Ngân sách vay 30.000 tỉ ‘chỉ tạm thời’

01/08/2015 06:22 GMT+7

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm có nhiều chuyển biến tích cực, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 11,3% so với cùng kỳ, trong đó công nghiệp chế biến chế tạo tăng trên 10%; các chỉ số vĩ mô vẫn ổn định, chỉ số giá tiêu dùng tăng ở mức thấp 0,13%; tổng cầu của nền kinh tế vẫn tăng trưởng khá.

* Kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm có nhiều chuyển biến tích cực
* Làm rõ vụ xe máy xúc chèn qua người dân

Tại cuộc họp báo hôm qua, ông Nguyễn Văn Nên, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, cho biết trong phiên họp thường kỳ của Chính phủ kết thúc chiều cùng ngày, sau khi nghe các ý kiến thảo luận của các thành viên Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm có nhiều chuyển biến tích cực, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 11,3% so với cùng kỳ, trong đó công nghiệp chế biến chế tạo tăng trên 10%; các chỉ số vĩ mô vẫn ổn định, chỉ số giá tiêu dùng tăng ở mức thấp 0,13%; tổng cầu của nền kinh tế vẫn tăng trưởng khá.

Kết quả thu ngân sách 6 tháng đầu năm vẫn đạt trên 59% dự toán, cao hơn trong các năm gần đây
Kết quả thu ngân sách 6 tháng đầu năm vẫn đạt trên 59% dự toán, cao hơn trong các năm gần đây - Ảnh: Ngọc Thắng
Tuy nhiên, tình hình kinh tế cũng đã xuất hiện một số vấn đề. Đáng chú ý nhất là trận bão lụt mới xảy ra đã gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản (tổng thiệt hại tạm tính 1.000 tỉ đồng) và tính mạng của người dân ở Quảng Ninh. “Thủ tướng đã có một số công điện chỉ đạo, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã trực tiếp đến tận địa bàn tỉnh Quảng Ninh để chỉ đạo, xử lý khắc phục hậu quả trận bão lũ này”, ông Nên nói.
“Không phải do khó khăn”
Tại cuộc họp báo, nhiều câu hỏi đặt ra về việc Bộ Tài chính vay Ngân hàng Nhà nước (NHNN) 30.000 tỉ đồng để bổ sung cho ngân sách nhà nước (NSNN).
Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó thống đốc NHNN cho biết hiện nay, không có quy định nào không cho phép NHNN hỗ trợ NSNN. Có những thời điểm cần hỗ trợ NSNN thì NHNN đánh giá, cân đối trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô, NHNN và Bộ Tài chính sẽ xem xét để tính toán. Có thể dùng tiền cung ứng nhưng tiền cung ứng cũng phải áp dụng các biện pháp đồng bộ để phù hợp các mục tiêu ổn định lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Về vụ việc vừa qua tại Hải Dương, trong khi giải phóng mặt bằng xe máy xúc do chủ đầu tư thuê đã chèn lên một người dân, ông Nguyễn Văn Nên cho biết ngay khi vụ việc xảy ra Thủ tướng đã chỉ đạo ngay lập tức, yêu cầu UBND tỉnh làm rõ nguyên nhân, mức độ và báo cáo, xử lý sau đó, UBND tỉnh Hải Dương đã có báo cáo sơ bộ. Đối chiếu với thông tin của người dân, dư luận xã hội; thông tin của chủ đầu tư và thông tin báo cáo của UBND tỉnh thì có những tình tiết chưa rõ nên Thủ tướng tiếp tục yêu cầu lãnh đạo tỉnh Hải Dương chỉ đạo các cơ quan của tỉnh điều tra, xem xét, nếu có dấu hiệu vi phạm thì xử lý nghiêm minh đồng thời xử lý các khiếu nại của người dân một cách thỏa đáng. Hiện tỉnh Hải Dương cũng đang khẩn trương chỉ đạo vụ việc này.
Cũng theo Phó thống đốc NHNN, việc NHNN hỗ trợ NSNN chỉ là “tạm thời”. Theo quy định của luật NHNN, việc tạm ứng cho NSNN phải hoàn trả qua ngân sách. Việc cung ứng tiền qua bất kể kênh nào thì NHNN cũng sẽ có công cụ điều tiết trở lại, vẫn đảm bảo mục tiêu của chính sách tiền tệ. Hiện nay, việc phối hợp chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa vẫn chặt chẽ, phục vụ tốt cho nền kinh tế.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải cũng cho biết, tình hình NSNN năm nay có khó khăn do giá dầu thô giảm nhưng kết quả thu 6 tháng đầu năm vẫn đạt trên 59% dự toán, cao hơn trong các năm gần đây. Bộ Tài chính vẫn chỉ đạo đạt và vượt dự toán thu cả năm, đảm bảo bội chi không quá 5% theo nghị quyết của Quốc hội nên việc điều hành NS cũng không khó khăn hơn.
Cũng theo Thứ trưởng Hải, khoản “vay” 30.000 tỉ đồng từ NHNN không phải do khó khăn NS. Do điều hành thì có tháng thu nhiều hơn, có tháng thu ít hơn. Đặt vấn đề mượn 30.000 tỉ đồng chỉ là nhất thời và NSNN sẽ hoàn trả trong năm nên không có khó khăn gì trong việc hoàn trả này.
Làm chặt chẽ hơn quy trình bổ nhiệm cán bộ
Trả lời câu hỏi xung quanh vụ ông Nguyễn Xuân Sơn (đã bị cơ quan điều tra khởi tố, bắt tạm giam), nguyên Chủ tịch Tập đoàn dầu khí VN (PVN) có sai phạm trong thời kỳ làm Tổng giám đốc Ngân hàng Ocean Bank nhưng vẫn được bổ nhiệm là Chủ tịch PVN, ông Nguyễn Văn Nên cho biết, công tác bổ nhiệm cán bộ, công chức có quy trình, quy định khá đầy đủ để quản lý cán bộ. Tuy nhiên, quy trình này đã không phát hiện ra hành vi vi phạm pháp luật của một con người.
“Việc không phát hiện thế nào, cơ quan điều tra sẽ làm rõ", ông Nên nói và cho biết thêm, sai phạm của ông Sơn không thể phát hiện sớm vì qua việc điều tra mở rộng vụ việc với ông Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch Ocean Bank mới phát hiện ra các tội danh của ông Sơn. “Qua công tác điều tra mới làm rõ khâu nào quản lý cán bộ còn yếu kém để sau này bổ sung các quy định cho chặt chẽ hơn”, ông Nên nói.
Cũng theo ông Nên, đánh giá cán bộ là khâu khó nhất trong quy trình bổ nhiệm cán bộ. Tuy nhiên, qua vụ việc trên cho thấy, cho dù qua các khâu không phát hiện vì lý do nào đó, nhưng cuối cùng, một người có hành vi vi phạm pháp luật, dù ở cương vị nào cũng sẽ bị xử lý công bằng, nghiêm minh trước pháp luật.
Thịt gà nhập gây khó cho chăn nuôi
Theo ông Nguyễn Văn Nên, tại phiên họp thường kỳ Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đã nêu thực trạng gà thịt nhập khẩu từ Mỹ vào VN giá quá rẻ, gây khó khăn cho chăn nuôi trong nước. Chính phủ có thảo luận về vấn đề này và có thông tin từ chính người dân cho thấy, giá thịt gà bán tại Mỹ còn cao hơn giá xuất khẩu sang VN. Ở đây đã có dấu hiệu bán phá giá nên Chính phủ đề nghị các cơ quan được phân công theo dõi vấn đề này làm rõ, báo cáo thêm.
Thứ trưởng Bộ Công thương Cao Quốc Hưng cũng cho rằng, cần có cuộc điều tra để xem xét có dấu hiệu bán phá giá hay không và Bộ Công thương sẽ triển khai việc này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.