Ngăn chặn lạm quyền, áp đặt trong quản lý đất đai

18/06/2013 03:03 GMT+7

Phiên thảo luận về dự thảo luật Đất đai sửa đổi chiều qua tại hội trường của Quốc hội ghi nhận một loạt ý kiến thẳng thắn xoay quanh việc cần làm rõ khi nào nhà nước thu hồi đất, điều kiện, tiêu chí thu hồi vì mục đích gì, xác định giá trị đền bù ra sao...

 

Phải tổ chức đối thoại trực tiếp với người bị ảnh hưởng do cưỡng chế để tìm hiểu rõ nguyên nhân tại sao vì quyền lợi bị vi phạm, hay do bị kẻ xấu lợi dụng kích động. Như vậy sẽ hạn chế thấp nhất thiệt hại tiền, tính mạng con người như các vụ việc vừa qua mà điển hình là vụ Tiên Lãng

 ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh)

Trong khi đa số ý kiến phát biểu đều bày tỏ tán thành cao với quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân, một số đại biểu cũng đã phản ảnh nguyện vọng cử tri về vần đề sở hữu và quản lý đất đai.

Theo Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.Cần Thơ Huỳnh Văn Tiếp: “Qua tập hợp đại đa số ý kiến nhân dân cho rằng lịch sử, nguồn gốc hình thành việc sử dụng đất cũng như việc tiến hành các chính sách về ruộng đất là một thành quả cách mạng, vả lại đất đai là thành quả do công sức khai phá, bồi bổ của cả dân tộc Việt Nam và sự đánh đổ bằng xương máu để có được, nên tôi thống nhất tiếp tục quy định trong Hiến pháp và luật Đất đai nội dung: Đất đai là sở hữu của toàn dân, nhưng để thể hiện ý chí của toàn dân, QH là người đại diện, tôi đề nghị QH nên cho lấy phiếu biểu quyết về vấn đề này”.

Vụ Tiên Lãng - Bài học trách nhiệm khi cưỡng chế

Về cưỡng chế, thực hiện thu hồi đất, Dự thảo luật quy định: Chủ tịch UBND các cấp có thẩm quyền ban hành quyết định thu hồi đất, cưỡng chế; UBND cấp huyện có trách nhiệm triển khai thực hiện… ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) đề nghị cần có quy định cụ thể hơn, vì thực tế trong trường hợp Chủ tịch tỉnh có quyết định thu hồi, cưỡng chế nhưng có nhiều người không đồng ý thì phải tổ chức đối thoại trực tiếp với người bị ảnh hưởng do cưỡng chế để tìm hiểu rõ nguyên nhân tại sao vì quyền lợi bị vi phạm, hay do bị kẻ xấu lợi dụng kích động. “Như vậy sẽ hạn chế thấp nhất thiệt hại tiền, tính mạng con người như các vụ việc diễn ra vừa qua mà điển hình là vụ Tiên Lãng” - ĐB Khá đề xuất.

Liên quan đến xử lý vi phạm pháp luật về đất đai, ĐB Khá bày tỏ ý kiến, luật cần làm rõ thêm trách nhiệm cụ thể của cá nhân, tổ chức lãnh đạo do cố ý, vô tình thiếu trách nhiệm khi tham mưu đề xuất, quyết định sai, trách nhiệm của người đứng đầu để vi phạm pháp luật về đất đai. ĐB Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiên-Huế) chỉ rõ chương 6 Dự thảo luật quy định rõ trách nhiệm của người sử dụng đất, nhưng trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong quản lý lại quá mờ nhạt ĐB Mạo đề nghị luật trao thẩm quyền lớn cho cơ quan công quyền thì cũng phải quy định rõ trách nhiệm để tránh lạm quyền, lạm dụng, làm sai đối với người bị thu hồi. Cũng theo ĐB Mạo, UBND tỉnh khi cưỡng chế chưa thỏa đáng, làm thiệt hại lợi ích, là việc làm vô cùng hệ trọng ảnh hưởng tới người dân nhưng lại không có điều khoản cụ thể nào để hạn chế, để cơ quan đó làm đúng.

ĐB Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) nêu điều 12 của Dự thảo quy định 7 điều cấm có tới 6 điều cấm người sử dụng đất, trong khi chỉ có 1 điều cấm cơ quan quản lý. Để tránh lạm quyền, ĐB đề nghị cần bổ sung điều khoản cấm cơ quan, người có thẩm quyền: từ chối cung cấp thông tin, cung cấp thông tin sai, cản trở gây khó khăn làm ảnh hưởng tới quyền và lợi ích của người sử dụng đất. “Như vậy sẽ tạo ra một sự bình đẳng, công khai, minh bạch và tránh được tình trạng lạm quyền của cơ quan công quyền trong quản lý đất đai” - ĐB đề nghị.

Ngăn chặn lạm quyền, áp đặt trong quản lý đất đai
Ảnh: Ngọc Thắng

Cần đổi mới cơ chế định giá đất

Theo Phó trưởng đoàn ĐBQH TP.Hải Phòng Trần Ngọc Vinh, mặc dù Ban soạn thảo đã cố gắng tiếp thu, chỉnh lý và có những sửa đổi so với luật hiện hành, song nội dung về giá đất trong dự thảo vẫn là “một điểm nghẽn, thể hiện sự lúng túng của cơ quan soạn thảo, không có bước đột phá căn bản”. Theo đó, các quy định về giá đất trong dự thảo luật vẫn nghiêng nhiều về bảo vệ quyền của nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu trong việc áp đặt giá đất. Chưa có tiêu chí cụ thể để xác định giá đất, cơ chế định giá đất, vẫn chỉ là Chính phủ quy định khung giá đất, nguyên tắc phương pháp xác định giá đất, sau đó UBND cấp tỉnh căn cứ vào đó để xây dựng bảng giá đất tại địa phương.

Để khắc phục, ông Vinh đề nghị phải xây dựng một cơ quan có thẩm quyền quyết định về giá đất độc lập với cơ quan có thẩm quyền quản lý đất đai, nhằm tách bạch cho được thẩm quyền quyết định về đất đai và thẩm quyền quyết định về giá đất, tránh tình trạng một cơ quan vừa đá bóng vừa thổi còi. Đồng thời, xây dựng trong luật cơ chế tự thỏa thuận giữa doanh nghiệp và người dân, vì đây là hai chủ thể kinh tế độc lập, bình đẳng và cần được đối xử công bằng. Nhà nước không nên đứng ra đền bù đất cho các dự án kinh tế bằng bảng giá đất do mình ban hành.

Sẽ xin ý kiến ĐBQH về các nội dung nhiều ý kiến khác nhau

Phát biểu điều hành thảo luận dự luật Đất đai (sửa đổi) sáng qua, Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, đến thời điểm này đã có gần 7 triệu lượt ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức và nhân dân về dự thảo luật Đất đai. Trên cơ sở tổng hợp đầy đủ, khách quan, trung thực ý kiến của nhân dân, “Ủy ban TVQH đã chỉ đạo cơ quan thẩm tra phối hợp với cơ quan soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật để trình ra QH với tinh thần nghiêm túc ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp nghiên cứu, chắt lọc các ý kiến hợp lý để thể hiện ý chí của nhân dân”.

B.C

Anh Vũ - Nguyệt Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.