Nông dân công nghệ cao - Kỳ 8: Bậc thầy tạo trầm trên cây gió

08/04/2013 03:30 GMT+7

Nhờ bí quyết tạo trầm trên cây gió mà ông Trương Công Lương (50 tuổi, trú tại thôn Bình Phước, thị trấn Tiên Kỳ, H.Tiên Phước, Quảng Nam) có thể kiếm được hàng tỉ đồng mỗi năm.

 
Ông Lương hướng dẫn công nhân gia công trầm mỹ nghệ - Ảnh: Hoàng Sơn

Đó là năm 2003, khi ông Lương mua 105 cây gió trên 5 năm tuổi để thử nghiệm “bài thuốc” tạo trầm của mình. Thế nhưng khi bơm dung dịch này vào thân cây, do thuốc chưa đạt chất lượng nên 95 cây héo quắt rồi chết. “Thời điểm đó, 105 cây gió giá 210 triệu đồng (2 triệu đồng/cây) là cả gia tài, cây chết tôi tưởng mình cũng sạt nghiệp. Nhưng may mắn là 10 cây còn lại đã bước đầu cho trầm, nhờ thế mà tôi gỡ được vốn. Dẫu biết tạo trầm thành công là 1 “ăn” 10 nhưng sau bài học đó, tôi luôn nhắc mình không vội vã và phải cẩn thận trong từng khâu kỹ thuật”, ông Lương nói.

 

Ông Trương Công Lương, 50 tuổi. Địa chỉ: thôn Bình Phước, thị trấn Tiên Kỳ, H.Tiên Phước, Quảng Nam. ĐT: 0982098390.

Quyết định chuyển hẳn sang nghề buôn bán trầm hương nhưng ông Lương cũng lấn cấn, nếu cứ đào bới cây trong tự nhiên thì “năm thì, mười họa” mới có một cây, như vậy sẽ rất khó gắn bó với nghề. Vốn là một người khá am hiểu về khoa học tự nhiên, từ năm 2003 - 2008, ông Lương đã mua rất nhiều loại hóa chất về pha chế, tạo dung dịch phù hợp cho cây gió. 5 năm miệt mài nghiên cứu, cuối cùng đến cuối năm 2008, ông đã tìm ra công thức hóa học của 2 loại dung dịch gồm một loại ba zơ và một loại a xít. Khi bơm cùng lúc ba zơ vào ngọn, a xít vào gốc thì cây gió sẽ cho trầm đúng như ý muốn. Chất lượng trầm cao nhất cho 1 kg, được các thương lái thu mua với giá 10 triệu đồng. Nhờ hai dung dịch này mà năm 2010, cuộc sống gia đình ông Lương trở nên khá giả. Ông mua được đất, xây được nhà nhờ bán được số trầm hương trị giá 4 tỉ đồng.

Trầm hương nhân tạo xuất ngoại

Những gốc gió 7 năm tuổi trở lên sau khi được ông Lương “phù phép” có thể cho trầm sau 20 tháng khiến nhiều người khai thác trầm chuyên nghiệp không khỏi ngỡ ngàng. Bởi từ nhiều năm qua, để có được trầm người ta phải chờ đợi, săn lùng những cây gió có tuổi thọ hàng chục năm. Ông Lương cho biết: “Quá trình tìm hiểu thực tế cùng đọc nhiều tài liệu liên quan đến cây gió, tôi được biết, để loại cây này cho trầm thì nguyên tắc phải có vết thương trên cây. Khi đó, theo cơ chế phản vệ cây sẽ tự tiết ra chất dầu kháng thể bao quanh vết thương để chống lại sự xâm nhập có hại từ môi trường. Lớp dầu tích tụ trong thời gian dài đó chính là trầm”.

Theo ông Lương, trong tự nhiên những cây gió nào bị gãy hoặc thân cây bị bong vỏ lâu năm mới có trầm. Còn với cây gió được trồng, để tạo trầm người ta thường đóng đinh sắt sâu vào thân cây nhằm tạo vết thương. Tuy nhiên, với cách này trầm bán ra không được giá, thường thì chỉ khoảng 7 triệu đồng/kg. “Dung dịch do tôi tự pha chế để bơm vào cây gió có thể cho ra tối đa 15 kg trầm/cây đường kính 30 cm. Trầm đạt chuẩn: nhiều tinh dầu, có màu đen xanh, bóng đều, khi đốt có mùi thơm, giá bán tối đa có thể đạt trên 10 triệu đồng/kg. Do không khác với trầm tự nhiên nên đã không ít khách từ các nước: Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc… đặt hàng tôi để mang về nước”, ông Lương chia sẻ.

Hoàng Sơn

>> Phập phồng đầu ra cho trầm hương nhân tạo 
>> Trầm hương vùng Bảy Núi
>> Vận chuyển trái phép 25,8 kg trầm hương
>>
Vụ đổ xô đi tìm trầm vì tin đồn: Nhiều người đã bỏ về

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.