Ồ ạt gọi vốn từ cổ đông

09/04/2015 05:00 GMT+7

Nhiều doanh nghiệp trong mùa đại hội cổ đông 2015 đã liên tục đề nghị các cổ đông biểu quyết thông qua việc phát hành thêm cổ phiếu.

Nhiều doanh nghiệp trong mùa đại hội cổ đông 2015 đã liên tục đề nghị các cổ đông biểu quyết thông qua việc phát hành thêm cổ phiếu.

Phát hành thêm ồ ạt khiến CP bị pha loãng và làm tăng rủi ro cho nhà đầu tư - Ảnh: D.Đ.M
Phát hành thêm ồ ạt khiến CP bị pha loãng và làm tăng rủi ro cho nhà đầu tư - Ảnh: D.Đ.M
Đại hội cổ đông 2015 của CTCP cơ điện xây dựng VN (MCG) đã thông qua các tờ trình của hội đồng quản trị, trong đó có kế hoạch phát hành 30 triệu cổ phiếu (CP). Số lượng CP này chiếm hơn 50% số CP đang được niêm yết và giao dịch của MCG.
Thậm chí công ty này sẽ phải phát hành CP dưới mệnh giá do giá giao dịch hiện nay của MCG trên sàn chỉ khoảng 6.000 đồng/CP. Công ty chỉ mới có lãi trở lại sau một thời gian khá dài thua lỗ. Vì thế, việc nhiều cổ đông cho rằng việc huy động vốn quá lớn chưa chắc sẽ thành công là điều dễ hiểu.
Tương tự, CTCP đầu tư và công nghiệp Tân Tạo (ITA) cũng liên tục xin phát hành thêm CP. Năm 2014, ITA đã phát hành 100 triệu CP để cấn trừ công nợ và ngay trong những tháng đầu năm 2015, ITA lại tiếp tục phát hành thêm gần 120 triệu CP cũng với lý do tương tự. Hay CTCP Tập đoàn FLC cũng sẽ phát hành thêm hơn 464,8 triệu CP. Số lượng CP phát hành mới này cao hơn tổng số lượng CP đang được niêm yết và giao dịch trên sàn chứng khoán TP.HCM.
“Khủng” hơn phải kể đến CTCP nông dược HAI khi đưa ra kế hoạch tăng vốn theo cấp số nhân, từ 174 tỉ đồng cuối năm 2014 sẽ tăng lên hơn 1.000 tỉ đồng. Như vậy tổng số lượng CP phát hành thêm trong năm nay sẽ là gần 84,6 triệu CP, gấp gần 5 lần số lượng CP công ty đang lưu hành...
Theo quy định, định kỳ 6 tháng kể từ ngày kết thúc đợt chào bán CP, các doanh nghiệp (DN) phải có báo cáo tiến độ sử dụng vốn. Nhưng thời gian qua nhiều DN không thực hiện đúng theo quy định này, nên cổ đông cũng khó biết DN đã sử dụng nguồn vốn như thế nào. Bên cạnh đó, việc giám sát quá trình huy động và sử dụng vốn từ các cơ quan quản lý nhà nước và hành lang pháp lý cũng chưa chặt chẽ. Dự kiến sắp tới, Bộ Tài chính sẽ quy định chặt chẽ hơn như đối với các trường hợp chào bán với khối lượng lớn hơn 25% vốn điều lệ, yêu cầu xác định rõ đối tác được chào bán trong nghị quyết đại hội cổ đông và không cho phép ủy quyền cho hội đồng quản trị thay đổi các đối tác này. Hay đối với trường hợp chào bán để hoán đổi nợ, hoán đổi cổ phần, phần vốn góp tại DN khác, yêu cầu phải có xác nhận của công ty kiểm toán được chấp thuận có chức năng thẩm định giá...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.