Nguồn lực kiều bào - Kỳ 10: Đưa ngành phần mềm VN vươn xa

07/03/2015 05:35 GMT+7

Năm 2001, TS Nguyễn Hữu Lệ (Việt kiều Úc) quay về VN và phát triển Công ty Tường Minh (TMA Solutions) chuyên về gia công phần mềm cho các tập đoàn trên thế giới. Ông đã góp phần đưa ngành gia công phần mềm VN ghi tên trên bản đồ công nghệ thế giới.

Năm 2001, TS Nguyễn Hữu Lệ (Việt kiều Úc) quay về VN và phát triển Công ty Tường Minh (TMA Solutions) chuyên về gia công phần mềm cho các tập đoàn trên thế giới. Ông đã góp phần đưa ngành gia công phần mềm VN ghi tên trên bản đồ công nghệ thế giới.
 
TS Nguyễn Hữu Lệ thường xuyên tham gia các buổi đào tạo cho nhân viên - Ảnh: M.P
TS Nguyễn Hữu Lệ thường xuyên tham gia các buổi đào tạo cho nhân viên - Ảnh: M.P
Nhân rộng đội ngũ kỹ sư phần mềm
Từ con số 6 chuyên viên phần mềm khi thành lập đến nay TMA Solutions đã có 1.800 kỹ sư đang làm việc tại 6 cơ sở ở TP.HCM. Là đối tác của nhiều tập đoàn lớn từ Canada, Mỹ, Pháp, Úc, Nhật..., công ty được các khách hàng đánh giá cao về năng lực. Năm 2002, dù TMA Solutions chưa có tới 200 kỹ sư nhưng đã được Hãng tư vấn độc lập Mỹ - Aberdeen nêu tên trong bản báo cáo "Gia công phần mềm xuất khẩu: các trường hợp tốt nhất". Đây là lần đầu tiên một công ty phần mềm VN lọt vào danh sách 15 công ty gia công phần mềm tốt nhất thế giới, đứng cạnh các tập đoàn gia công phần mềm hàng đầu như: Infosys, TCS, Wipro của Ấn Độ, Xansa của Trung Quốc... Tại VN, nếu nói về quy mô thì TMA Solutions chỉ đứng thứ hai nhưng khi nói về năng lực thì đây là công ty dẫn đầu cả nước về gia công phần mềm, có thể cạnh tranh được với các công ty lớn của Ấn Độ về khả năng thực hiện các dự án phức tạp, có độ khó cao.
Trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) nói chung và phần mềm nói riêng, nhân sự là yếu tố chính quyết định sự thành công. Để phát triển được đội ngũ này, công ty đã không ngừng đào tạo, bắt đầu từ nội bộ đến việc mở rộng thành lập trung tâm đào tạo dành cho các sinh viên mới ra trường và sinh viên năm cuối có chỗ thực tập. Việc đào tạo tập trung vào kỹ năng chuyên môn, kỹ năng mềm và ngoại ngữ - những kỹ năng sinh viên vẫn còn bị thiếu hụt dù đã tốt nghiệp đại học - để đủ điều kiện làm việc ngay trong các dự án cho nước ngoài.
Theo TS Nguyễn Hữu Lệ, với nhu cầu tuyển dụng từ 400 - 500 nhân viên/năm thì riêng trung tâm đào tạo nói trên vẫn chưa đủ đáp ứng được. Mô hình đào tạo của TMA Solutions đã được nhiều doanh nghiệp trong nước nhân rộng và từ đó, góp phần phát triển đội ngũ nhân sự về CNTT nói chung và phần mềm nói riêng của VN.
Thúc đẩy R&D
Không chỉ dừng lại ở mức gia công, hiện TMA Solutions đã triển khai mở rộng phát triển sản phẩm độc lập ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như y tế, tài chính… Phục vụ cho các mục tiêu này, từ cách đây hơn 5 năm, Trung tâm R&D (nghiên cứu và phát triển) của TMA Solutions đã được thành lập tại Công viên phần mềm Quang Trung. Chi phí đầu tư cho hoạt động của trung tâm này khoảng 600.000 USD/năm.
TS Lệ cho biết việc thành lập Trung tâm R&D là cơ sở để tận dụng những tài sản sở hữu trí tuệ có sẵn từ các cá nhân và tổ chức nước ngoài, và qua đó cũng tiến đến kêu gọi hợp tác phát triển thêm tài sản trí tuệ mới ngay tại VN. Sau một thời gian nghiên cứu, sản phẩm “Giaothông247” của công ty đã ra đời, đây là một trong những phần mềm định vị đầu tiên của VN dành cho iPhone và các thiết bị di động chạy Android với tính năng có giá trị nhất là khả năng dẫn đường thông minh, giúp tài xế tránh các tuyến đường xảy ra ùn tắc giao thông. Người dùng cũng có thể thông báo cho cộng đồng các sự kiện giao thông đang xảy ra thông qua điện thoại di động. Hiện phần mềm đang được cung cấp miễn phí cho người dùng. Bên cạnh đó, công ty cũng kết hợp với một đối tác tại Úc xây dựng dự án “Ceqeo” nhằm phát triển công nghệ phân tích nhanh toàn bộ chuỗi gien của người. Kết quả của dự án này đang được một công ty hàng đầu về phân tích DNA của Mỹ thử nghiệm để tiến tới hợp đồng mua sử dụng cho các máy đo, phân tích DNA ở các bệnh viện...
Đầu năm nay, Trung tâm R&D của TMA đã mở thêm văn phòng mới tại Thung lũng Silicon (Mỹ) để quảng bá các công nghệ đã được trung tâm đầu tư nghiên cứu và tìm kiếm các đối tác công nghệ mới. “Chỉ ý tưởng thôi thì chưa đủ vì phải am tường thực tiễn bên ngoài, sự hiểu biết công nghệ trong một địa phận nào đó và việc thực thi phải gắn với đầu ra thị trường. Đầu tư cho các dự án R&D là cơ hội để DN có thể có những sản phẩm công nghệ cao ra thị trường”, TS Lệ chia sẻ.
Liên tục từ năm 2012 - 2014, các tổ chức quốc tế đã nhìn nhận VN nằm trong Top 10 nước gia công phần mềm hấp dẫn nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương. TS Nguyễn Hữu Lệ cho biết có thể kỳ vọng VN sẽ là điểm đến chỉ đứng sau Ấn Độ - cường quốc về gia công phần mềm trên thế giới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.