Mong đợi của doanh nghiệp

04/01/2013 04:00 GMT+7

Năm 2012 là một năm đào thải đầy đau đớn của khối tư nhân, khi có hơn 55.000 công ty giải thể, kéo theo biết bao người chịu cảnh thất nghiệp.

Đối với nền kinh tế VN, doanh nghiệp tư nhân là khu vực kinh tế tạo ra nhiều công ăn việc làm nhất, hơn cả doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Nhưng phải nói rằng đa số doanh nghiệp tư nhân còn rất yếu, đặc biệt về thực lực tài chính, nên dễ dàng chịu thiệt hại nặng nề qua các cuộc sàng lọc.

Bởi thế, năm cũ 2012 khép lại cũng là lúc những mong muốn, kỳ vọng mới được mở ra. Nhưng kỳ vọng thôi là chưa đủ, mà còn phải có hành động. Hành động đó không chỉ xuất phát từ riêng phía doanh nghiệp (ở đây, chúng tôi nhấn mạnh đến khối tư nhân - đối tượng chịu thiệt thòi nhất trong nền kinh tế của nước ta), mà quan trọng hơn hết là từ chính sách của nhà nước. Nhìn lại năm 2012, tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, tâm sự rằng Chính phủ đã có khá nhiều biện pháp để hỗ trợ doanh nghiệp, chủ yếu là giảm giãn thuế và kiên trì cắt giảm lãi suất.

 
Các doanh nghiệp tư nhân đang mong chờ những chính sách mới của Chính phủ để có thể vượt qua khó khăn - Ảnh: Diệp Đức Minh

Tuy nhiên, các biện pháp này chỉ giúp được các doanh nghiệp đang hoạt động tiếp tục hoạt động, chứ không thể giúp các doanh nghiệp đang chết vì khó khăn có thể hồi sinh. Trớ trêu thay, nhiều doanh nghiệp muốn chết cũng khó mà chết một cách bình thường, bởi ngay cả việc phá sản cũng gặp không ít trở ngại trong thủ tục hành chính. Chẳng hạn, muốn phá sản, doanh nghiệp phải có chứng nhận hoàn thành nghĩa vụ thuế. Mà doanh nghiệp vừa và nhỏ ở ta, thanh tra thuế 3 năm chỉ làm một lần. Còn nữa, giảm lãi suất huy động nhưng không quy định trần lãi suất cho vay, khiến lãi suất cho vay vẫn còn quá cao, doanh nghiệp khó với tới.

Thực tế, Chính phủ đã có những biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng thực thi thì còn vấn đề; một số biện pháp chưa thể phát huy tác dụng; một số biện pháp đã đề nghị nhưng chưa triển khai. Do đó, năm 2013 là năm tiếp tục thực thi những vấn đề còn dang dở, tìm cách phát huy hiệu quả các giải pháp đã ban hành và triển khai những dự định. Nút thắt của mọi vấn đề để hỗ trợ doanh nghiệp một cách tốt nhất chính là những cải cách trong bộ máy nhà nước. Cụ thể là cải cách doanh nghiệp nhà nước, kiểm soát độc quyền. Nếu gỡ được nút thắt này, khối tư nhân sẽ dễ thở hơn trong vấn đề cạnh tranh. Ngoài ra, tiến sĩ Doanh cũng đề nghị nhanh chóng thực hiện kế hoạch giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 25% xuống còn 22% và 20% cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đây là những giải pháp cấp thời nhất để trong năm 2013, doanh nghiệp có thể lấy lại niềm tin và "sức khỏe".

Năm 2012, kinh tế nước ta cũng chứng kiến nhiều trường hợp doanh nghiệp phải cắn răng bán đi một phần hoặc toàn bộ công ty. Ông Nguyễn Minh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty CP Kềm Nghĩa, cho biết bản thân ông là chủ doanh nghiệp nên hiểu rõ nỗi đau đớn của bạn bè, đồng nghiệp. Gầy dựng một cơ sở kinh doanh là quá trình gian khó, phải bỏ biết bao thời gian và sức lực, tiền của. Phát triển đến một mức nào, ông Tuấn khẳng định, các doanh nhân không còn quá chú trọng đến việc kiếm tiền nữa, mà lớn hơn đó là sự đóng góp vào nền kinh tế đất nước, tạo của cải cho xã hội và việc làm của người lao động. Chính phủ chắc chắn nhận thấy điều đó, nên cần phải có những giải pháp, chính sách hỗ trợ đúng người, đúng đối tượng và thực tiễn nhằm hạn chế phần nào các cuộc sụp đổ của công ty tư nhân trong nước.

Cũng như nhiều doanh nghiệp khác, ông Tuấn mong muốn rằng năm 2013, vấn đề quan trọng nhất là kéo giảm lãi suất cho vay xuống mức thấp hơn. Việc giảm lãi suất xuống thấp sẽ có tác động tích cực đến nhiều vấn đề. Trước hết người tiêu dùng sẽ vay tiêu xài, mua sắm, giúp doanh nghiệp bán được hàng hóa, sản xuất tăng trưởng, công nhân được lương cao. Ngoài ra, năm 2008, doanh nghiệp được vay vốn bù lãi suất của Chính phủ (4%/năm), nhờ đó đã nhanh chóng vượt qua cơn khốn khó. Năm 2013, nếu được Chính phủ triển khai gói giải pháp này, doanh nghiệp sẽ mạnh dạn vay vốn đầu tư sản xuất, làm ăn, từ đó có thể vượt qua giai đoạn cực kỳ khó khăn này.

N.Trần Tâm

>> Thủ tướng Đức cảnh báo tình hình kinh tế EU năm 2013
>> Ba kịch bản cho nền kinh tế năm 2013
>> Phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể
>> Đẩy mạnh phong trào cựu chiến binh làm kinh tế giỏi
>> Nóng bỏng vấn đề kinh tế, an ninh
>> Kinh tế Trung Quốc sẽ vượt Mỹ vào năm 2016?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.