Nhà nông phục vụ tết - Kỳ 9: Vựa kiệu Cam Ranh

21/01/2015 05:13 GMT+7

Trong bữa ăn ngày tết, dưa kiệu là món không thể thiếu. Nên dù còn cả tháng nữa mới tới Tết Nguyên đán nhưng lúc này ở xã Cam Thành Nam (TP.Cam Ranh), nơi được xem là vựa kiệu lớn nhất của tỉnh Khánh Hòa, hầu hết các ruộng kiệu đều đã được thương lái đặt cọc, mua trọn.

Trong bữa ăn ngày tết, dưa kiệu là món không thể thiếu. Nên dù còn cả tháng nữa mới tới Tết Nguyên đán nhưng lúc này ở xã Cam Thành Nam (TP.Cam Ranh), nơi được xem là vựa kiệu lớn nhất của tỉnh Khánh Hòa, hầu hết các ruộng kiệu đều đã được thương lái đặt cọc, mua trọn.
Người dân xã Cam Thành Nam thu hoạch kiệu tết - Ảnh: Nguyễn ChungNgười dân xã Cam Thành Nam thu hoạch kiệu tết - Ảnh: Nguyễn Chung
Kiệu được người dân Cam Thành Nam xuống giống từ tháng 6 âm lịch và bắt đầu thu hoạch trong tháng chạp, phục vụ nhu cầu dịp Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, trước thời gian thu hoạch hơn cả tháng, nhiều ruộng kiệu đã có thương lái đến đặt hàng, chồng tiền. Nhiều hộ dân cho biết, thương lái đặt mua ruộng kiệu với giá từ 250 - 270 triệu đồng/ha. Sau khi trừ chi phí đầu tư, người dân có thể lãi khoảng 100 triệu đồng/ha. Những năm gần đây, nhiều thương lái từ các tỉnh miền Tây Nam bộ đến Cam Thành Nam lập trại, lưu trú dài ngày để thu mua kiệu. Họ lùng sục vào các ruộng kiệu đẹp, ngã giá. Khi đã thỏa thuận, chủ kiệu chỉ lo giữ ruộng kiệu cho đến ngày thu hoạch, nếu bên mua yêu cầu đầu tư thêm thì phải trả chi phí.
Ông Phạm Đình Thuận, 65 tuổi, ở thôn Quảng Hòa, xã Cam Thành Nam cho biết: “Giá kiệu khá ổn định nên hầu như bà con ít lo lắng. Với giá này, nông dân rất phấn khởi vì có lãi, đón một cái tết đủ đầy”. chị Trần Thị Thu Thủy, 37 tuổi, chia sẻ: “Trồng kiệu đòi hỏi công chăm sóc kỹ hơn nhưng lại kinh tế hơn. Một năm 6 tháng đầu trồng đậu, dưa, khổ qua, 6 tháng sau thì trồng kiệu. Trước đây gia đình trồng mía, năm được năm mất. Từ khi chuyển qua trồng kiệu thì đời sống khấm khá hơn”.
Ông Ngô Văn Nhẹ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cam Thành Nam, cho biết cây kiệu nhập đất này cách đây khoảng chục năm. Khi đó, mới chỉ có vài hộ dân đem giống từ miền Tây Nam bộ về trồng thử nghiệm. Thật không ngờ cây kiệu rất thích hợp đất cát pha nơi đây, cho củ to, trắng, ăn rất giòn và thơm. Ông Nhẹ nói, giọng đầy tự hào: “Chỉ hai năm sau, cây kiệu đã được người dân địa phương nhân rộng. Từ một vài hộ với chưa đầy nửa héc ta, những mùa sau đã nhanh chóng phát triển lên cả trăm hộ, với diện tích có năm đạt khoảng 80 ha. Từ một vùng quê chủ yếu dựa vào mía, ngô, Cam Thành Nam trở thành vựa kiệu lớn nhất tỉnh. Tiếng lành đồn xa, kiệu ở đây không chỉ bán ở các chợ của địa phương mà còn được vận chuyển đi Lâm Đồng, TP.HCM, Đồng Nai… tiêu thụ”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.