nếu Tân Sơn Nhất công suất tối đa 25 triệu khách/năm thì quá tải rất nhanh, lúc đó không chỉ TP.HCM mà cả vùng trọng điểm kinh tế phía Nam gặp trở lực”, ông Lịch phân tích thêm.
Thậm chí, đại biểu này cho rằng, nếu dự án Long Thành chậm thì Tân Sơn Nhất sẽ quá tải mà không trở tay kịp. Vì vậy, theo lộ trình dự án 2025 sẽ hoàn thành giai đoạn 1 nhưng thực tế có thể làm sớm hơn. “Hiện quá tải nhà ga, bãi đậu, quá tải không lưu không thể giải quyết được. Chưa kể tới đây không thể để máy bay cất hạ cánh trong khu dân cư từ 0 - 5 giờ, nên chủ trương Long Thành làm sao trước 2025 có sân bay có công suất 25 triệu hành khách cùng cùng Tân Sơn Nhất giải quyết cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là vấn đề bức xúc”, ông Lịch nói.
tran-hoang-nganỦng hộ chủ trương xây dựng sân bay Long Thành song ông Trần Hoàng Ngân còn băn khoăn về
hiệu quả nội bộ của dự án - Ảnh: Ngọc Thắng
Cũng đồng tình xây sân bay Long Thành, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) khẳng định, việc xây dựng CHK Long Thành là cần thiết vì sau khi hoàn thành, dự án này sẽ góp phần giải quyết tình trạng quá tải của sân bay Tân Sơn Nhất. Còn việc Long Thành có trở thành trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực hay không, theo đại biểu Ngân, do chưa có đủ cơ sở khoa học dữ liệu nên ông chưa phát biểu chính kiến riêng về vấn đề này.
Bên cạnh ủng hộ chủ trương, ông Trần Hoàng Ngân cũng bày tỏ băn khoăn về hiệu quả nội bộ của dự án. “Theo báo cáo tiền khả thi của Chính phủ, tỷ số sinh lợi của dự án lên đến 24,5%, trong khi mức bình quân xã hội hiện nay chỉ là 10 - 12%. Con số có đánh bóng hay không? Nếu tính bằng USD thì con số này lại càng bong bóng”, ông Ngân nhận định. Mặc dù vậy, đại biểu này cũng bày tỏ thông cảm với ban soạn thảo dự án vì đây là báo cáo tiền khả thi.
Tác động đến nợ công cao nhất là 0,28% GDP
Báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự án đầu tư xây dựng CHK Long Thành tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu - đại diện cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, có ý kiến đề nghị cần làm rõ hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án, đánh giá tác động của việc thực hiện dự án đối với vấn đề nợ công.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội dẫn tính toán của Hội đồng thẩm định Nhà nước cho hay, tỷ suất nội hoàn kinh tế (EIRR) của dự án là 24,5%, cao hơn tỷ suất chiết khấu trung bình của xã hội, và cho rằng dự án có tính khả thi cao. Dự án đầu tư mới đang ở bước lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi nên chưa được nghiên cứu chi tiết về hiệu quả tài chính. Tuy nhiên, qua tính toán báo cáo tiền khả thi, chỉ số nội hoàn tài chính (FIRR) đối với hạng mục nhà ga là 13,9%, xem xét cho thời hạn 25 năm.
Ngoài ra, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc đầu tư xây dựng CHK Long Thành sẽ mang lại nhiều hiệu quả kinh tế - xã hội, như thúc nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa cả nước nói chung và khu vực kinh tế trọng điểm Đông Nam bộ và các tỉnh phía Nam Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng; đóng góp vào tăng trưởng GDP cả nước; hình thành khu vực công nghiệp, dịch vụ chất lượng cao, tập trung lao động có tay nghề, qua đó không những tạo ra cơ sở vật chất trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa mà còn góp phần trong tái cơ cấu lực lượng lao động, nâng cao trình độ kỹ thuật của nền kinh tế; tạo việc làm cho khoảng 200.000 lao động…
Về tác động của dự án đối với nợ công, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dẫn báo cáo của Bộ Tài chính đánh giá trong các kịch bản được tính toán, mức độ tác động của dự án đến nợ công cao nhất là 0,28% GDP.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.