Ngành đường gặp khó

05/01/2013 02:45 GMT+7

Ngành đường đang lao đao vì tồn kho cao, giá giảm, trong khi mức tiêu thụ lại không như mong muốn. Bên cạnh đó, lượng đường nhập lậu giá rẻ đang tràn ngập thị trường.

Theo Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, năm 2012, ngành đường cả nước đã sản xuất 1,3 triệu tấn, nhập khẩu 70.000 tấn theo cam kết WTO, tồn kho năm trước chuyển qua là 100.000 tấn, trong khi nhu cầu tiêu thụ vào khoảng 1,4 triệu tấn. Về lý thuyết, lượng đường tồn kho năm 2012 chuyển sang 2013 chỉ là 70.000 tấn. Tuy nhiên, theo Hiệp hội Mía đường VN, thực tế là lượng đường nhập lậu từ Thái Lan đang bóp chết các nhà máy đường trong nước.

Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường VN, cho biết: “Đường nhập lậu từ Thái Lan vào VN qua các cửa khẩu Campuchia và Lào mỗi năm lên đến 300.000 - 400.000 tấn, chiếm 30% sản lượng đường tiêu thụ trong nước, gây thất thu ngân sách vài trăm tỉ đồng mỗi năm. Các nhà máy sản xuất đường, nông dân trồng mía bị ảnh hưởng nặng nề”.

Giá đường nhập lậu chỉ khoảng 12.000 - 13.000 đồng/kg, thấp hơn giá trong nước hiện tại khoảng từ 2.000 đồng/kg. Hiện giá bán đường trắng loại 1 tại kho của các nhà máy tiếp tục giảm, chỉ còn từ 14.000 - 14.800 đồng/kg, giảm 4.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước.

Ngành đường gặp khó
Nguồn cung dư thừa khiến giá đường giảm mạnh - Ảnh: Diệp Đức Minh

Giá đường giảm nhưng sức mua vẫn thấp. Bà Dương Thị Tô Châu - Giám đốc thương mại Công ty đường Bourbon Tây Ninh - cho biết: “Mọi năm thời điểm này chính là lúc nhu cầu tiêu thụ đường tăng cao. Đường dùng để chế biến thực phẩm, nước giải khát cho dịp tết cuối năm. Nhưng năm nay thì ngược lại, sức mua quá yếu nên tình hình kinh doanh của các nhà máy đường trong nước đang rất khó khăn. Nhiều nhà máy đã phải giảm giá bán xuống mức hòa vốn hoặc lỗ từ 400 - 500 đồng/kg nhưng vẫn có rất ít hợp đồng mua hàng. Nguyên nhân là do đường nhập lậu tràn về quá nhiều, các doanh nghiệp chế biến thực phẩm ưu tiên sử dụng đường nhập, bỏ rơi đường nội”.

Đại diện Công ty CP mía đường La Ngà (Đồng Nai) cũng bức xúc cho biết: “Vừa qua, để giải phóng hơn 3.000 tấn đường tồn kho, công ty buộc phải bán dưới giá thành 500.000 đồng/tấn. Với giá mua mía niên vụ 2012 - 2013 từ 900.000 -1.050.000 đồng/tấn, doanh nghiệp đang lỗ nặng”.

Trước tình hình bi đát này, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn vừa có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ đề nghị có giải pháp giải quyết khó khăn cho sản xuất, tiêu thụ mặt hàng đường. Dự báo vụ mía đường 2012 - 2013, cả nước cung sẽ vượt cầu trên 400.000 tấn đường. Vì thế, giá đường trong nước và giá mua mía của người nông dân liên tục giảm. Nhiều doanh nghiệp không có vốn quay vòng để thanh toán tiền mua mía cho nông dân. Bộ đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép và có cơ chế tạo điều kiện xuất khẩu tiểu ngạch đường kính trắng thông qua con đường biên mậu, có kiểm soát với khối lượng 300.000 tấn; tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và kiểm soát nhập khẩu đường.

Giá còn tiếp tục giảm

Việc xuất khẩu đường sang Trung Quốc hiện nay cũng đang gặp khó khăn do nước tiêu thụ đường lớn thứ hai thế giới này đã dự trữ đủ nhu cầu nội địa nên không nhập khẩu đường từ ngày 1.10.2012 đến hết năm 2013. Nguồn cung đường từ Brazil và Ấn Độ cũng tăng mạnh và dự báo trong thời gian tới, do thời tiết thuận lợi, sản lượng đường ở các thị trường này tiếp tục gia tăng làm tăng thặng dư đường toàn cầu. Do nguồn cung tăng, nên dự kiến giá đường trong thời gian tới cũng sẽ tiếp tục giảm.

Quang Thuần

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.