Nhà đầu tư ngoại ồ ạt chiếm đất - Kỳ 2: Siêu dự án ảo

27/09/2014 09:00 GMT+7

Không ít dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký vốn rất lớn để được hưởng nhiều ưu đãi, nhưng sau đó kết quả triển khai thực hiện chỉ là con số 0.

>> Nhà đầu tư ngoại ồ ạt chiếm đất (Kỳ 1)

Siêu dự án ảo
 Dự án Khu đô thị Đa Phước (Đà Nẵng) được khởi công hoành tráng năm 2008 rồi bỏ không đến nay - Ảnh: Hữu Trà

Hàng tỉ USD trên giấy

Phú Yên là địa bàn “dính” khá nhiều dự án ảo. Hồi tháng 10.2009, tỉnh tổ chức lễ trao giấy chứng nhận đầu tư cho dự án Thành phố sáng tạo Nam Tuy Hòa của Công ty Galileo Investment Group Inc (Mỹ), vốn đầu tư vừa nghe đã thấy choáng váng: 11,4 tỉ USD. Dự án được bố trí tổng diện tích đất sử dụng khoảng 7.656 ha nằm dọc hai bên bờ sông Ba. Cho đến thời điểm đó, đây là một trong những dự án có vốn đầu tư lớn nhất cả nước. Nhà đầu tư (NĐT) hứa hẹn biến dự án thành điểm sáng của thu hút FDI, với một tương lai rạng ngời. Nhưng tới năm 2011, sau 3 năm cấp phép, tỉnh Phú Yên đã phải thu hồi dự án vì chủ đầu tư liên tục trì hoãn triển khai. Hậu quả sau khi chủ đầu tư rút đi mà tỉnh phải gánh chịu là tốn kém chi phí quy hoạch, gây dư luận không tốt...

 

Dự án càng lớn sẽ tạo ra nhiều việc làm, sử dụng công nghệ tiên tiến hay các tác động tích cực về kinh tế xã hội khác, nên theo luật Đầu tư, những dự án như vậy đều được ưu tiên, ưu đãi về thuế, về đất đai... Vì chiếm được một diện tích đất khổng lồ ở những vị trí đẹp, nên những nhà đầu tư mang tính cơ hội này sẽ dễ dàng chuyển nhượng một phần hoặc toàn phần, hoặc bán dự án dễ dàng hơn.

Tại Quảng Nam tháng 9.2009, giấy chứng nhận đầu tư dự án Khu du lịch sinh thái Bãi biển Rồng với vốn đầu tư hơn 4,15 tỉ USD ở xã Điện Dương (H.Điện Bàn) được cấp, nhưng đến tháng 11.2010 thì bị thu hồi. “Siêu dự án” chết yểu bởi NĐT Mỹ không ký quỹ bảo đảm đầu tư theo cam kết, không tiến hành lập phương án đền bù giải phóng mặt bằng, xây dựng khu tái định cư, không triển khai đầu tư như đã đăng ký...

Bà Rịa-Vũng Tàu cũng có nhiều dự án du lịch kéo dài hàng chục km ven biển, trong đó có không ít dự án được cấp phép nhiều năm nhưng đến nay các chủ đầu tư ngoại vẫn chưa thi công. Đáng kể là siêu dự án 4,1 tỉ USD Saigon Atlantic Hotel, được cấp phép đã 7 năm, nhưng vẫn bất động. Dự án này do Công ty TNHH Winvest Investment VN (Mỹ) làm chủ đầu tư, được quy hoạch xây dựng trên diện tích hơn 300 ha đất ở P.11 và P.12, TP.Vũng Tàu.

Mục đích là hưởng ưu đãi

Hồi đầu năm nay, ông Nguyễn Quốc Long, Tổng giám đốc Công ty CP du lịch Hồ Tràm, đã khiến giới tài chính “choáng” khi cho biết đã ký hợp đồng nguyên tắc với Công ty Dragon Best International (trụ sở tại Hồng Kông) để tham gia chương trình hợp tác công tư (PPP) vào 3 siêu dự án đang kêu gọi đầu tư tại VN. Đó là các dự án Khu trung tâm phức hợp thương mại, tài chính, khách sạn, khu nhà ở, trung tâm hội nghị quốc tế tại Ba Son và Tân Cảng (TP.HCM) với tổng diện tích quy hoạch 58 ha, tổng vốn đầu tư 32 tỉ USD; dự án Khu du lịch sinh thái quốc tế Hồ Tràm và mở rộng thị trấn Phước Bửu tại huyện Xuyên Mộc (Bà Rịa-Vũng Tàu), tổng diện tích quy hoạch 1.595 ha, tổng vốn đầu tư 18 tỉ USD. Ngoài ra còn có dự án Khu kinh tế cửa khẩu Bờ Y tổng diện tích quy hoạch 70.400 ha, tổng vốn đầu tư lên đến 50 tỉ USD. Cả 3 siêu dự án này có tổng vốn 100 tỉ USD. Tuy nhiên, cho đến nay, thông tin về kêu gọi vốn cho các dự án trên chỉ là con số 0.

Theo TS Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế, sở dĩ các nhà NĐT nước ngoài “ham” đăng ký vốn “khủng” vào VN là để hưởng tối đa các lợi thế về ưu đãi. Trên lý thuyết, dự án càng lớn sẽ tạo ra nhiều việc làm, sử dụng công nghệ tiên tiến hay các tác động tích cực về kinh tế xã hội khác, nên theo luật Đầu tư, những dự án như vậy đều được ưu tiên, ưu đãi về thuế, về đất đai... Vì chiếm được một diện tích đất khổng lồ ở những vị trí đẹp, nên những NĐT mang tính cơ hội này sẽ dễ dàng chuyển nhượng một phần hoặc toàn phần, hoặc bán dự án dễ dàng hơn.

Một số dự án bị thu hồi để chuyển cho 2 - 3 NĐT kế tiếp, kéo theo nhiều rắc rối. “Bởi khi đưa dự án thì dễ, lúc thu lại rất khó. Có trường hợp địa phương bị NĐT thuê nhiều luật sư và chuẩn bị cả chồng hồ sơ để kiện”, ông Đinh Văn Thu, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Nam, nói.

Đối diện mối lo đầu cơ dự án, tỉnh Quảng Nam chọn giải pháp kiểm soát tiến độ. Ở cấp huyện, thành phố, chính quyền địa phương phải cam kết bàn giao mặt bằng với NĐT. Phía NĐT cũng phải cam kết tiến độ và ký quỹ.

Tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, các cơ quan chức năng cũng đang phải quyết liệt rà soát các dự án chậm triển khai. Đặc biệt, trong năm 2012 và 2013, UBND tỉnh đã thu hồi 59 dự án, trong đó có 10 dự án du lịch ven biển. Ông Hồ Văn Niên, Phó chủ tịch UBND tỉnh, cho biết trong năm nay, căn cứ phương án xử lý dự án chậm triển khai đã được phê duyệt, trước mắt tỉnh sẽ tập trung xử lý thu hồi 17 dự án chậm triển khai với tổng vốn đầu tư 500 triệu USD và gần 3.000 tỉ đồng, diện tích hơn 800 ha, trong đó có 9 dự án du lịch ven biển với tổng diện tích 166 ha. (còn tiếp)

Khởi công rồi để đó

Dự án Khu đô thị Đa Phước do Công ty TNHH Daewon Cantavil thuộc Tập đoàn Daewon (Hàn Quốc) đầu tư được khởi công vào ngày 29.2.2008 bên bờ biển Đà Nẵng có tổng diện tích lên đến 210 ha, trong đó có 180 ha lấn biển, vốn đầu tư 250 triệu USD. Thế nhưng cho đến nay, người dân chỉ thấy công trình này là một hàng rào che chắn. Mới đây, UBND TP.Đà Nẵng đã tiến hành kiểm ra, rà soát các dự án du lịch ven biển “chây ì, chậm triển khai”, trong đó có 8 dự án đầu tư nước ngoài. UBND TP.Đà Nẵng đã yêu cầu chủ đầu tư ở các dự án chậm triển khai ký cam kết chậm nhất đến quý 1 và 2/2015 phải khởi công xây dựng. (Hữu Trà)

N.T.Tâm - N.Long - H.X.Huỳnh

 

>> Doanh nghiệp nước ngoài đến rồi đi
>> Cuộc tấn công của doanh nghiệp nước ngoài
>> Nhiều doanh nghiệp nước ngoài tìm cơ hội ở VN

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.