Nông nghiệp công nghệ cao - Kỳ 13: Cho bồ câu nghe nhạc

04/05/2015 06:13 GMT+7

Từ một lần mở nhạc trên điện thoại di động khi đứng trong chuồng bồ câu, anh Thiều Quang Toàn (43 tuổi, trú thôn Hiệp Thanh, xã Cam Thịnh Đông, TP.Cam Ranh, Khánh Hòa) đã phát hiện âm nhạc giúp cho những chú bồ câu "ngoan ngoãn hơn", không còn hung hăng "đánh nhau" nữa, giúp đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Từ một lần mở nhạc trên điện thoại di động khi đứng trong chuồng bồ câu, anh Thiều Quang Toàn (43 tuổi, trú thôn Hiệp Thanh, xã Cam Thịnh Đông, TP.Cam Ranh, Khánh Hòa) đã phát hiện âm nhạc giúp cho những chú bồ câu "ngoan ngoãn hơn", không còn hung hăng "đánh nhau" nữa, giúp đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Nông nghiệp công nghệ cao - Kỳ 13: Cho bồ câu nghe nhạcAnh Toàn cho bồ câu ăn - Ảnh: Nguyễn Chung
Anh Toàn trước đây là công nhân xây dựng cầu đường, nhưng rất thích chăn nuôi. Làm công nhân được một thời gian, với số vốn tích lũy được và vay mượn thêm, năm 2013 anh Toàn mua 14.000 m2 đất khô cằn ở thôn Hiệp Thanh để gây dựng trang trại. Ngoài nuôi bò, gà, anh Toàn tập trung làm chuồng để nuôi bồ câu.
Gian nan giữ bồ câu
Ban đầu, anh vào TP.HCM mua 100 cặp bồ câu với giá 25 triệu đồng về nuôi sinh sản. Tuy nhiên, chỉ trong thời gian ngắn, số lượng bồ câu nuôi bị chết gần một nửa. “Do khí hậu khu vực này ban ngày quá nóng, ban đêm lại gió lạnh nên bồ câu chưa thích nghi. Ngoài ra, do tôi chủ yếu học hỏi kỹ thuật nuôi ở nhiều nơi nên có thể áp dụng chưa phù hợp. Thời gian sau, tôi lợp mái tranh thay cho mái tôn để khu chuồng trại ban ngày mát mẻ, đêm thì ấm, vì thế bồ câu phát triển tốt hơn. Tôi cũng tiếp tục mua thêm 100 cặp bồ câu mới để bù đắp vào số bồ câu bị chết”, anh Toàn kể lại.
Khoảng 6 tháng sau, đàn bồ câu bắt đầu sinh sản, anh Toàn nhân giống bồ câu để phát triển trang trại. Anh cho biết năm 2014, khi số lượng bồ câu nuôi đạt hơn 1.000 cặp, tình trạng bồ câu đánh nhau diễn ra rất ác liệt trong 500 m2 chuồng trại. Sau những trận đánh, không ít bồ câu bị sưng mặt mày, tróc mình mẩy, nhiều con chết. Đánh nhau khiến bồ câu mệt mỏi, hoảng loạn, chậm lớn, ngoài ra chúng không lo “yêu đương” nên sinh sản kém, dẫn đến hiệu quả kinh tế không cao. Anh Toàn phải bôi thuốc chăm sóc cho những chú chim bị thương, thải loại những chú chim hung hăng, hay gây gổ. Tuy nhiên, tình trạng bồ câu đánh nhau vẫn thường xuyên diễn ra. Đó là chưa kể việc chim phá ổ, giẫm chết chim con, gây thiệt hại không nhỏ.
Khám phá bất ngờ
Giữa năm 2014, trong một lần vào chuồng bồ câu kiểm tra các ổ, anh Toàn đứng mở chương trình nghe nhạc trên chiếc điện thoại di động, phát những bài hát điệu bolero. Không ngờ, đàn chim đang nháo nhác bỗng vây quanh anh Toàn, rồi nhiều con mắt lim dim, hiền lành.
“Lúc này, tôi nghĩ mình nghe các bài điệu bolero thấy du dương nên chắc bồ câu cũng vậy. Hôm sau, tôi mua cặp loa mini, bỏ thẻ nhớ có các bài điệu bolero vào phát cho chim nghe thử. Tôi theo dõi và thấy chúng không còn đánh lộn, phá ổ nữa”, anh Toàn hào hứng kể lại. Anh cho biết hằng ngày anh cho bồ câu nghe nhạc từ 8 giờ sáng đến 4 giờ chiều. Trước 8 giờ và sau 4 giờ là giờ cho bồ câu ăn, còn buổi tối là để chúng chăm sóc gia đình nên phải tạm tắt nhạc để bồ câu “tập trung chuyên môn”.
“Tôi là nông dân, không nghiên cứu gì nên cũng không giải thích được vì sao bồ câu thích nghe nhạc. Chỉ vô tình thấy cách này hiệu quả nên mình làm. Trước đây, mỗi tháng đàn bồ câu giúp tôi xuất bán từ 250 - 300 cặp bồ câu con (20 - 25 ngày tuổi), sau thời gian cho nghe nhạc, chim bố mẹ được thư giãn nên không phá chuồng hay đánh lộn, còn chim con thì tăng trưởng nhanh, tôi xuất bán trung bình mỗi tháng 500 cặp bồ câu con, với giá 60.000 đồng/cặp”, anh Toàn nói.
Anh Toàn cũng cho biết sắp tới sẽ đầu tư xây dựng thêm chuồng trại, mở rộng mô hình nuôi bồ câu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.