Ngân hàng gom vàng kiếm lời

25/07/2012 03:40 GMT+7

Các ngân hàng (NH) giải thích việc đột ngột tăng lãi suất (LS) chứng chỉ huy động vàng nhằm cân bằng trạng thái, trả nợ cho khách hàng đáo hạn.

Các ngân hàng (NH) giải thích việc đột ngột tăng lãi suất (LS) chứng chỉ huy động vàng nhằm cân bằng trạng thái, trả nợ cho khách hàng đáo hạn.

>> Lãi suất sẽ “ổn định” ở... mức cao ?
>> Hạ lãi suất, không lẽ là chuyện đùa? - Kỳ 2: Xử lý các ngân hàng không chịu chia sẻ
>> Hạ lãi suất, không lẽ là chuyện đùa?
>> Khách hàng cá nhân chờ giảm lãi suất

Nhưng theo nhiều chuyên gia, không loại trừ hành vi gom vàng bán kiếm lời của một nhóm NH được phép mở tài khoản nước ngoài, được chuyển đổi vàng thành tiền đồng.

Lãi suất liên ngân hàng xu hướng tăng 
Lãi suất liên ngân hàng đang có xu hướng tăng lên - Ảnh: Ngọc Thắng

Minh chứng rõ nhất cho động cơ này khi mà những ngày qua các NH chủ động tăng LS đều rơi vào các gương mặt quen thuộc như ACB, Eximbank, Đông Á... Đó là 3 trong số 5 NH vốn trực thuộc nhóm G5+1, nhóm thường xuyên được tham gia bình ổn giá vàng, được mở tài khoản ở nước ngoài cũng như chuyển đổi vàng thành tiền đồng theo quy định của NHNN.

Cơ chế “vẽ đường”

Trước đó, NHNN yêu cầu tất cả các NH phải chấm dứt huy động và cho vay vốn bằng vàng trừ trường hợp phát hành chứng chỉ ngắn hạn để chi trả vàng theo yêu cầu của khách hàng khi số vàng thu nợ và tồn quỹ không đủ để chi trả. Việc này phải chấm dứt vào ngày 25.11.2012. Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng không được chuyển đổi vốn huy động bằng vàng trước đây thành tiền đồng và các hình thức bằng tiền khác. Nhưng, chỉ sau vài tháng, với lý do cần phải có một nhóm NH đứng ra bình ổn khi giá vàng trong nước và thế giới biến động, ngày 6.10.2011, NHNN dỡ bỏ lệnh cấm đối với các NH hội đủ một số điều kiện như: có kinh nghiệm bề dày trên 5 năm kinh doanh vàng, có quy định về quản lý rủi ro vàng, không vi phạm trong quá trình hoạt động... được xem xét chấp thuận chuyển đổi vàng tồn quỹ thành tiền và mở tài khoản ở nước ngoài.

 Tổng giám đốc một NH lớn tại Hà Nội nhận xét, nếu nhìn kỹ số NH tăng LS huy động vàng đều rơi vào nhóm G5+1, tức các NH đủ điều kiện được mở tài khoản kinh doanh vàng tài khoản nước ngoài, được chuyển đổi vàng tồn quỹ thành tiền đồng. Vì vậy, lý do "cân bằng trạng thái và trả nợ khách hàng" không phải động cơ chính. Nếu vì lý do này, tại sao các NH khác lại không thực hiện?”.

Đón đầu kiếm lợi khủng?

Một chuyên gia tài chính giải thích thêm, các NH trước kia huy động vàng đến nay đều đã bán hết, hiện nhiều món đến kỳ đáo hạn thì buộc phải xin NHNN cấp giấy phép cho huy động vào trả cho khách. Nhưng số này cũng chỉ là ít bởi thời gian qua gần như các NH đã đáo hạn hết. Động cơ chính, theo chuyên gia này là các NH thuộc nhóm có cơ chế ưu đãi, tức nhóm G5+1 đi trước đón đầu, hòng kiếm lời nhờ dự báo giá vàng sẽ ổn định hoặc đi xuống trước hạn cuối chấm dứt huy động 25.11. “Kinh tế khó khăn, thị trường từ nay đến cuối năm khó có biến động nhiều, nhu cầu sụt giảm trầm trọng. Giá vàng thế giới cũng sẽ ổn định hơn, nên sức mua cũng không nhiều. NH có thể huy động vàng với giá 42 triệu đồng/lượng, bán ra lấy tiền đồng, hoặc ngoại tệ. Sau này giá vàng giảm mua lại để trả cho khách hàng”, ông nói.

 Lãnh đạo NH khác nhận định, quy định hạn cuối NHNN cho phép huy động vàng bằng chứng chỉ, đã tạo điều kiện cho lợi ích nhóm kiếm lời, có nguy cơ gây xáo trộn thị trường vàng và gây biến động thị trường tiền tệ. Bởi theo ông, thời gian qua, LS liên NH đang có xu hướng tăng lên, vì vậy các NH này tranh thủ huy động vàng với LS thấp chỉ 1%/năm, chuyển đổi thành tiền đồng kinh doanh trên thị trường này. Ngoài ra, hiện nay huy động tiền đồng với LS chỉ 9%/năm đang có chiều hướng suy giảm, nên các NH thông qua kênh vàng chuyển đổi để tăng vốn, nếu giá vàng ổn định và có xu hướng giảm sẽ có lợi hơn về chi phí huy động và tăng tính thanh khoản. “Nói chung một khi được lợi từ cơ chế mở tài khoản ở nước ngoài, được chuyển đổi vàng thành tiền thì các NH có nhiều cách để hưởng lợi và kiếm tiền qua vàng. Vèo cái có khi kiếm cả trăm tỉ đồng”, chuyên gia này nói.

Ngày 18.7.2012, ACB phát hành chứng chỉ huy động vàng với các kỳ hạn 1, 2, 3 tháng, LS cạnh tranh 0,8%/năm và đảm bảo đáo hạn trước ngày 25.11.2012 theo quy định của NHNN.

Eximbank cũng đang huy động vàng các kỳ hạn từ 1, 2, 3 tháng nhưng LS chỉ 0,6%/năm đối với số lượng gửi dưới 10 lượng. Tuy nhiên, nếu gửi thời gian dài hơn (từ 6 tháng trở lên), khách hàng không được nhận mức LS này mà chỉ được LS 0,4%/năm. Nếu gửi trên 10 lượng, Eximbank sẽ trả LS 0,8%/năm cho các kỳ hạn 1, 2, 3 tháng.

DongA Bank là NH đầu tiên ngừng huy động vàng trong những ngày đầu tháng 7 và áp dụng mức phí giữ hộ 0,05% trên giá trị vàng giữ hộ. Tuy nhiên, hiện nhà băng này huy động vàng trở lại với LS 1%/năm cho tất cả các kỳ, nhưng phải đáo hạn trước 25.11.

Văn Khoa

Anh Vũ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.