Những dự án đỗ xe... biến mất

20/02/2012 03:35 GMT+7

Có quy hoạch bãi đỗ xe từ rất sớm nhưng triển khai nửa vời khiến Hà Nội rơi vào cảnh thiếu trầm trọng nơi đỗ xe. Kết quả, thành phố vẫn đang loay hoay “sửa sai” với một loạt dự án mới trên giấy.

>> Muốn chấp hành cũng khó

Theo TS Nguyễn Hồng Tiến, Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng), Hà Nội đã đưa ra quy hoạch bãi đỗ xe từ năm 2001 trên cơ sở khảo sát thực trạng, đánh giá mức độ và dự báo khả năng tương lai thiếu diện tích bãi đỗ. Quy hoạch này đã đề xuất nhiều giải pháp cho khu phố cổ, khu đô thị mới, giải pháp đỗ xe tại các tuyến phố, vùng ngoại vi thành phố và tính đến từng giai đoạn thực hiện. “Nhưng việc quan tâm chỉ đạo thực hiện quy hoạch rất chậm, nhiều khi không đúng với quy hoạch, một số dự án thậm chí còn bị thay đổi mục đích sử dụng”, ông Tiến nói.

9 dự án... biến mất

Trên thực tế, trong Quyết định 165 ban hành năm 2003, Hà Nội đặt ra mục tiêu tới năm 2010 xây dựng 9 dự án bãi đỗ xe. Nhưng khu đất rộng lớn được quy hoạch làm bãi đỗ xe tại phường Gia Thụy (Long Biên) đã biến thành trung tâm thương mại Savico Megamall. Khu đất rộng 2 ha tại Bến xe tải Sang Nạm (Q.Hoàng Mai) được quy hoạch làm dự án bãi đỗ xe Kim Ngưu hiện tại đang là đại lý buôn bán sắt thép và trạm trung chuyển hàng nông sản của Tổng công ty thương mại Hà Nội (Hapro). Dự án nhà đậu xe cao tầng bên cạnh Sân vận động Hàng Đẫy (Cát Linh, Q.Đống Đa) cũng đã thành trụ sở của Sở Kế hoạch - Đầu tư Hà Nội.

 
Thiếu bãi đỗ xe, lòng đường, vỉa hè là điểm đỗ xe chính của người dân Hà Nội - Ảnh: Ngọc Thắng

Theo TS Tiến, “phải rà soát lại quy hoạch theo Quyết định 165 trước đây, xem việc chuyển đổi mục đích sử dụng các bãi đỗ xe có đúng không. Chức năng thành phố đã quy hoạch là bãi đỗ xe, nếu biến tướng thì phải xem lại khâu nào đã làm sai”.

Bãi đỗ xe tạm thời

Nhìn lại quyết định cấm trông giữ xe trên vỉa hè, lòng đường 262 tuyến phố của UBND Hà Nội mới đây, TS Nguyễn Hồng Tiến cho rằng quyết định này đã không đánh giá đầy đủ tình hình thực tế và chưa đưa ra được những giải pháp hỗ trợ. Để giải tỏa nhu cầu đỗ xe trước mắt, TP cần rà soát lại thực trạng đỗ xe hiện nay, nhiều đường phố có thể cho đỗ thì nên cho phép người dân đỗ xe.

Cũng theo TS Tiến, TP cũng nên rà soát các khu vực đất trống, hoặc đã giao cho chủ đầu tư nhưng không sử dụng hoặc chưa sử dụng được làm các bãi đỗ xe tạm thời. Ngoài ra, cần tận dụng tối đa các đường phố lớn trên cơ sở tính toán kỹ về nhu cầu sử dụng, với các đường phố có mặt cắt ngang đường 14m có thể đỗ xe 2 làn hai bên, các đường phố trên 8m được đỗ xe một bên để tạm tận dụng mặt đường. “Các đô thị lớn trên thế giới vẫn cho phép đỗ xe trên hè phố, nhưng có tính toán cẩn thận hè nào, lòng đường nào được đỗ”, ông Tiến nói.

TS Nguyễn Hồng Tiến cho rằng, thất bại trong triển khai các dự án đỗ xe trong quy hoạch từ năm 2003 của Hà Nội cho thấy, “các nhà quản lý chưa để tâm đến quy hoạch do chính mình duyệt”. Ông Tiến chỉ ra, dự án bãi đỗ ngầm ở vườn hoa Vạn Xuân, hay nhiều bãi đỗ trên mặt đất đã có chủ đầu tư nhưng tới nay vẫn chưa có động tĩnh triển khai. Nếu không làm quyết liệt thì các dự án bãi đỗ xe theo quy hoạch mới cũng rất dễ lặp lại tình trạng này.

Một chuyên gia khác cho rằng, Hà Nội đang xem giao thông tĩnh - bãi đỗ xe chỉ là những “đứa con rơi”, không quyết liệt triển khai thực hiện, đẻ ra rồi nhưng không chịu nuôi lớn. Kết quả, nhiều năm qua, diện tích giao thông tĩnh của Hà Nội vẫn chỉ xấp xỉ 0,48% đất đô thị. Thậm chí, nhiều lần diện tích eo hẹp này còn có nguy cơ bị “xẻ thịt” vì các mục đích thương mại. Ông này dẫn lại, bãi đỗ xe Đền Lừ 1 (Q.Hoàng Mai) được giao cho Công ty khai thác điểm đỗ quản lý, nhưng tới tháng 7.2007, UBND lại sáp nhập bãi đỗ này vào chợ đầu mối Đền Lừ để giảm tải chợ Long Biên và chuyển quyền quản lý sang Hapro (dù bãi đỗ xe này nằm trong quy hoạch bãi đỗ xe của TP và không được chuyển đổi mục đích sử dụng). Khi đó, Công ty khai thác điểm đỗ đã phải gửi đơn lên Thành ủy Hà Nội để giữ cho bãi đỗ xe này không bị xóa sổ.

50 điểm đỗ có khả thi?

Cuối năm 2011, Sở GTVT đã trình lên UBND TP.Hà Nội kế hoạch phát triển hạ tầng giai đoạn 2011-2015, sẽ triển khai xây dựng khoảng 50 điểm đỗ theo phương thức xã hội hóa với tổng kinh phí 926 tỉ đồng, gồm cả bãi đỗ xe cao tầng lắp ghép, bãi đỗ xe ngầm… Ngoài ra, Hà Nội cũng đặt mục tiêu tăng tỷ lệ đất dành cho giao thông thêm từ 0,3-0,5%/năm để đạt 8,5-9% vào năm 2015. Chủ đầu tư các dự án phát triển nhà, khu đô thị phải bố trí bãi đỗ xe đủ cho nhu cầu dự án và dành 20-30% diện tích cho đỗ xe công cộng.

TP cũng chấp thuận cho Công ty khai thác điểm đỗ nghiên cứu, triển khai 4 dự án xây dựng điểm trông giữ xe thông minh tại phố Trần Nhật Duật, Phùng Hưng, Nguyễn Công Hoan, bờ tây sông Tô Lịch với tổng diện tích gần 40.000m2. Nhưng đại diện công ty này cho biết dự án vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu và tính toán, do còn nhiều khó khăn về vốn. Thêm vào đó là vướng mắc do mức đầu tư cao, thời gian thu hồi vốn chậm.

Theo ông Tiến, TP cần rà soát lại quy hoạch bãi đỗ xe trước đây, dự án nào khả thi cần tập trung thực hiện trước. Cần gỡ vướng cho các chủ đầu tư, có chính sách ưu đãi tiền sử dụng đất, giải phóng mặt bằng... Ngoài ra, TP cũng phải siết chặt quy định xây dựng nhà cao tầng phải đảm bảo đủ điều kiện đỗ xe cho người dân tại tòa nhà và một phần cho khu vực xung quanh. 

 Mai Hà

>> Ô tô, xe máy bỏ lòng đường lên... vỉa hè
>> Rối loạn vì thiếu chỗ đậu xe
>> Bãi bỏ các điểm đậu xe thu phí ở quận 1
>> Biến dạng dự án bãi đậu xe ngầm
>> Hạn chế xe gắn máy: Kẻ nói có, người nói không
>> Quy hoạch bãi đậu xe ngầm khu vực Công viên 23 Tháng 9
>> TP.HCM khan hiếm bãi đậu xe

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.