Nhà đầu tư đòi mua 51% cổ phần doanh nghiệp nhà nước

26/03/2015 19:05 GMT+7

(TNO) Việc thoái vốn nhà nước ở nhiều tập đoàn, tổng công ty chậm có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân nhiều khách hàng muốn mua 51% cổ phần trong khi Nhà nước vẫn muốn giữ cổ phần chi phối. Trước thực trạng này, Thủ tướng chỉ đạo cần mạnh dạn bán nhiều hơn cổ phần tại doanh nghiệp nhà nước.

(TNO) Việc thoái vốn nhà nước ở nhiều tập đoàn, tổng công ty chậm có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân nhiều khách hàng muốn mua 51% cổ phần, trong khi Nhà nước vẫn muốn nắm giữ cổ phần chi phối. Trước thực trạng này, Thủ tướng chỉ đạo cần mạnh dạn bán nhiều hơn cổ phần tại doanh nghiệp nhà nước.

thoai-von Việc thoái vốn cần cơ chế để đẩy nhanh, lấy vốn tái đầu tư các lĩnh vực trọng điểm - Ảnh: Ngọc Thắng

Tại hội nghị chiều nay 26.3, về sơ kết tái cơ cấu khối doanh nghiệp nhà nước do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh chủ trì, ông Nguyễn Văn Tùng, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết: “Việc thoái vốn của một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đầu tư trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng còn chậm do Ngân hàng Nhà nước chậm có ý kiến và việc bán đấu giá cổ phần theo lô hiện nay vẫn chưa có hướng dẫn”. 

Ngoài ra, theo ông Tùng, hiện còn có tới 10 văn bản hướng dẫn thực hiện nghị định 118/NĐ-CP về sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp của một số Bộ như Tài chính, Kế hoạch - Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước... vẫn chưa ban hành, nên chưa đủ cơ sở pháp lý để các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp thực hiện.

Tại cuộc họp, một số Bộ trưởng, lãnh đạo tập đoàn nêu thực tế: nhiều nhà đầu tư hiện không mặn mà với những doanh nghiệp nhà nước khi bán cổ phần chỉ phát hành thêm cổ phiếu, huy động vốn, còn cơ bản, Nhà nước vẫn giữ tỷ lệ sở hữu đa số.

Ông Lê Minh Chuẩn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam dẫn chứng: “Hiện nay có những đơn vị báo bán 49% nhưng khách hàng yêu cầu phải bán cao hơn, đòi mua 51%”. Theo ông Chuẩn, Nhà nước cần phải "mở" hơn, nếu không để nhà đầu tư tham gia quản trị, việc cổ phần hóa sẽ rất chậm.

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng: “Cổ phần hóa mà chỉ bán vài phần trăm vốn nhà nước thì chỉ mất thời gian, không hiệu quả. Nên bán trên 51%, thậm chí cả 100% với những đơn vị không cần nắm cổ phần nào hết của Nhà nước”.

Trước các ý kiến này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhìn nhận: "Hiện những lĩnh vực mà doanh nghiệp nhà nước không cần nắm chi phối còn giữ nhiều quá. Nếu còn giữ chi phối, nghĩa là anh được quyết hết. Có những doanh nghiệp có lãi cao, dù bán ít thì nhà đầu tư vẫn mua, nhưng có nhiều doanh nghiệp lợi nhuận thấp mà vẫn chỉ bán 10 - 20% rồi lại giữ quyền điều hành, làm ăn thua lỗ, thì làm sao hấp dẫn người mua”.

Do đó, theo Thủ tướng, cần phải mạnh dạn bán nhiều hơn cổ phần tại doanh nghiệp nhà nước. “Chúng ta bán được, thu hút vốn tư nhân cũng không mất đi đâu cả, vì đó là tiền của dân, họ làm ăn năng động, hiệu quả hơn. Vốn của dân của tư nhân cũng là động lực của nền kinh tế”, Thủ tướng nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.